Đường dẫn truy cập

3 nhà hoạt động TQ bị kết các án tù tới 5 năm vì đòi dân chủ


Người biểu tình mang ảnh của các luật sư Đường Kinh Lăng, Viên Tân Đình, Vương Thanh Doanh Hong Kong, biểu tình ở Hồng Kông ngày 29/1/2016.
Người biểu tình mang ảnh của các luật sư Đường Kinh Lăng, Viên Tân Đình, Vương Thanh Doanh Hong Kong, biểu tình ở Hồng Kông ngày 29/1/2016.

Một tòa án ở Quảng Châu, Trung Quốc, hôm 29/1 đã tuyên các án tù cho 3 nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc – đó là các luật sư Đường Kinh Lăng, Viên Tân Đình, Vương Thanh Doanh – nay phải đối mặt với các án tù tới 5 năm về tội “kích động lật đổ chính quyền”.

Các tổ chức nhân quyền gọi quyết định của tòa án là “bất công” và lập luận rằng vụ này đã đầy rẫy những vi phạm thủ tục và phản ánh sự thù nghịch ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc đối với giới bất đồng ôn hòa.

Họ cũng bày tỏ quan ngại rằng các án tù tuyên ra trong vụ xử được theo dõi sát là điềm không hay cho nhiều luật sư nhân quyền đang bị giam giữ, một số có thể sắp bị đưa ra xét xử về các cáo trạng “phản loạn” tương tự.

Các giới chức Trung Quốc chưa đưa ra lời bình về các phán quyết.

Các phán quyết phi pháp

Sau 20 tháng bị giam giữ, 3 bị can, được gọi là “3 sĩ phu Quảng Châu” đã bị kết tội quảng bá “bất tuân dân sự bất bạo động” và chuyển biến hòa bình qua thể chế dân chủ ở Trung Quốc.

Tòa án Nhân dân Trung cấp Quảng Châu đã kết án các luật sư Đường Kinh Lăng, Viên Tân Đình và Vương Thanh Doanh các án tù 5 năm, 3 năm rưỡi và 2 năm rưỡi.

Khi nghe các bản án sáng nay, luật sư của ông Đường nói:

“Nói chung cả ba người rất bình tĩnh. Sự bình tĩnh xuất phát tù việc họ bất chấp và chế giễu các bản án phi pháp”.

Luật sư Cát Vĩnh Hi nói thêm rằng 3 người từ lâu đã nhận ra rằng các bản án sẽ được chung quyết bởi các cấp cao hơn trong đảng Cộng sản, không dành mấy quyền tự trị cho các tòa án ở Trung Quốc.

Nhưng luật sư Hi lập luận rằng vụ án đã đưa ra gương xấu nhất vì nhiều thủ tục pháp lý, kể cả việc bắt giữ, thu thập bằng chứng và xét xử đều có những khuyết điểm trầm trọng.

Luật sư Hi nói, điều quan trọng hơn cả, là không nên bỏ tù bất cứ nhà hoạt động mang đầu óc cải cách nào trong cộng đồng dân quyền trong nước.

Ông nêu câu hỏi:

"Ông Đường Kinh Lăng ủng hộ ý kiến bất tuân phi bạo động, nhắm xây dựng Trung Quốc như một nền dân chủ tự do. Nó không đề ra mối đe dọa nào cho đất nước nếu trở thành một quốc gia dân chủ. Trong các tình huống như thế, làm thế nào mà chính phủ lại bắt giữ ông?”

Ngoài phong trào bất tuân dân sự năm 2006, 3 người cũng tham gia vào những cuộc biểu tình đòi tự do báo chí ở Quảng Châu vào năm 2013 và những hoạt động kỷ niệm vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn.

Không có kháng cáo

Ông Đường đã quyết định không kháng án.

Vợ ông Đường Kinh Lăng, bà Uông Diễm Phương, nói:

“Nếu công lý không thắng thế trong các tòa án Trung Quốc, thì kháng cáo cũng vô ích. Vì thế, ông Đường Kinh Lăng nói ông sẽ chỉ kháng cáo trường hợp của ông với nhân dân và thượng đế”.

Đau buồn trước bản án tuyên cho chồng, bà Uông nói bà vẫn lấy làm kiêu hãnh về lòng can đảm của ông, mà bà nhấn mạnh là một người trung thực.

Bà cũng than phiền về điều ba nói là sự đối xử vô nhân đạo đối với 3 người trong thời gian bị giam giữ.

Một tổ chức nhân quyền viện dẫn lời luật sự của ông Vương Thanh Doanh cho biết đặc biệt, ông Vương Thanh Doanh đã bị đánh đập nhiều lần bởi những bạn tù và nhân viên canh tù, bị buộc bị cùm tay chân trong 15 ngày và bị cưỡng bức lao động mỗi ngày.

Ngày càng mượn cớ phản loạn

Điều khiến các tổ chức nhân quyền lo ngại hơn là nhà cầm quyền Trung Quốc dường như ngày càng tăng cường viện các cáo trạng “phản loạn” như một công cụ chính trị để đàn áp những người chỉ trích chính phủ, nhất là trong vòng 1 năm rưỡi vừa qua.

Giữa cuộc trấn át các luật sư nhân quyền từ hồi tháng 7 năm ngoái, thêm 11 luật sư nhân quyền và các phụ tá đã bị bắt giữ riêng trong tháng vừa qua và bị cáo buội tội nghiêm trọng hơn là lật đổ chính quyền, có thể phải chịu án tù chung thân, theo bà Frances Eve, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Bênh vực Nhân quyền Trung Quốc.

“Luật lệ của Trung Quốc dành nhiều kẽ hở dưới ô dù an ninh quốc gia. Điều rất nghiêm trọng là chúng ta thấy thêm nhiều trường hợp các cá nhân bị kết tội này”.

Tính đến hôm nay, có ít nhất 317 luật sư nhân quyền, các phụ tá và thân nhân của họ đã bị bắt bớ, giam giữ hay bị quản thúc tại gia, theo một tổ chức nhân quyền khác có trụ sở ở Hồng Kông.

Các tổ chức nhân quyền bày tỏ quan ngại rằng, trong khi một số luật sư nhân quyền đang bị giam giữ có thể sắp bị đưa ra xét xử, các bản án tuyên cho ba vị luật sư hôm nay có thể là điềm sẽ có những tin xấu khác.

Bà Eve nói thêm:

“Rõ ràng là chính phủ không thoái lui. Họ kiên quyết trừng trị những người bênh vực nhân quyền. Và đó là một điềm gở và một dấu hiệu xấu”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG