Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính


Nam Triều Tiên nằm trong số các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh Á-Âu họp ở Bắc Kinh trong tuần này. Ngay vào lúc Tổng thống Nam Triều Tiên đã lên đường đến thủ đô Trung Quốc, các số liệu tuột dốc trên thị trường vẫn còn xuất hiện đầy trên các màn hình ở Hán Thành. Theo bài tường thuật do thông tín viên đài VOA Kurt Achin gửi về, Nam Triều Tiên đang bị tác động đặc biệt mạnh bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu, và người ta đặt nhiều hy vọng vào một giải pháp toàn cầu sau hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh.

Máy bay chở Tổng thống Lee Myung-bak của Nam Triều Tiên đi Trung Quốc đã cất cánh hôm nay trong khi các con số thị trường chính sụt giảm mạnh. Hôm nay, chỉ số chứng khoán chính của Nam Triều Tiên là KOSPI đã xuống đến mức thấp nhất từ 3 năm nay.

Giao dịch bị ngưng đọng trong chỉ số KOSDAQ nhỏ hơn sau khi chỉ số này xuống đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều gây báo động cho nhiều nhà đầu tư nhất ở Nam Triều Tiên, là sự xói mòn thêm trong giá trị của chỉ tệ nước này là đồng Won so với đồng đôla.

Trong tình hình tín nhiệm và tin tưởng giữa các ngân hàng quốc tế gần như không còn nữa, các nhà đầu tư toàn cầu đang tích trữ và nâng giá đồng đôla. Đồng won hôm nay xuống giá hơn 3% – sụt hơn 33 phần trăm so với đồng đôla trong năm nay. Theo dự kiến, cuộc khủng hoảng sẽ bao trùm Hội nghị Á-Âu, còn gọi tắt là ASEM, nhóm tại Bắc Kinh.

Trước khi lên đường đi phó hội, Tổng thống Lee kêu gọi một sự tái khởi động trong nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nam Triều Tiên nói rằng các quốc gia trên khắp thế giới nên tích cực khởi động nền kinh tế của họ bằng cách gia tăng sự chi tiêu của chính phủ và kích thích nhu cầu trong nước. Nam Triều Tiên đã tiến hành các biện pháp riêng của họ theo hướng đó, bằng cách nới lỏng các hạn chế của ngân hàng và bảo đảm các khoản nợ các ngân hàng nước ngoài trị giá 150 tỷ đôla.

Nam Triều Tiên cũng đã bơm vào nền kinh tế hàng chục tỷ đôla trong số 200 tỷ đôla ngoại tệ dữ trữ. Chính phủ tại Hán Thành hy vọng phối hợp sự cộng tác kinh tế chặt chẽ hơn với các nước khác, nhất là các đại cường láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ.

Nam Triều Tiên cũng đã đi tiên phong trong đề nghị lập một cơ chế quốc tế mới nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong tương lai. Chi tiết đề nghị này còn đang được phác thảo, nhưng bao gồm việc đem lại quyền lực cho các cơ chế đa quốc – hay thành lập một cơ chế mới – để đóng một vai trò thanh sát trong nền kinh tế toàn cầu.

Các giới chức Nam Triều Tiên lập luận rằng ảnh hưởng của các tổ chức như Quỹ Tiền Tệ Quốc tế đã phai nhạt và các tổ chức này không còn khả năng thực hiện chức năng đó. Khái niệm này đã được tiếp nhận một cách không mấy nồng nhiệt trên trường quốc tế, nhưng đã tạo được một số tác động ở Nam Triều Tiên.

Cựu thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Han Duck-soo nói với một diễn đàn trong tháng này rằng khái niệm một cơ quan điều tiết toàn cầu rất đáng cứu xét.

Ông Han nói: “Trong khi tác động có tính cách toàn cầu, thì các cơ chế thực sự làm công việc thanh tra và theo dõi lại không có tính cách toàn cầu. Đó là một trong những điều bất xứng hợp quan trọng.”

Mặt khác, Tổng thống Lee cũng sẽ mở các cuộc họp thượng đỉnh với một số nhà lãnh đạo thế giới tại Bắc Kinh, trong đó có tân thủ tướng Aso Taro của Nhật Bản. Cuộc hội kiến diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong các nỗ lực đa quốc nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tokyo đang từ chối không cung cấp viện trợ năng lượng cho Bắc Triều Tiên theo yêu cầu của một thỏa thuận giữa 6 quốc gia, cho đến khi nào Bình Nhưỡng chịu hợp tác nhiều hơn về vấn đề các công dân Nhật bị các điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc vào thập niên 1970 và 1980.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG