Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Đông Nam Á thảo luận về vấn đề hợp tác, Miến Ðiện


Nhà lãnh đạo ASEAN họp tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/10/2010
Nhà lãnh đạo ASEAN họp tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/10/2010

Các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông nam Á khai mạc hội nghị tại Việt Nam, tập trung vào vấn đề kinh tế và hòa nhập khu vực. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Daniel Schearf từ Hà Nội, đề tài bao trùm ngày đầu hội nghị là mối quan ngại về cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ở Miến Điện và khi nào lãnh tụ đối lập của nước này được phóng thích.

Khai mạc cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á đã góp phần rất lớn vào sự ổn định trong khu vực.

Phát biểu qua lời một thông dịch viên hôm nay, ông Dũng nói ASEAN nên hợp tác chặt chẽ với các đối tác đối thoại để duy trì tiến bộ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng nói: “ASEAN nên tiếp tục thăng tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao tiếp sâu xa hơn giữa các đối tác và đóng góp xây dựng hơn vào việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển trong vùng trong khi bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ tợ cho việc xây dựng cộng đồng ASEAN.”

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự kiến sẽ thảo luận về cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ở Miến Điện vào ngày 7 tháng 11.

Quân đội Miến Điện được bảo đảm sẽ nắm 1/4 số ghế tại quốc hội, đã gạt ra bên lề các đảng đối lập và không cho hàng triệu người thuộc sắc tộc thiểu số được bị bầu.

Tại Hà Nội hôm nay, Ngoại trưởng Miến Điện Nyan Win cho các nhà ngoại giao hay rằng lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sẽ được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia một khi án của bà chấm dứt chỉ ít ngày sau cuộc bầu cử.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Ricky Carandang, nói chính phủ ông sẽ hoan nghênh việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

Ông Carandang cho biết: “Chúng tôi chỉ được biết tin qua các cơ quan truyền thông. Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào của họ. Nhưng, chúng tôi hy vọng đó là sự thực. Ý là việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho chính phủ Myanmar xét về công luận quốc tế.”

Liên minh toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 1990 nhưng quân đội làm lơ trước kết quả và đã nhốt bà phần lớn thời gian kể từ khi đó.

Các vị nguyên thủ quốc gia ASEAN họp vào ngày mai với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, người đã bầy tỏ sự bất mãn ngày càng tăng đối với Miến Điện.

Các nhân vật này cũng sẽ mở các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên trước khi có sự tham gia thêm của Australia, Ấn Độ và New Zealand trong Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á vào ngày thứ bẩy.

Hoa Kỳ và Nga sẽ tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên và sẽ gia nhập với tư cách thành viên vào năm 2011.

Phát ngôn viên Carandang cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ tìm cách đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trong vùng biển Nam Trung Quốc.

Ông Carandang cho biết: “Chúng tôi đã họp với Việt Nam hôm qua và họ muốn tiếp tục xúc tiến. Chúng tôi muốn tiếp tục xúc tiến. Nhưng tất cả còn tuỳ thuộc liệu Trung Quốc có đồng ý tuân thủ quy tắc ứng xử. Và vấn đề này sẽ được nêu ra.”

ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý rằng các cuộc tranh chấp nên được giải quyết một cách êm thắm nhưng Trung Quốc vẫn thường bắt giữ các tầu đánh cá của Việt Nam trong khu vực.

Các thành viên của ASEAN gồm Brunei, Miến Điện, Kampuchea, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG