Đường dẫn truy cập

Sẽ chỉ có những thay đổi bề ngoài sau cuộc bầu cử Miến Điện


Ông Kenneth Roth đã điều hợp một cuộc thảo luận về những diễn tiến tại Miến Điện
Ông Kenneth Roth đã điều hợp một cuộc thảo luận về những diễn tiến tại Miến Điện

Chưa đầy 2 tuần nữa Miến Điện sẽ mở bầu cử lần đầu tiên từ 20 năm nay. Mặc dù phe dân sự và đối lập được phép tham gia bầu cử, giới phân tích thời cuộc cho rằng cuộc bầu cử sẽ chẳng thay đổi được tình trạng giới quân nhân nắm chặt lấy quyền bính tại quốc gia này.

Chính phủ quân nhân Miến đang gọi cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11 là một bước tiến dến con đường dân chủ.

Nhưng ông Kenneth Roth thuộc tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch lưu ý rằng cuộc bầu cử sẽ là một trò giả tạo. Ông nói:

“Về phần phe quân nhân họ cố ý tạo ra vẻ như dân sự sẽ nắm quyền cai trị qua cuộc bầu cử đó, nhưng thực ra là để củng cố quyền cai trị của phe quân nhân. Họ cố tạo ra một bề ngoài sao cho cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận, nhưng sẽ không trao 1 tí ti thực quyền nào cho dân sự, những người sẽ chỉ được cất nhắc vào những chức vụ có tính cách hình thức mà thôi“

Ông Roth đã điều hợp một cuộc thảo luận kéo dài một ngày tại trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Johns Hopkins về những diễn tiến tại Miến Điện.

Ông David Williams, một người trong ủy ban tham dự thuộc Trung Tâm Dân Chủ Hiến Định, CCD, ghi nhận rằng trong lúc phe dân sự có thể ra tranh cử, phe quân nhân bảo đảm là họ sẽ được quyền giữ 25% số ghế tại quốc hội và có quyền phủ quyết đối với 75% các ứng viên còn lại. Ông giải thích:

“Ủy ban bầu cử đang xem xét từng cá nhân mỗi ứng cử viên, vì thế không ai được cho ra tranh cử nếu không được chế độ này chấp nhận."

Và theo ông Williams, sau cuộc bầu cử, chính phủ sẽ bị hiến pháp ràng buộc phải thực thi những ý muốn của phe quân nhân. Ông nói:

“Theo tôi thì sau bầu cử, chế độ Miến Điện sẽ là một chế độ độc tài hệt như bây giờ. Phe quân nhân sẽ có quyền hành, theo hiến định, để thực thi bất cứ điều gì mà họ muốn, mà không bị chính phủ dân sự can thiệp. Nhưng nếu như họ chán ngay cả việc có một chính phủ dân sự như vậy, họ có thể tuyên bố tình trạng khẩn trương và giải tán chính phủ này."

Không ai tham dự cuộc hội thảo này lại không cho rằng phe quân nhân của Miến Điện sẽ tiếp tục giành trọn quyền tối hậu sau bầu cử.

Nhưng ông David Steinberg thuộc Ðại học Georgetown nói rằng cho phép dân sự và phe đối lập tham gia vào quốc hội, cho dù là ít ỏi hoặc phải chịu lép vế đối với các lực lượng quân đội, cũng là một lối thoát ra khỏi quyền cai trị của phe quân nhân kéo dài từ nhiều thập niên nay. Ông đưa ý kiến:

”Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong 50 năm khi quí vị thấy người của phe đối lập được ngồi trong nghị viện địa phương. Đây là điều thật quan trọng. Họ sẽ là thiểu số, họ sẽ bị o ép đủ mọi đường, dĩ nhiên là như thế."

Ông Steinberg cũng đưa ý kiến về việc cộng đồng quốc tế sẽ phải đối phó như thế nào với Miến Điện và làm sao có thể áp lực có hiệu quả để Miến Điện phải thay đổi.

Ông nói rằng chỉ đả kích thành tích nhân quyền của Miến Điện và lối đối xử của họ với những người bất đồng chính kiến như bà Aung San Suu Kyi không thôi đã cho thấy là không hiệu quả, và rằng một đường hướng có hiệu quả hơn có thể làm là nêu lên cho thấy rằng lề lối xử sự của phe quân nhân Miến phá hoại các mục tiêu đoàn kết quốc gia như thế nào, trong khi phe này vẫn lên tiếng tự nhận là họ dang bảo vệ tính đoàn kết đó.

Kinh tế gia từng đoạt giải Nobel hòa bình Amartya Sen cũng đặt nghi vấn về tính hữu hiệu của hành động các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao của thế giới gửi những danh sách dài về những lời phàn nàn về tình trạng nhân quyền đến cho các giới chức Miến Điện. Ông nói:

”Sự kiện các phái viên của Liên Hiệp Quốc trấn an chúng ta bằng những lời lẽ yếu ớt rằng chính phủ Miến đã hứa sẽ hủy bỏ chính sách cứng rắn của chế độ, và các nhà lãnh đạo ASEAN vui vẻ loan báo rằng họ đã trao cho giới lãnh đạo Miến Điện rất nhiều lời than phiền đều không đủ. Những tay đồ tể quân nhân ở Miến Điện rất vui vẻ nghe mọi lời than phiền, khi mà bàn tay của họ vẫn được tự do kềm kẹp người dân."

Theo kinh tế gia Sen, những biện pháp trừng phạt Miến Điện cần phải nhắm vào quyền lợi của những kẻ cầm quyền, và nên tránh cho người dân khỏi phải chịu nhận hậu quả của hành động trừng phạt của quốc tế.

Có phần chắc tình hình Miến Điện sẽ được đem ra thảo luận trong chuyến đi châu Á của Tổng thống Barack Obama vào tháng tới, đến Ấn Độ, Indonesia, Nhật và Nam Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG