Đường dẫn truy cập

Biden ‘đã thực hiện đúng cam kết về khí hậu’ khi tranh cử


Cháy rừng dữ dội ảnh hưởng đến khu dân cư ở Salem, bang Oregon hồi tháng 9 năm 2020
Cháy rừng dữ dội ảnh hưởng đến khu dân cư ở Salem, bang Oregon hồi tháng 9 năm 2020

Việc Tổng thống Joe Biden có một loạt những hành động cấp tập về khí hậu và môi trường trong những ngày đầu tiên vào Nhà Trắng chứng tỏ ‘ông rất nghiêm túc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu’ và ‘thực hiện đúng lời hứa khi tranh cử’, các nhà quan sát nhận định.

Chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Joe Biden đã thông báo Mỹ sẽ gia nhập trở lại Hiệp định khí hậu Paris vốn được ký kết vào năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Hành động nhanh chóng này cho thấy ông Biden xem giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là vấn đề cấp bách. Ngay sau đó, ông cũng ký sắc lệnh hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL – một dự án mà cựu chính quyền Donald Trump đã cổ vũ và thúc đẩy.

Hôm 27/1, Tổng thống Biden đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp trong đó có tạm ngừng cho cấp phép khai thác dầu và khí trên đất công bất chấp sự phải đối từ ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa. Ông cũng chỉ thị các cơ quan liên bang chấm dứt tài trợ nhiên liệu hóa thạch, kêu gọi lên kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, và lần đầu tiên tuyên bố biến đổi khí hậu là vấn đề an ninh quốc gia mang tính ưu tiên. Ngoài ra, ông còn chỉ đạo chính quyền bảo vệ 30% đất liền và vùng biển ven bờ của nước Mỹ cho đến năm 2030.

‘Phải hành động khẩn cấp’

“Chúng ta đã chờ đợi quá lâu để đối phó với khủng hoảng khí hậu và chúng ta không thể chờ đợi thêm được nữa. Chúng ta tận mắt chứng kiến, cảm nhận được, và biết được khủng hoảng khí hậu từ tận xương tủy,” ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng sau khi ký các sắc lệnh hành pháp này, theo Los Angeles Times.

Tổng thống Biden nói đất nước ‘rất cần’ phản ứng thống nhất trước khủng hoảng khí hậu và nhấn mạnh nước Mỹ phải đi đầu trong nỗ lực toàn cầu.

Một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Biden là cấm hoàn toàn việc khoan tìm mỏ dầu mới. Những sắc lệnh hành pháp này cho thấy chính quyền Biden xem khủng hoảng khí hậu là nguy cơ sống còn đòi hỏi hỏi cách tiếp cận của tất cả cơ quan chính quyền.

Mặc dù bị lên án là việc này sẽ khiến người Mỹ mất việc làm, ông Biden nhấn mạnh rằng nỗ lực toàn diện về khí hậu sẽ tạo ra việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn quốc.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, việc khai thác và tiêu thụ dầu, khí đốt và than đá chiếm gần một phần tư tổng lượng khí thải carbon dioxide của nước Mỹ.

“Đây là nền tảng chính sách khí hậu tham vọng nhất mà một Tổng thống Mỹ đưa ra,” ông Sam Ricketts, người sáng lập Evergreen Action, một tổ chức thúc đẩy hành động vì khí hậu liên bang, được Los Angeles Times dẫn lời nói. “Nó huy động toàn bộ chính phủ liên bang theo cách chưa từng thấy”.

Những người ủng hộ môi trường ca ngợi các hành động này là một biện pháp khắc phục hành động của ông Trump nhằm cho phép khai thác càng nhiều đất công càng tốt, bao gồm cả việc gấp rút cho phép khoan dầu tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực ở Alaska vào phút chót trước khi ông Trump rời nhiệm sở.

Còn Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ lên án rằng việc này sẽ dẫn đến giá xăng dầu cao hơn và sự phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu từ nước ngoài. Ông Ryan Flynn, người đứng đầu Hiệp hội Dầu khí New Mexico đã ra một tuyên bố nói sắclệnh này là ‘phong tỏa nền kinh tế bang New Mexico’.

“Lệnh tạm ngưng này chắc chắn dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, bang sẽ thất thu thuế và nền kinh tế của chúng tôi sẽ dừng lại,” ông nói với Los Angeles Times.

‘Vấn đề an ninh quốc gia’

Các chuyên gia cho rằng việc tái gia nhập hiệp định Paris là một bước đi quan trọng của chính quyền Biden nhằm đảo ngược các chính sách khí hậu của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trong 4 năm qua.

Hành động của Tổng thống Biden cũng được cho là đánh đi thông điệp mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tìm cách giành lại vai trò lãnh đạo Mỹ từng nắm giữ trên mặt trận khí hậu.

Sự thụt lùi về chính sách khí hậu đã làm tổn hại danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế và các nước đang trông chờnhững hành động cụ thể đi đôi với lời nói của Biden.

Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden đặt mục tiêu Mỹ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các chuyên gia khí hậu nói rằng mục tiêu này là quyết liệt nhưng có thể đạt được.

Ngay sau khi đắc cử, ông Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên khí hậu, một vị trí nội các mới tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông Kerry đã nói rằng khủng hoảng khí hậu sẽ được coi là ‘đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp như đúng bản chất của nó’, theo CNN.

Những việc làm ngay tức thời của Tổng thống Joe Biden về khí hậu cho thấy ‘cam kết mạnh mẽ của ông trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu đang tiếp diễn của nước Mỹ cũng như trên thế giới,’ một chuyên gia về chính trị môi trường hiện đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường ở thủ đô Washington D.C., nhận định với VOA Việt ngữ.

Ông Hiếu Lê nói “Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden từ trong cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng Dân chủ cho đến cuộc đấu với ông Donald Trump, ông Biden đã xem biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm then chốt.”

“Ông ấy rất nghiêm túc trong việc đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ được đưa trở lại đúng hướng và sẽ dần dần được cai năng lượng hóa thạch,” ông Hiếu nói VOA bằng tiếng Anh vì ông không nói rành Tiếng Việt.

Với việc đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Paris, ông Biden đã hoàn thành lời hứa của ông khi tranh cử và nước Mỹ ‘sẽ không bị thế giới bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu,’ ông Hiếu dẫn giải.

‘Tạo ra nhiều việc làm mới’

Bác lập luận cho rằng hành động cứng rắn của chính quyền Biden đối với dầu khí sẽ làm mất công ăn việc làm của người dân Mỹ, ông Hiếu dẫn ra một báo cáo về tác động kinh tế-môi trường của dự án Đường ống dẫn dầu Keystone XL do Bộ Ngoại giao thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và nói rằng ‘trong giai đoạn xây dựng đường ống kéo dài hai năm chỉ có khoảng 2.000 việc làm tạm thời được tạo ra’ và khi dự án đi vào vận hành ‘chỉ có vài chục công việc thường trực được ra’.

Chuyên gia này cho rằng việc chuyển đổi nền kinh tế Mỹ ra khỏi sự dựa dẫm vào nhiên liệu hóa thạch sẽ ‘tạo ra hàng triệu việc làm mới trong các ngành năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và điện’ và giúp nước Mỹ ‘khỏi bị lệ thuộc vào nhập khẩu dầu khí’.

Tuy nhiên, ông thừa nhận những thay đổi này ‘không thể xảy ra sau một vài năm’ mà là ‘cam kết lâu dài trong bốn thập niên’. “Chính quyền đang làm việc để đảm bảo rằng chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng để đào tạo công việc mới chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch cho những người bị mất việc làm,” ông Hiếu lý giải.

Nhà hoạt động môi trường này cho rằng ‘cuộc khủng hoảng môi trường đang gây tác hại đến tất cả người dân Mỹ bằng nhiều cách, trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt’.

Ông chỉ ra những vụ cháy rừng dữ dội hồi năm ngoái ở bang Califorinia khiến nhiều người gốc Việt bị mất hết nhà cửa và tài sản là do ‘nhiệt độ Trái đất tăng do sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính quá mức vào môi trường’. “Cháy rừng đã gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đô la cho nước Mỹ và nhiều khả năng sẽ tái diễn trong nhiều năm nữa,” ông nói.

Còn những nơi khác như Vịnh Mexico và vùng Trung Tây, bão lũ lớn chưa từng thấy trong hàng trăm năm đã nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu, ông nói thêm và dẫn ra kết qua một cuộc thăm dò dư luận của Viện Pew cho thấy ‘gần hai phần ba người dân Mỹ nói rằng khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và chính phủ Mỹ đã không hành động đủ’.

“Các nghiên cứu khoa học cho rằng các sắc dân thiểu số như người da đen, người gốc châu Á và gốc Latin bị thiệt hại nhiều hơn bởi biến đổi khí hậu so với người da trắng,” ông nói. “Do đó Tổng thống Biden cũng đã cam kết thực hiện công bằng môi trường để giúp đỡ những cộng đồng thiểu số và cộng đồng thu nhập thấp.”

“Những gì mà ông Biden đề xuất là để đáp ứng trước quy mô vấn đề – kế hoạch môi trường 2.000 tỷ đô la lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ - chúng ta cần kế hoạch ở quy mô như thế để quay trở lại quỹ đạo,” ông Hiếu nhận xét.

Việc chính phủ Biden lên nắm quyền ‘sẽ giúp nước Mỹ giành lại sự tôn trọng và vai trò lãnh đạo thế giới’ trên mặt trận khí hậu, ông nhận định. “Cả ông Biden và cựu Ngoại trưởng John Kerry (người hiện nay là đặc phái viên của Biden về biến đổi khí hậu) đều có vai trò quan trọng trong việc soạn thảo và thông qua Hiệp định Paris,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG