Đường dẫn truy cập

ASEAN ‘rạn nứt’ vì Malaysia và Myanmar bất đồng


Người tị nạn Rohingya chờ nhận vật phẩm cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh.
Người tị nạn Rohingya chờ nhận vật phẩm cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh.

ASEAN một lần nữa bất đồng ý kiến sau khi Malaysia nói tuyên bố của Philippines, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN hiện nay, là sai lệch thực tế về làn sóng lánh nạn gồm 430 ngàn người sắc tộc Rohingya từ Myanmar.

ASEAN, gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, là một trong những vùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ lâu đã phải đối phó với những quyền lợi mâu thuẫn trong việc giải quyết những vấn đề như việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya hiện nay.

“Philippines, với tư cách nước Chủ tịch, dung chấp việc phát biểu công khai những ý kiến khác biệt,” Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố ngày 25/9.

Động thái này cho thấy một “mức độ chín chắn mới” trong việc đẩy mạnh những nguyên tắc đồng thuận của ASEAN khi đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền lợi quốc gia, tuyên bố nói.

Malaysia đã có lập trường rõ ràng “trong vài cuộc họp của ASEAN” tại New York, Bộ ngoại giao Philippines nói, tuy nhiên cũng phải chú ý đến quan điểm của những quốc gia thành viên khác.

Ngày 24/9, Malaysia không đồng ý với tuyên bố của chủ tịch ASEAN vì tuyên bố này không biểu hiện đúng “thực tế của tình hình” và không công nhận người Rohingya là một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng.

Myanmar bác bỏ cụm từ Rohingya, cho rằng những người Hồi Giáo tại bang Rakhine phía tây Myanmar không phải là một sắc tộc mà là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.

Các nhà ngoại giao cao cấp và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thảo luận về nội dung của tuyên bố bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trước khi công bố, các nguồn tin của Bộ ngoại giao Philippines và chính phủ Malaysia nói.

Tuy nhiên, các Ngoại trưởng ASEAN không đạt được đồng thuận, theo hai giới chức chính phủ Malaysia biết rõ về các cuộc thảo luận này.

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN do Philippines công bố không phản ánh những quan ngại của Malaysia, một trong những giới chức này nói và yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Trước đây Malaysia đã có lần bác bỏ tuyên bố tương tự về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine phía tây Myanmar, nhưng phản ứng của Malaysia hôm 24/9 là điều bất ngờ vì ASEAN có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.

Myanmar phải ngưng “việc tàn sát đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo,” Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 24/9 tuyên bố.

“Phải tìm ra những giải pháp lâu dài và có thể thực hiện được đối với nguồn gốc của xung đột,” ông nói trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, bất đồng ý kiến của Malaysia chỉ phản ánh sự căng thẳng trong khối ASEAN, theo nhận xét của ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Malaysia.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ASEAN lên án những cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Myanmar và “tất cả các hành vi bạo động đưa đến kết quả là thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị hủy hoại và nhiều người phải lìa bỏ nơi ăn chốn ở.”

Có hơn 400 người thiệt mạng và 430.000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi bang Rakhine. Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Rohingya hôm 25/8 vào các vị trí quân đội và cảnh sát đã khiến cho quân đội Myanmar mở những cuộc tấn công mà Liên hiệp quốc gọi là “hủy diệt sắc tộc thiểu số.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG