Đường dẫn truy cập

Người Mỹ quen dần với sinh hoạt bị hạn chế giữa mùa dịch


Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn đã khiến nhiều người Mỹ dè dặt hơn trong những sinh hoạt hàng ngày. Tại những nơi công cộng, ngày càng nhiều người đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn đã khiến nhiều người Mỹ dè dặt hơn trong những sinh hoạt hàng ngày. Tại những nơi công cộng, ngày càng nhiều người đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Trong khi dịch virus corona tiếp tục hoành hành ở Mỹ, hàng trăm triệu người trên khắp cả nước đang dần thích nghi với cuộc sống mới, với phần lớn thời gian ở nhà, hạn chế tối đa việc tụ tập và đi lại.

Chính phủ liên bang tuần trước đã kéo dài khoảng thời gian áp dụng các chỉ dẫn về giãn cách xã hội đến ngày 30 tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trong khi các chính quyền cấp bang và cấp địa phương cũng ban bố các sắc lệnh để thi hành những chỉ dẫn này.

Người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà trừ những lúc đi mua thức ăn, thuốc men và những tình huống khẩn cấp khác. Các trường học, công sở, nhà hàng các cơ sở kinh doanh cũng buộc phải đóng cửa để tránh tụ tập đông người.

Hơn ba tuần sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, số người nhiễm và tử vong vì virus corona vẫn tiếp tục gia tăng với những ổ dịch tập trung tại các đô thị đông dân của Mỹ như New York.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ngày 7/4 báo cáo 374.329 ca nhiễm, tăng 43.438 ca so với lần đếm trước đó, và cho biết số người chết vì virus corona tại Mỹ hiện là 12.064 ca.

Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn đã khiến nhiều người Mỹ dè dặt hơn trong những sinh hoạt hàng ngày. Tại những nơi công cộng, ngày càng nhiều người đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình, đặc biệt là sau khi CDC vào tuần trước khuyến nghị người dân che mặt để hạn chế sự lây lan của virus.

“Sáng nay tôi đi tới [siêu thị bán sỉ] Costco, ngay ngoài bãi đậu xe người ta đã đeo khẩu trang, tôi nghĩ khoảng 80-90 phần trăm,” bác sĩ Đỗ Văn Hội, một cư dân thành phố Tampa ở bang Florida, nói với VOA Việt ngữ. “Ở Florida chưa bắt buộc phải đeo, mọi người tự nguyện thôi, ai muốn đeo thì đeo. Nhưng đa số thì họ đeo cả.”

Bác sĩ Hội nói thêm người dân và các cơ sở kinh doanh nơi ông sống đều chấp hành các quy định của nhà chức trách địa phương nên tình hình “không có gì lo lắng.”

Bà Mã Tiểu Linh ở thành phố Virginia Beach của bang Virginia cho biết bà cũng không lo lắng vì bà và gia đình đã bắt đầu quen dần với cuộc sống trong điều kiện cách ly xã hội. Bà nói các con của bà thậm chí cũng tìm được niềm vui bằng những khám phá khoa học tại nhà.

“Mỗi em tự làm một cái thí nghiệm để chơi và coi thử thí nghiệm của người nào sẽ có kết quả tốt nhất,” bà chia sẻ. “Các em dùng nước, dùng xà phòng, dùng nước rửa tay sát trùng để làm những thì nghiệm đó thì thấy rất là dễ thương.”

Bà Linh, người sở hữu một cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ điền hồ sơ khai thuế, nói nguồn thu nhập của bà bị ảnh hưởng vì sự cách ly xã hội, nhưng bà ủng hộ tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn dịch bệnh lây lan thêm nữa.

“Đối với mình cái quan trọng vẫn là sức khỏe,” bà nói. “Thành ra có phải ở nhà thêm một tháng, hai tháng nữa để chính phủ có cơ hội tập trung hơn vào các thành phố lớn thì cũng là một cách chống lại dịch bệnh.”

“Dĩ nhiên ở nhà một tháng thì sẽ có những trở ngại như là không có thu nhập hoặc là con cái cảm thấy tù túng trong gia đình. Nhưng đối với mình, những cái đó nhỏ và mình có thể giải quyết trong nội bộ với nhau, không phải là là vấn đề lớn đáng để nêu lo ngại. Cái lo ngại là sức khỏe của cộng đồng chung, chứ không phải là sự phiền toái của cá nhân riêng.”

Số người chết vì virus corona ở Thành phố New York ngày 7/4 vọt lên mức cao kỉ lục từ đầu dịch đến nay, với ít nhất 3.202 người, vượt qua con số người chết trong Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ khủng bố 11 tháng 9.

Khoảng 94 phần trăm người dân Mỹ hiện đang chấp hành lệnh ở nhà của thống đốc các bang. Có tám trong số 50 bang - Arkansas, Iowa, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Dakota, Utah and Wyoming - vẫn chưa ban hành lệnh này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG