Đường dẫn truy cập

Đụng độ bùng ra tại phiên xử luật sư nhân quyền Phố Chí Cương


Cảnh sát đẩy một người biểu tình ủng hộ luật sư Phố Chí Cường ra khỏi khu vực tòa án ở Bắc Kinh.
Cảnh sát đẩy một người biểu tình ủng hộ luật sư Phố Chí Cường ra khỏi khu vực tòa án ở Bắc Kinh.

Một nhóm nhỏ những người ủng hộ luật sư nhân quyền Phố Chí Cường hôm nay tụ tập bên ngoài một toà án ở Bắc Kinh, bất chấp những sự hăm doạ của nhân viên công lực – những người đã sách nhiễu các nhà báo và xô đẩy những người biểu tình cùng với các nhà ngoại giao nước ngoài bên ngoài địa điểm diễn ra vụ xét xử. Thông tín viên Bill Ide gởi về bài tường trình từ Bắc Kinh.

Nếu bị kết án trong vụ xét xử bị nhiều tổ chức nhân quyền và các nước Tây phương chỉ trích này, ông Phố Chí Cường có thể bị tuyên án 8 năm tù. Tội của ông là phổ biến trên các trang mạng truyền thông xã hội những bài viết phê phán chính phủ và các giới chức Trung Quốc.

Phiên toà hôm nay diễn ra khoảng 3 giờ đồng hồ. Theo ông Mậu Thiếu Bình, luật sư của ông Phố Chí Cường, tại phiên toà ông Phố tiếp tục khẳng định ông không có tội và ông nói rằng những bài viết của ông được bảo vệ dựa trên sự bảo đảm về quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp của Trung Quốc.

Ông Phố cũng nói rằng nếu có người nào cảm thấy bị xúc phạm bởi những gì ông viết, thì ông sẵn sàng xin lỗi. Ông cũng yêu cầu toà án đưa ra một phán quyết mà ông gọi là “đứng vững trước phán xét của lịch sử.”

Hiện chưa rõ khi nào phán quyết được loan báo, nhưng ông Mậu Thiếu Bình nói rằng việc này có thể diễn ra trong nay mai.

Giới hữu trách từng cho biết phiên xử sẽ được công khai, nhưng những gì xảy ra tại toà án cho thấy sự việc không phải như vậy.

Các nhà ngoại giao của Mỹ, Liên hiệp Âu châu, Đức, New Zealand, Australia và Anh nằm trong số những người muốn dự khán phiên toà. Họ được thông báo là “pháp đình có quá đông người.” Cảnh sát đã bắt đầu dùng sức mạnh xua đuổi những người đứng ở cửa pháp đình ngay trước khi phiên toà khởi sự.

"Một người ủng hộ tiếp tục lên tiếng sau khi bị xô ngã bên ngoài toà án: “Chúng tôi muốn có tự do ngôn luận, dân chủ và hoà bình.”

Cảnh sát Trung Quốc ẩu đả với các phóng viên tại phiên xử luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh, ngày 14/12/2015 (Ảnh do phóng viên VOA Bill Ide chụp)
Cảnh sát Trung Quốc ẩu đả với các phóng viên tại phiên xử luật sư nhân quyền tại Bắc Kinh, ngày 14/12/2015 (Ảnh do phóng viên VOA Bill Ide chụp)

Ông Philip Wen, thông tín viên tại Trung Quốc của tờ Sydney Morning Herald, đã bị một nhân viên an ninh thường phục đeo khẩu trang xô té xuống đất.

Khi các nhà báo định phỏng vấn một nhà ngoại giao Mỹ bên ngoài toà án, chính nhà ngoại giao này cũng bị xô đẩy.

Cũng giống như nhiều người khác, phóng viên của VOA đã bị xô đẩy, la hét rất nhiều lần. Một cảnh sát viên thường phục đã nắm cổ phóng viên này rồi xô về phía trước.

Các toán cảnh sát cũng nhiều lần xông vào đám đông làm cho các nhà báo và những người khác bị té ngã và dẫm đạp nhau.

Không lâu sau khi xảy ra những vụ việc bên ngoài toà án, Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài ở Trung Quốc đưa ra một thông cáo để lên án điều họ gọi là “những sự sách nhiễu và bạo động nhắm vào truyền thông nước ngoài và nhân viên địa phương của họ.”

Nhiều thành viên của câu lạc bộ cũng cho biết cảnh sát đã đòi họ tham dự những cuộc họp cấp thời trong lúc phiên toà diễn ra để làm cho họ không thể tường thuật những diễn tiến của phiên xử.

Thông cáo của câu lạc bộ này có đoạn nói rằng “Mưu toan ngăn chận việc tường thuật tin tức này là một sự vi phạm trắng trợn các qui định của chính phủ Trung Quốc về hoạt động của phóng viên nước ngoài, trong đó có qui định rõ ràng là họ được phép phỏng vấn bất cứ người nào đồng ý cho họ phỏng vấn.” Thông cáo nói thêm rằng “Tường thuật về vấn đề pháp luật là một phần của công việc báo chí binth và dự kiến sẽ gia tăng trong lúc Trung Quốc thúc đẩy cho sự phát triển của chê độ pháp trị.”

Giới hữu trách Trung Quốc lập luận rằng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt là cần thiết để làm cho những tình huống như vậy không vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc để ngăn chận sự tụ tập của quá nhiều người. Tuy nhiên, những hành động của họ chỉ làm gia tăng những sự bất mãn của các nhà báo chỉ muốn thi hành phận sự của mình và gây phẫn nộ cho những người đến toà án để bày tỏ sự ủng hộ đối với luật sư Phố Chí Cường.

Xế ngày hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nhân viên cảnh sát bên ngoài toà án đã hành động trong khuôn khổ của luật pháp.

Phóng viên nước ngoài bị cảnh sát Trung Quốc xô đẩy trước tòa án ở Bắc Kinh, ngày 14/12/2015 (Ảnh do phóng viên VOA Bill Ide chụp)..
Phóng viên nước ngoài bị cảnh sát Trung Quốc xô đẩy trước tòa án ở Bắc Kinh, ngày 14/12/2015 (Ảnh do phóng viên VOA Bill Ide chụp)..

Những hành động của cảnh sát cũng thu hút sự chú ý của những người qua lại, làm cho lưu thông trước toà án bị tắc nghẽn. Một lề đường dẫn tới toà án đã bị ngăn chận bởi một hàng rào sắt mới được dựng lên với hàng chữ “Chúng tôi xin tạ lỗi vì những sự bất tiện mà công trình xây dựng này mang lại cho quí vị.” Đàng sau hàng rào, những thanh gỗ được mang để trên lề đường để làm cho có vẻ là đang diễn ra những hoạt động xây cất.

Sau khi bị đẩy lùi hơn một khu phố, những người ủng hộ ông Phố Chí Cường đã tụ họp lại và hô to những khẩu hiệu như “Phố Chí Cường vô tội” và “Tự do Ngôn luận.”

Một số người giơ cao những tấm giấy với những thông điệp tương tự trước khi cảnh sát thường phục xông tới và giật đi những tấm giấy này.

Những người thường được gọi là công an mạng cũng đang bận rộn với việc kiểm duyệt những bài viết liên quan tới vụ xét xử. Một bài viết trên mạng xã hội đang một bức hình của ông Phố Chí Cường với miệng bị khoá chặt.

Đối với nhiều người, vụ án này là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn còn phải đi một quảng đường khá xa để tới mục tiêu thiết lập chế độ pháp trị. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố pháp trị là một mục tiêu chính, nhưng thông điệp đó mâu thuẫn với sự khẳng định của Đảng Cộng Sản là họ đứng trên pháp luật.

Nhiều người đến toà án hôm nay nói họ không quen biết ông Phố Chí Cường và một số người thậm chí còn nói họ không biết chi tiết cụ thể của vụ án, nhưng họ cho rằng luật sư nhân quyền này bị đàn áp bở hệ thống chính trị và pháp luật của Trung Quốc.

Một người họ Trương đến từ tỉnh Liêu Ninh nói “Ông Phố Chí Cường tranh đấu cho người dân thấp cổ bé miệng. Nếu ông bị kết án, đó là một thiệt hại lớn cho sự công bằng và dân chủ.

Ông Dan Biers, Phó tham tán chính trị của Đại sứ quán Mỹ, nói “những luật sư và những nhà lãnh đạo xã hội dân sự, như ông Phố, không nên tiếp tục bị đàn áp, mà nên được đóng góp cho việc xây dựng một nước Trung Quốc thịnh vượng và ổn định.”

Ông Biers cho biết như vậy sau khi những vụ xô đẩy của cảnh sát làm cho ông phải ngưng đọc một thông cáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG