Đường dẫn truy cập

Bệnh viện quá tải vì COVID-19: Ai được ưu tiên điều trị trước?


Xác người được đưa ra xe đông lạnh bên ngoài Bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, hôm 6/4 giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành ở tâm chấn của nước Mỹ.
Xác người được đưa ra xe đông lạnh bên ngoài Bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, hôm 6/4 giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành ở tâm chấn của nước Mỹ.

Một y tá mắc bệnh hen suyễn, một cụ ông bị ung thư và một người vô gia cư không có gia đình, tất cả đều đang lên cơn sốt do nhiễm virus corona. Họ đang cố gắng để thở, và một máy trợ thở có thể cứu sống họ. Nhưng ai được ưu tiên dùng khi không có đủ máy cho tất cả mọi người?

Các nhân viên y tế đang lo sợ về viễn cảnh tồi tệ này trong lúc các bệnh viện ở Mỹ chuẩn bị cho một sự gia tăng được dự đoán về số lượng bệnh nhân cần máy thở và các nguồn lực khác, mà có thể sắp bị thiếu hụt trầm trọng.

Điều đó có nghĩa là phải lục lại các sách vở trước đây mà họ chưa bao giờ phải viện tới về cách phân bổ nguồn lực hạn chế một cách công bằng trong trường hợp khẩn cấp.

“Tôi cầu nguyện một sự đánh giá công bằng và khả năng tốt của họ khi phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn,” Erik Curren, người có người cha 77 tuổi thiệt mạng trong tháng này vì các biến chứng hô hấp liên quan đến virus sau khi bị nhiễm COVID-19 tại một nhà dưỡng lão ở Florida, nói.

Các kịch bản đau lòng thực sự đang xảy ra ở những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, bao gồm cả Tây Ban Nha, nơi một giới chức viện dưỡng lão cho biết rằng người dân bị bệnh đang chết vì không được nhập viện do bệnh viện có quá nhiều bệnh nhân.

Giống như hầu hết các nơi khác trên thế giới, máy trợ thở cho bệnh nhân đang là nhu cầu cấp bách trên khắp nước Mỹ, do các vấn đề về hô hấp thường gặp ở những người bị bệnh nặng với COVID-19.

Theo Hiệp hội Y học Hồi sức Hoa Kỳ, có khoảng 900.000 bệnh nhân nhiễm virus corona ở Mỹ có thể cần tới các máy trợ thở trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên theo ước tính của hiệp hội, chỉ có 200.000 máy trợ thở trên cả nước, mà phần nhiều trong số đó đã được sử dụng cho các bệnh nhân khác.

Tại New York, tâm chấn của dịch COVID-19 của nước Mỹ, một bệnh viện ở thành phố đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong do virus corona gây ra chỉ trong một ngày và các quan chức đang thiết lập hàng trăm giường bệnh tại một trung tâm hội nghị trong lúc con số người nhiễm bệnh đã vượt qua mức 30.000 ở thành phố này.

Để chuẩn bị, các quan chức y tế trên cả nước đang xem xét lại các hướng dẫn từ của chính phủ tiểu bang và các nhóm y tế về cách phân bổ nguồn lực hạn chế trong các trường hợp khẩn cấp.

Nguyên tắc chung bao trùm các kế hoạch đó là: Mang lại lợi ích cao nhất cho số lượng người lớn nhất và ưu tiên những người có cơ hội phục hồi tốt nhất. Nhưng chính xác là quyết định thế nào thì còn đầy lo ngại.

Tiến sĩ Douglas White của Đại học Pittsburgh ở Mỹ cho rằng việc tự động loại trừ một số nhóm nhất định khỏi việc tiếp cận máy trợ thở, chẳng hạn như những người mắc bệnh phổi nặng, làm dấy lên các vấn đề về đạo đức. Ông cho biết, nhiều bệnh viện tìm kiếm hướng dẫn về COVID-19 trong những tuần gần đây đã áp dụng chính sách mà ông thay đổi để không có những sự loại trừ như vậy.

Các hướng dẫn được Sở Y tế của tiểu bang New York đưa ra trước đây đã loại trừ một số người bị bệnh nặng không được dùng máy trợ thở khi máy bị hạn chế về số lượng trong các trường hợp khẩn cấp lớn, nhưng lại lưu ý rằng tự động xếp những người cao tuổi vào loại không đủ tiêu chuẩn sẽ là phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các hướng dẫn này lại bổ sung rằng, do “ưu tiên xã hội mạnh mẽ trong việc cứu trẻ em,” thì độ tuổi có thể được xem xét trong việc đưa ra quyết định khi cuộc sống của một đứa trẻ bị đe dọa.

Các khuyến nghị được công bố trong tuần này bởi các hiệp hội y tế của Đức trong việc đối phó với dịch COVID-19 cũng nói rằng tuổi tác không nên là một yếu tố quyết định. Trong số các tình huống mà họ nói rằng không nên cung cấp dịch vụ chăm sóc đặc biệt trong tình trạng thiếu hụt có việc: nếu bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt lâu dài để sống sót.

Một tính toán nghiệt ngã khác mà các chuyên gia cho rằng các bệnh viện có thể đưa ra là quyết định xem bệnh nhân có thể cần giường bệnh hay máy trợ thở trong bao lâu trong lúc máy có thể cứu được bao nhiêu người khác. Điều đó sẽ giúp ngăn chặn trước việc đưa ra một quyết định thậm chí còn tồi tệ hơn, mà nhiều bác sĩ ở Mỹ có thể chưa bao giờ phải đối mặt – là liệu có nên rút máy khỏi bệnh nhân này để cho bệnh nhân khác hay không.

Chưa thể biết cuộc khủng hoảng ở Mỹ sẽ khủng khiếp đến mức nào. Tuần trước, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của Nhà Trắng về đối phó với virus corona, đã tìm cách làm dịu đi những nỗi sợ hãi, khi lưu ý rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy người dân Mỹ sẽ không có giường bệnh hoặc máy trợ thở khi họ cần. Bà cho biết ngay cả ở New York, vẫn có sẵn giường tại các khu chăm sóc đặc biệt và một số lượng đáng kể máy trợ thở chưa được sử dụng.

Nhưng những gì đang xảy ra ở bên ngoài nước Mỹ lại đang làm các nhân viên y tế trên khắp thế giới phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Tại Pháp và Tây Ban Nha, các quan chức bệnh viện và điều dưỡng cho biết những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona tại các khu dưỡng lão không nhất thiết phải được chăm sóc đặc biệt.

Ở miền bắc nước Ý, bác sĩ Luca Lorini của bệnh viện Giáo hoàng John XXIII ở Bergamo – thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đã so sánh các các bệnh nhân đang được phân loại với những người đang chờ ghép tạng.

Ở Mỹ, số lượng các ca nhiễm tăng nhanh chóng theo cấp số nhân đang tạo ra nỗi lo sợ rằng các bệnh viện có thể sớm bị quá tải.

VOA Express

XS
SM
MD
LG