Khu dành cho khách bộ hành ở phía dưới tòa nhà bằng thép và kính được dùng làm trụ sở của HSBC, ngân hàng lớn thứ nhì của thế giới, chừng 20 người biểu tình chống tư bản pha trà, ngồi trên băng ghế và lướt web giữa một rừng biểu ngữ và những lều bạt được dựng lên.
Ông Simon Chan là giáo viên một trường Trung Học ở địa phương. Ông tin là trong khi con số người biểu tình không đáng kể so với Athens, New York hay London, cuộc tranh luận về quan hệ tương lai giữa các chính phủ, ngân hàng và cộng đồng cũng vẫn có ý nghĩa tại Hồng Kông giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Ông nói: "Có sự liên hệ giữa những gì đang xảy ra ở bên trong không gian này với những gì đang xảy ra ở bên ngoài. Một trong những điều chúng ta lưu ý khi xem tin trên báo chí là công chúng khá nhiệt tình. Vì vậy chúng ta thực sự tạo được một không gian cho cuộc thảo luận ở đây. Tôi cho rằng thí nghiệm này đang diễn tiến tốt. Và nếu như nó có thể dàn xếp để tồn tại bền vững, hy vọng chúng tôi sẽ tìm ra một phương cách mời gọi mọi người tham gia."
Tại một lãnh thổ mà chính phủ đang ở mức thặng dư ngân sách, chỉ có 10% dân số phải trả thuế và thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục so với từ trước đến nay, thật là khó mà có thể hô hào một cuộc biểu tình phản đối qui kết cho chính phủ điều hành dở và phản đối ảnh hưởng toàn cầu của khu vực ngân hàng.
Tuy nhiên Hồng Kông có một lịch sử về tập trung quyền hành trong tay một nhóm tổ hợp, lợi thế do quen biết, và những vụ tai tiếng của ngân hàng. Một ngân hàng địa phương đã bị người biểu tình cắm lều ở bên ngoài phản đối trong suốt hai năm vì những bất thường trong một vụ phát hành trái phiếu với trị giá nhỏ.
Bà Wai-man Lam là một chuyên gia về các phong trào hoạt động tranh đấu xã hội tại đại học Hồng Kông. Bà cho rằng sự thành công của các cuộc biểu tình tại Hồng Kông cần phải đặt trọng tâm một phần vào địa phương, thay vì toàn cầu.
Bà nói: ”Những người biểu tình tại Hồng Kông lên tiếng chỉ trích vì vấn đề tại địa phương nhiều hơn. Họ chỉ trích khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và cũng chỉ trích lề lối làm ăn sai trái của các ngân hàng tại Hồng Kông. Họ được cảm tình của nhiều người dân Hồng Kông.”
Đặt trọng tâm của các cuộc biểu tình vào các vấn đề địa phương cũng là phương cách tại Tokyo, nơi chừng 300 nhân vật hoạt động tranh đấu tụ họp tại trụ sở của nhà máy hạt nhân Fukushima bị hư hại.
Nhưng trong lúc truyền thông địa phương rộng rãi hỗ trợ cho cuộc biểu tình “Chiếm Đóng Hồng Kông”, báo chí tại Malaysia và Nam Triều Tiên lại ghi nhận mức độ tham gia thấp tại những nước này, ở Malaysia vì lo sợ cảnh sát sẽ đàn áp, còn ở Nam Triều Tiên là do thời tiết xấu.
Tờ Straits Times do nhà nước sở hữu tại Singapore vui mừng loan tin hầu như chẳng có ai đến tham gia cuộc biểu tình dự tính tổ chức ở khu trung tâm Singapore, mặc dù nó đã được vận động và quảng bá rộng rãi trên Facebook.
Hồng Kông là thành phố duy nhất của Trung Quốc có biểu tình. Hôm thứ Hai, người đứng đầu về an ninh của đặc khu Hồng Kông, ông Ambrose Lee nêu lên rằng quyền của người biểu tình trên đường phố được bảo vệ theo bộ Luật Căn Bản, được coi là tiểu hiến pháp của phần đất Hồng Kông.
Tại Bắc Kinh, báo chí do nhà nước điều hành quan sát hiện tượng này với một vẻ hài lòng. Tờ Nhân Dân Nhật Báo, một bộ phận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nói rằng cơ chế được dùng để tập trung tư bản hầu phát triển công nghiệp và xã hội đã bị Tây phương bóp méo trầm trọng vì họ đã mất ý chí làm giàu bằng sự nỗ lực làm việc cần cù.
Trở lại khu vực dành cho khách bộ hành tại ngân hàng HSBC, những đám người ăn mặc sang trọng túa ra khỏi sở trong giờ nghỉ để đi ăn trưa. Một số ngừng lại chụp ảnh khu lều trại khác thường được dựng lên ngay giữa lòng trụ sở của họ.
Đứng bên cạnh một hộp quyên tiền, nhân vật hoạt động tranh đấu Jaco Chow quan sát thấy có nhiều nhân viên trong ngành tài chính đi ngang qua, hoặc không biết rõ ý nghĩa của cuộc biểu tình, hoặc muốn bày tỏ tình đoàn kết bất ngờ, đã rút những khoản tiền đáng kể ra khỏi túi rồi bỏ vào hộp gây quĩ chống tư bản.
Không giống như Wall Street, khu vực ngân hàng của Hồng Kông không cần đến tiền thuế của dân để cứu nguy. Tuy nhiên những người biểu tình vẫn tụ tập ở khu vực trung tâm, tham gia cuộc biểu tình chống thế lực tài phiệt có tên là Occupy Hong Kong, bắt nguồn từ phong trào với cuộc biểu tình có tên là Occupy Wall Street. Mặc dù theo dự đoán, những người tổ chức phải khá vất vả mới có thể thu hút con số người biểu tình đông đảo như đã thấy ở những nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng như Hoa Kỳ và Hy Lạp, theo thông tín viên Ivan Broadhead tường trình thì phong trào này đang bén rễ và thu hút được một số những người khác thường ủng hộ tại Hồng Kông.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1