Đường dẫn truy cập

Bầu cử quốc hội Myanmar có thể bị hoãn


Người ủng hộ cầm cờ của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong một chiến dịch vận động bầu cử ở Yangon, ngày 7/10/2015.
Người ủng hộ cầm cờ của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong một chiến dịch vận động bầu cử ở Yangon, ngày 7/10/2015.

Cơ quan bầu cử Myanmar hôm nay đã gây áp lực với các đảng phái chính để đòi họ tán đồng việc hoãn lại cuộc bầu cử quốc hội vì những vụ thiên tai mới đây. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok

Các viên chức của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi cho đài VOA biết rằng đảng của họ là đảng duy nhất bày tỏ sự phản đối tại cuộc họp khẩn do Uỷ ban Bầu cử Liên bang (UEC) tổ chức tại thủ đô Naypyidaw.

Ông Win Htein, uỷ viên ban chấp hành trung ương của Đảng NLD, phát biểu như sau.

"Tôi trả lời cho UEC rằng cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp năm 2008 đã được tổ chức vài ngày sau bão Nargis, là cơn bão giết chết hơn 100.000 người. Những thiên tai hiện nay không nghiêm trọng bằng Nargis. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi tuyệt đối chống lại việc hoãn ngày bầu cử.
Uỷ ban bầu cử đã viện những vụ lụt lội mới đây gây tử vong cho hơn 100 người ở Hakar thuộc tiểu bang Chin và ở Kawlin thuộc Vùng Sagaing làm lý do để hoãn ngày bầu cử."

Các cơ quan chính phủ Myanmar và Văn phòng Cứu trợ Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1 triệu 600 ngàn người “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi lụt lội ở Myanmar trong vài tháng qua.

Đảng Đoàn kết Liên bang (USP), Đảng Phát triển Nông dân (FDP) và Đảng Phát triển Quốc gia (NDP) tán thành đề nghị hoãn ngày bầu cử. Các nhà quan sát cho biết 3 đảng khác tuyên bố họ để cho uỷ ban bầu cử toàn quyền quyết định về vấn đề này. Một số đảng khác thuộc các sắc tộc thiểu số đã không đến dự cuộc họp khẩn này, mặc dù họ được mời.

Trước đó, uỷ ban bầu cử loan báo cuộc đầu phiếu ngày 8 tháng 11 sẽ không được tổ chức tại hàng trăm ngôi làng – chủ yếu là ở các khu vực của người sắc tộc thiểu số ở tiểu bang Kachin và tiểu bang Shan, nơi các nhóm vũ trang tiếp tục chống lại sự kiểm soát của chính phủ trung ương.
Một số người suy đoán yếu tố chính trị là nguyên do chính của việc hoãn ngày bầu cử.

Nhiều nhà phân tích dự báo đảng NLD của phe dân chủ đối lập, đối thủ chính của phe quân đội, sẽ giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử sắp tới.

Uỷ ban bầu cử dự kiến sẽ đưa ra loan báo trong vài ngày tới đây, và một số chính khách dự kiến uỷ ban này sẽ quyết định hoãn ngày bầu cử bất chấp sự chống đối của đảng NLD.

Bà Aung San Suu Kyi, nữ chính khách đoạt giải Nobel Hoà bình, hôm thứ bảy vừa qua đã phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Yangon. Bà kêu gọi những người ủng hộ đề cao cảnh giác trong ngày bầu cử vì “có thể có những người cố tình dàn dựng những vụ rối loạn.”

Đảng NLD đã chiếm được 80% ghế ở quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng kết quả đó đã bị quân đội tuyên bố vô hiệu hoá. Họ đã không chịu chuyển giao quyền hành và giam lỏng bà Suu Kyi trong nhiều năm.

Cuộc đầu phiếu sắp tới là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền vào năm 2011. Tuy nhiên, vì quân đội vẫn nắm chặt tiến trình bầu cử, nhiều người e rằng cuộc bầu cử có thể không được công bằng và tự do.

Theo luật lệ của Myanmar, cuộc bầu cử sắp tới phải được tổ chức trong vòng từ 30 đến 60 ngày trước khi quốc hội khoá sau khai mạc phiên họp đầu tiên của họ vào ngày 30 tháng giêng.

Hơn 6.000 người ghi danh để tranh các ghế đại biểu tại quốc hội và nghị viện tiểu bang. Tuy nhiên, ít nhất 75 ứng viên thuộc phe độc lập hoặc thuộc các đảng đối lập đã bị bác đơn ứng cử, nhiều người vì qui chế quốc tịch của cha mẹ họ.

Trong số đó có khoảng 15 hoặc 18 ứng viên thuộc Đảng Dân chủ Nhân quyền, là đảng mà đa số đảng viên là người theo Hồi giáo và các ứng viên của họ đang tìm cách ra tranh cử tại các đơn vị bầu cử ở tiểu bang Rakhine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG