Đường dẫn truy cập

Việt Nam 'cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô' năm 2010


Việt Nam 'cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô' năm 2010
Việt Nam 'cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô' năm 2010

Chỉ số tiêu dùng của Việt Nam tăng 1,38% trong tháng 12 so với một tháng trước đó, đưa tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng 6,9%, tức là thấp hơn nhiều so với mức 25,2% của năm 2008. Theo đánh giá của các nhà phân tích, nền kinh tế Việt Nam năm 2009 đã ít nhiều bị tác động bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Vậy Việt Nam đã chống đỡ cuộc khủng hoảng này ra sao trong năm 2009, và nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu có tìm ra lối đi phù hợp trong năm 2010, mời quý vị cùng Nguyễn Trung tìm hiểu câu trả lời từ tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

<!-- IMAGE -->

VOA: Thưa ông, nền kinh tế Việt Nam năm 2009 có thực sự ảm đạm như nhiều nhà quan sát từng lo ngại không?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế Việt Nam năm 2009 đã hồi phục nhanh chóng hơn so với dự báo trước đó. Mức sụt giảm của nền kinh tế cũng không nghiêm trọng như dự báo ban đầu. Kinh tế Việt Nam năm 2009 trải qua hai quý đầu tăng trưởng thấp, nhưng đến cuối năm đã tăng trưởng cao lên và cả năm đạt mức 5,2%. Tuy thấp nhất trong 10 năm, nhưng vẫn là mức cao trên trung bình ở Đông Nam Á, chỉ sau mức tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Có được sự tăng trưởng đó, trước hết, là vì Việt Nam có một nền nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, lại đóng góp to lớn vào xuất khẩu gần 16 tỷ đôla. Đấy là một nhân tố rất quan trọng để bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất năng động và sáng tạo. Chính phủ có các biện pháp kích thích kinh tế như giảm và hoãn thuế, đầu tư vào các kết cấu hạ tầng và cho vay tín dụng với mức tín dụng lãi suất tới 4%, tức là mức hỗ trợ lãi suất tương đối cao.

Nói chung, các vấn đề như giảm việc làm, thất nghiệp hay các tác động tới người nghèo đã diễn ra nhưng không phải là nghiêm trọng như ở một số nước láng giềng.

VOA: Có ý kiến cho rằng sự hòa nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu và dễ bị tổn thương hơn so với các quốc gia trong khu vực. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Việt Nam đã hội nhập và là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Việt Nam đã thực hiện cam kết của khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) và đang hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, Việt Nam là một nền kinh tế tương đối mở xét về mặt thương mại, tức là tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam là cao. Vì vậy, xét về một mặt nhất định, nền kinh tế đã hội nhập cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy vậy, về một số mặt khác, nền kinh tế Việt Nam năm 2009 cũng đã chứng kiến mức sụt giảm đáng kể của đầu tư nước ngoài, sụt giảm đến khoảng 70% trong các cam kết mới và sụt giảm khoảng 15% trong việc thực hiện. Cơ cấu và đầu tư nước ngoài cũng có một bước thay đổi khá rõ rệt. Về các mặt khác, theo tôi, Việt Nam có hội nhập về mặt kinh tế, nhưng các hội nhập khác về mặt xã hội như xuất khẩu hoặc nhập khẩu sách báo, văn hóa, phim ảnh thì còn hạn chế.

VOA: Thưa ông, từng có đánh giá cho rằng khó khăn về kinh tế có thể dẫn tới bất ổn xã hội ở Việt Nam, năm 2009 ông có nhận thấy điều này không?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Trong năm 2009, các vụ đình công đã giảm đáng kể, chỉ có 216 vụ, như vậy là giảm nhiều so với khoảng 760 vụ của năm 2008. Nhưng các bất ổn trong xã hội Việt Nam vẫn có nhưng bắt nguồn từ việc thu hồi và đền bù đất thiếu thỏa đáng cho nên người nông dân không hài lòng, dẫn đến việc khiếu kiện, thậm chí có những nơi dẫn tới xung đột và bạo lực.

Đó là những điều không liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng này. Nhưng cuộc khủng hoảng cũng đã gây thiệt thòi, đặc biệt cho người nghèo, nhất là về việc chữa bệnh, việc cho các gia đình có đông con được đi học và việc có thu nhập, công ăn việc làm cho những người chưa có trình độ đào tạo chuyên môn.

<!-- IMAGE -->

VOA: Vậy những bài học mà Việt Nam rút ra được trong khi đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Việt Nam đã nhận thức được khá rõ một loạt những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, trong đó cần phải đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Việt Nam nhận thấy rằng năng lực cạnh tranh về kinh tế của mình còn thấp, nên cần phải cấu trúc lại nền kinh tế để có thể sản xuất ra một giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị năng lượng, trên một đơn vị nguyên liệu được tiêu thụ để làm sao giảm bớt mức độ nhập siêu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thấy rất rõ là phải thấy một sự cân bằng hơn nữa trong thị trường xuất khẩu và bảo đảm là chiếm lĩnh thị trường trong nước. Đây là điều có vẻ như là nghịch lý vì thị trường trong nước phát triển rất mạnh, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thì lại được khuyến khích xuất khẩu nhiều hơn là chiếm lĩnh thị trường trong nước. Năm 2009, Việt Nam đã có sự điều chỉnh đó, dù không dễ dàng, vì các doanh nghiệp dệt may và gia dày của Việt Nam phần lớn là gia công, không tự chủ được về mặt thiết kế, về mặt kiểu dáng.

Khi xuất khẩu, người ta đặt hàng, người ta đưa kiểu dáng cho mình thì mình làm, còn bây giờ nếu đầu tư và chiếm lĩnh thị trường trong nước, thì phải tự thiết kế lấy kiểu dáng và điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một bước tiến mới. Thứ hai nữa là, khi xuất khẩu thì được giảm thuế, được hoàn thuế giá trị gia tăng. Còn bán trong nước thì chưa có khuyến khích gì.

Điểm thứ ba, Việt Nam cũng đã ý thức được là cần phải có sự cân bằng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa khu vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng trong nước để huy động tốt hơn tiềm lực ở trong nước, tránh bị phụ thuộc nhiều quá vào nguồn tài chính ở bên ngoài.

Điểm cuối cùng, Việt Nam cũng đã ý thức được là phải đẩy mạnh việc cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam.

VOA: Theo nhận định của ông, những thách thức lớn mà kinh tế Việt Nam phải vượt qua trong năm 2010 là gì?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2010, Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn và quá trình hồi phục sẽ tiếp tục. Chính phủ đặt mục tiêu là 6,5%. Các thể chế tài chính quốc tế cũng đều dự báo vào khoảng 5,8 tới 6,2%. Như vậy, có một sự trùng hợp đáng kể giữa các kỳ vọng của các tổ chức quốc tế và mục tiêu của chính phủ.

Xong, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự mất cân đối vĩ mô như nhập siêu, mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế, quy cơ lạm phát quay trở lại hay bội chi ngân sách. Tất cả những điều đó đòi hỏi mục tiêu đầu tiên và ưu tiên nhất cho năm 2010 phải là ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng. Điều thứ hai nữa là phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Và thứ ba, bằng hai biện pháp trên, Việt Nam phải bảo đảm một sự tăng trưởng kinh tế thích hợp nhưng với hiệu quả cao hơn, chứ không phải là tăng trưởng với bất kỳ giá nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG