Đường dẫn truy cập

Bangladesh cảnh báo Myanmar về biên giới giữa khủng hoảng người tị nạn


Binh sĩ biên phóng Bangladesh đứng canh gác những người Rohingya bị mắc kẹt trong vùng đất không người ở trong khi ngăn chặn họ vượt qua phía bên kia biên giới của Bangladesh ở Ghumdhum, Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 27 tháng 8, 2017.
Binh sĩ biên phóng Bangladesh đứng canh gác những người Rohingya bị mắc kẹt trong vùng đất không người ở trong khi ngăn chặn họ vượt qua phía bên kia biên giới của Bangladesh ở Ghumdhum, Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 27 tháng 8, 2017.

Bangladesh cáo buộc Myanmar liên tục xâm phạm không phận của họ và cảnh báo rằng bất kỳ "hành động khiêu khích" nào nữa có thể đưa tới "những hậu quả không đáng có." Phản ứng của Bangladesh cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn đã căng thẳng vì cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya, có nguy cơ xấu đi.

Gần 400.000 người Hồi giáo Rohingya từ miền tây Myanmar đã chạy qua Bangladesh kể từ ngày 25 tháng 8, để lánh một cuộc tiến công của chính phủ Myanmar nhắm vào các phần tử nổi dậy mà Liên Hiệp Quốc gọi là "một ví dụ điển hình của việc thanh lọc sắc tộc."

Bangladesh nói các máy bay không người lái và trực thăng của Myanmar đã xâm phạm không phận của họ ba lần vào ngày 10, 12 và 14 tháng 9, và đã triệu tập một quan chức hàng đầu của đại sứ quán Myanmar ở Dhaka để phàn nàn.

"Bangladesh bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về việc lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích như vậy và yêu cầu Myanmar thực hiện những biện pháp tức thời để đảm bảo sự xâm phạm chủ quyền như vậy sẽ không xảy ra nữa," bộ ngoại giao Bangladesh nói trong một thông cáo vào cuối ngày thứ Sáu.

"Những hành động khiêu khích này có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có."

Một phát ngôn viên của chính phủ Myanmar nói với hãng tin Reuters ông không có thông tin về những vụ việc mà Bangladesh phàn nàn, nhưng Myanmar đã phủ nhận một cáo buộc trước đó.

Phát ngôn viên, Zaw Htay, nói Myanmar sẽ kiểm tra bất kỳ thông tin nào mà Bangladesh cung cấp.

"Hai nước chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Chúng tôi cần hợp tác với sự thông hiểu," ông nói với Reuters.

Bangladesh từ hàng chục năm qua đã đối mặt với làn sóng người Rohingya ồ ạt đổ vào nước này để tránh đàn áp ở Myanmar, nơi mà người Rohingya bị coi là di dân bất hợp pháp.

Bangladesh vốn là nơi sinh cư của khoảng 400.000 người Rohingya trước khi cuộc khủng hoảng mới nhất bùng phát vào ngày 25 tháng 8, khi những người Rohingya nổi dậy tấn công khoảng 30 đồn cảnh sát và một trại quân đội, làm thiệt mạng một chục người.

Các lực lượng an ninh Myanmar và những người cảnh giới theo Phật giáo ở bang Rakhine đáp trả bằng điều mà những người theo dõi nhân quyền và những người Rohingya tháo chạy nói là một chiến dịch bạo lực và phóng hỏa nhằm mục đích đuổi người Hồi giáo ra khỏi Myanmar.

Bangladesh nói tất cả những người tị nạn phải về nhà. Myanmar thì nói họ sẽ nhận lại những người có thể xác minh quốc tịch của mình nhưng hầu hết người Rohingya là những người vô quốc tịch.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngày thứ Bảy đã lên đường đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi bà sẽ kêu gọi gia tăng áp lực để đảm bảo Myanmar nhận lại tất cả những người Rohingya sau khi chấm dứt "thanh lọc chủng tộc," phát ngôn viên Ihsanul Karim nói với Reuters.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG