Đường dẫn truy cập

Biến thể COVID-19 Ấn Độ có mặt tại Việt Nam, dân vẫn vô tư chen chúc nhau đi chơi


Bãi biển Vũng Tàu đông nghẹt người vào ngày 30/4/2021 giữa lúc Việt Nam cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4.
Bãi biển Vũng Tàu đông nghẹt người vào ngày 30/4/2021 giữa lúc Việt Nam cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4.

Việt Nam chiều 30/4 xác nhận chủng virus biến thể COVID-19 ở Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam sau khi có kết quả giải trình tự gen virus của nhóm bệnh nhân chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh hai tuần trước đó.

Xác nhận của Bộ Y tế về loại virus biến thể đang giết chết hàng ngàn người và làm lây nhiễm hàng trăm ngàn người mỗi ngày ở Ấn Độ đang làm dấy lên lo lắng về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ 4 tại Việt Nam, nhất là khi người dân trên cả nước vẫn đang vô tư tụ tập vui chơi trong dịp nghỉ lễ kéo dài đến 4 ngày.

“Nhiều người vẫn đổ đi Phan Thiết, Đà Lạt, Sầm Sơn… Tôi thấy những tấm hình, tin tức cho thấy đường đi lên Đà Lạt kẹt cứng. Bạn tôi đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết chỉ 300 cây số mà mất 10 tiếng đồng hồ, xếp hàng nối đuôi nhau đi”, bà Lê Hoài Anh – Chủ tịch HAL Group chuyên phân phối các mỹ phẩm nổi tiếng thế giới – nói với VOA vào tối 30/4.

Nữ doanh nhân hiện đang sinh sống tại Sài Gòn tỏ ra lo lắng về nguy cơ Việt Nam sẽ “vỡ trận” nếu người dân tiếp tục “thiếu ý thức” trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch, đặc biệt khi các nước láng giềng xung quanh như Campuchia, Lào hay Philippines, Ấn Độ đang bùng phát dịch nghiêm trọng.

Ngay sau khi hàng loạt các ca bệnh COVID-19 được phát hiện tại nhiều nơi ở Việt Nam liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật Bản về Hà Nam (bệnh nhân 2899), Thủ tướng Phạm Minh Chính lập tức triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong ngày nghỉ lễ 30/4 để thảo luận các biện pháp ngăn chặn dịch bùng phát.

Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu các tỉnh thành như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hà Nam truy vết, điều tra, cách ly và xử lý các trường hợp nhiễm COVID-19.

Đặc biệt, tỉnh Hà Nam đã tổ chức lấy mẫu khẩn toàn bộ 1.068 nhân khẩu của 322 hộ gia đình ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, nơi bệnh nhân 2899 cư trú sau khi về Việt Nam.

Điểm nóng này cũng vừa được chính phủ Việt Nam giao cho quân đội bố trí và quản lý khu cách ly tập trung, sẵn sàng sử dụng khi cần.

“Thật sự là rất lo ngại”, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói. “Ý thức của dân mình cũng hơi kém, lại vướng vào ngày nghỉ 30/4, 1/5, một kỳ nghỉ quá dài như thế này, mọi người đã book lịch đi chơi từ trước và vẫn đi chơi, vẫn đi ăn đi uống. Cũng phải nói thật là hai lần (bùng phát dịch) trước, thành tích chống dịch của Việt Nam tốt nên tôi rất sợ tâm lý ỷ y của người dân”.

Kể từ ngày 30/4, hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã ra lệnh dừng hoạt động của các quán bar, vũ trường, karaoke. Động thái nhanh tay chống dịch của các chính quyền địa phương nhận được khá nhiều ủng hộ của cộng đồng mạng, bên cạnh một vài ý kiến bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của các biện pháp kiềm toả lên nền kinh tế.

Theo nhận định của bà Hoài Anh, “Những người có nhận thức tốt đều rất ủng hộ bởi vì thực ra cũng là kịp thời khi đóng cửa các đường đi bộ, không tổ chức bắn pháo hoa, đóng cửa các quán bar, vũ trường là kịp. Nhưng tôi vẫn thấy những nơi như rạp chiếu phim, các khu du lịch là nên đóng. Như tôi thấy những tấm hình chiều nay ở Vũng Tàu thật kinh khủng, bãi biển nghẹt người. Sầm Sơn cũng đông nghẹt người, trong khi hình như Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có 1, 2 người (nhiễm COVID-19) rồi”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 29/4 cảnh báo rằng tình trạng khủng hoảng dịch bệnh như ở Ấn Độ có thể diễn ra ở bất cứ quốc gia nào. Chuyên gia Hans Kluge của tổ chức này nói việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch có thể tạo ra một “cơn bão lớn” khiến số ca nhiễm ở các nước tăng đột biến như tại Ấn Độ.

Trong khi đó, chủng virus biến thể tại Ấn Độ (B.1.167.2) được cho biết có khả năng làm lây lan nhanh hơn (giống như chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc-xin (giống chủng virus Nam Phi), nên được gọi là chủng virus biến thể kép.

Theo thống kê của WHO, Ấn Độ chiếm tới 38% tổng số ca mắc mới, tương đương 2.172.063 ca, được ghi nhận trong chỉ 7 ngày (tính đến 25/4).

Số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 tăng vọt tại Ấn Độ còn được cho là một phần do các hoạt động tập trung đông người tại đất nước 1,3 tỉ dân.

Tại cuộc họp khẩn ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn dân chung tay với chính phủ, “gác lại những thói quen xưa cũ, những việc chưa cần thiết” để thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tân thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 30/4 cho biết vừa ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID-19 mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.928 ca tính từ đầu đại dịch, trong đó có 10 ca nhập cảnh và 4 ca trong nước, với 2 ca tại Hà Nam và 2 ca ở Hà Nội.

VOA Express

XS
SM
MD
LG