Đường dẫn truy cập

Việt Nam đặc biệt được nhắc đến tại Hội nghị Copenhagen


Biến đổi khí hậu, biểu hiện qua hiện tượng tăng nhiệt địa cầu và mực nước biển dâng cao là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối phó trong thế kỷ 21. Thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn, đi kèm với những đợt khí hậu khắc nghiệt khác thường là đề tài đang được thảo luận sôi nổi tại hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch cũng như tại các nước trên khắp thế giới, giữa lúc nhận thức trong công chúng bắt đầu được nâng cao về những thiệt hại khó lường mà biến đổi khí hậu có thể mang lại. Tại Copenhagen, Việt Nam đặc biệt được nhắc đến như một trong những quốc gia có thể phải gánh chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng duyên hải phía Nam như tỉnh Cà Mau. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết trong bài tường trình sau đây, dựa trên một phóng sự truyền hình do thông tín viên Prospero Laput của đài VOA gửi về từ Cà Mau.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2007 và theo dự kiến sẽ tăng 6,5% trong năm nay bất chấp tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu. Dân số trẻ trung của Việt Nam, một yếu tố chủ yếu đóng góp vào việc đẩy mạnh nền kinh tế nội địa, thể hiện rõ rệt trong thành phần dân cư Cà Mau, tỉnh ở cực nam của Việt Nam.

Các vùng ven biển tại đây có nơi chỉ nằm trên mực nước biển chưa đầy 1 mét. Rất nhiều cư dân sinh sống về nghề nuôi tôm và trồng lúa. Họ đã nhận thức rõ hơn về tác động nghiêm trọng của nạn đất bị xói mòn đi kèm với mực nước biển dâng cao.

Dân chúng địa phương chứng kiến tận mắt nhiều vụ đất lở và biển lấn dần vào đến tận các khu gia cư.

Một phụ nữ nói: “Hồi đó đất này xa ngoải dữ lắm mà bây giờ nó lở cho tới nhà, mới cỡ 5 năm nay à. Em cũng nghe nói là họ tính làm bờ kè ở đây, nghe nói tới cuối năm nay là họ qua làm bờ kè ở phía bên đây, cho nên em cũng chưa có định dời đi đâu.”

Một người khác nói rằng cách đây chỉ vài năm, khu đất liền và nhà cửa của cư dân còn ở xa ngoài biển: “Việc bị xói lở thì cũng cách đây 4,5 năm trở lại đây, mỗi năm nó lở một ít, như vậy đến hôm nay thì khoản xói lở cũng đến 4,5 chục mét. Đối với cụm dân cư tại đây, thì khi nước biển dâng rồi gió bão, nếu chính quyền địa phương không có các giải pháp căn cơ thì nói chung nó cũng gây rất nhiều thiệt hại rất lớn đối với dân chúng.”

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết là giới hữu trách đã có kế hoạch đối phó với tình trạng này.

“Thấy được tình hình diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, tỉnh Cà mau cũng dự kiến là sẽ sắp xếp quy hoạch lại các khu dân cư. Sau này thì những tuyến khu dân cư này sẽ cho chuyển vào phía trong hết, rồi sau đó quy hoạch sắp xếp lại đời sống dân cho ổn định, chứ nếu cứ để phía bên ngoài này thì những gió bão bất thường gây thiệt hại rất lớn cho người dân.”

Tiến sĩ Anond Snidvongs, Giám đốc Trung Tâm Khu Vực Đông Nam Á của START, một mạng lưới toàn cầu chuyên nghiên cứu về các tương quan giữa con người với môi trường, đã nghiên cứu về hiện tượng biến đổi khí hậu trong hơn 10 năm. Ông nói vấn đề về tình trạng xói mòn và mất đất ở các vùng ven biển, ở một mức độ nào đó, có thể là do mực nước biển dâng cao.

Tiến sĩ Snidvong nói: “Trước hết là khí hậu trở nên nóng ấm hơn, sự kiện này sẽ gây hai điều, thứ nhất nó thay đổi mô thức thông thường của gió, đẩy nhanh tiến trình bay hơi, ảnh hưởng tới việc hình thành các cụm mây, thế nên nó sẽ ảnh hưởng tới lượng nước mưa và nhiều yếu tố khác; thứ hai, một phần của sức nóng được hút xuống các đại dương.”

Các khoa học gia nói mực nước biển trên khắp thế giới đã dâng cao từ 12 đến 15 cm trong thế kỷ qua. Chính quyền tỉnh Cà Mau đang đề ra những kế hoạch dựa trên dự phóng là đến năm 2040, 81% lãnh thổ tỉnh Cà Mau sẽ bị ngập lụt vì nước biển dâng cao lên gần 20 cm tại khu vực này.

Tiến sĩ Snidvongs nói rằng còn một vấn đề khác cũng rất quan trọng nhưng ít khi được chú ý đến, đó là sự kiện nước mặn tràn vào đất liền. Các nhà khoa học nói rằng giữa lúc nước biển dâng cao, nước mặn sẽ tràn vào và tác động đến các khu đất canh tác. Có những vùng nông dân thường gặt hai vụ mỗi năm, nhưng giờ đây chỉ được có một vụ, và vì thế phải chuyển sang học thêm cách nuôi tôm.

Chính quyền Việt Nam đang tìm những phương cách để đối phó với vấn đề, như xây dựng những con đê để ngăn nước biển, thế nhưng đối với khu vực vốn được biển bao bọc chung quanh như Cà Mau, xây đê không phải là giải pháp thực tiễn.

Việt Nam đã chứng tỏ thái độ nghiêm túc muốn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra tại đây là, Hà Nội sẽ cân bằng như thế nào mục tiêu phát triển kinh tế với các nỗ lực ứng phó với hệ quả của mực nước biển dâng cao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG