Đường dẫn truy cập

Vấn đề nhân quyền được nêu lên trước chuyến thăm Miến Điện của bà Clinton


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên máy bay đi thăm châu Á, Thứ Hai, 28/11/2011
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên máy bay đi thăm châu Á, Thứ Hai, 28/11/2011

Những tổ chức nhân quyền tại Hoa Kỳ hối thúc Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu lên những mối quan tâm về nhân quyền khi bà gặp các nhà lãnh đạo chính phủ được quân đội Miến Điện hậu thuẫn trong tuần này. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben tường trình là những tổ chức này kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù chính trị, chấm dứt những hoạt động vũ trang bạo động nhắm vào các sắc tộc thiểu số và thu hồi những luật lệ hạn chế cải cách dân chủ.

Mười hai tổ chức nhân quyền, gồm cả Chiến dịch cho Miến Điện có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã gửi văn thư đến Ngoại trưởng Hillary Clinton yêu cầu bà tận dụng mối quan tâm của Miến Điện muốn có sự quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ.

Chiến dịch cho Miến Điện có trụ sở tại Washington ghi nhận những cải cách được Tổng thống Thein Sein thực hiện kể từ khi nhậm chức vào đầu năm nay, nhưng tổ chức này cảnh báo những bước tích cực này có thể bị đảo ngược bất cứ lúc nào.

Tổ chức này yêu cầu tạo thêm nhiều áp lực hơn nữa đối với chính phủ Miến để đòi họ trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Theo những người bênh vực nhân quyền, con số này vượt quá 1.200 người. Tổ chức cũng kêu gọi mở đối thoại có ý nghĩa với các tổ chức đối lập dân chủ và đại diện của những sắc tộc thiểu số.

Tại Bangkok, bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức bênh vực nhân quyền, Mạng lưới Thay thế ASEAN, nói vẫn còn những quan tâm đối với cam kết cải cách của Miến Điện, tiếp theo những luật mới có vẻ như hạn chế hơn là thăng tiến cải cách dân chủ.

Bà Debbie Stothard nói: “Những luật lệ mới được ban hành trong năm qua, gồm cả luật được Quốc hội thông qua, thực sự trái ngược với khuynh hướng tích cực hiện đang diễn ra tại Miến Điện. Luật mới về những cuộc bầu cử chính quyền địa phương nhưng ứng cử viên lại do các viên chức địa phương lựa chọn. Chúng ta thấy luật được gọi là tụ họp ôn hòa hình như để hạn chế nhiều hơn những cuộc tụ họp ôn hòa.”

Bạo động về sắc tộc cũng là mối quan tâm chính của những tổ chức cứu trợ nước ngoài.

Các giới chức Miến Điện công nhận có những cuộc tấn công vào các sắc tộc thiểu số, nhưng lại nói là những vụ bạo động này không có hệ thống. Các giới chức nói họ được khích lệ về những dấu hiệu đối thoại với những nhóm sắc tộc.

Ít tổ chức bên ngoài được tiếp cận những khu vực xa xôi, nơi những cuộc giao tranh xảy ra. Tuy nhiên một phúc trình được một tổ chức cứu trợ có tên Đối tác Cứu trợ và Phát triển công bố mới đây cho thấy những nhân viên cứu trợ nhân quyền ghi nhận những cuộc tấn công mới đây vào những làng của người thiểu số Kachin gồm cả tra tấn và hãm hiếp. Những người này nói những cuộc tấn công đã xảy ra trong cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và Quân đội Độc lập Kachin.

Một đồng sáng lập viên của tổ chức cứu trợ, ông Oddny Gumaer nói ông hy vọng bà Clinton sẽ nêu vấn đề những cuộc tấn công nhắm vào các cộng đồng sắc tộc trong cuộc họp giữa bà với Tổng thống Thein Sein.

Ông Oddny Gumaer nói: “Hầu hết những phúc trình của chúng tôi đến từ bang Kachin. Những vụ việc như vậy cũng xảy ra tại bang Karen và bang Shan. Và chắc chắn tôi mong muốn bà Hillary Clinton đưa những vấn đề này ra trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Miến Điện.”

Trước đây trong tháng, một cơ quan nhân quyền do chính phủ Miến Điện bổ nhiệm thúc đẩy Tổng thống nước này trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị hay chuyển họ về đến những nhà tù gần gia đình họ. Chính phủ Miến Điện nói không có tù chính trị bị giam giữ, chỉ có những người bị kết án chiếu theo luật pháp bị giam giữ mà thôi.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Miến Điện là một thành viên công nhận những cải cách được chính phủ Miến Điện ban hành, mở đường cho Miến Điện chủ trì hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo ASEAN vào năm 2014.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG