Đường dẫn truy cập

100 tù nhân biến cố Thiên An Môn vẫn còn bị giam giữ


Vào ngày kỷ niệm lần thứ 19 cuộc đàn áp những người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn và khu vực quanh đó ngày mùng 4 tháng 6, các tổ chức nhân quyền nêu lên cảnh ngộ khốn khó của khoảng 100 người mà họ ước tính còn đang bị giam giữ tại các nhà tù Trung Quốc vì những hoạt động của họ trong năm 1989. Phái viên Stephanie Ho của Đài VOA gởi về từ Bắc Kinh bài tường trình sau đây.

Con số ước tính những người Trung Quốc còn đang bị giam trong tù vì những hoạt động của họ hồi năm 1989 vào khoảng từ 50 cho đến 200 người.Ông John Kamm thuộc tổ chức Quỹ Đối thoại có trụ sở tại San Francisco chuyên theo dõi vấn đề các tù nhân chính trị tại Trung Quốc nói rằng danh sách những người được gọi là tù nhân mùng 4 tháng 6 bao gồm những người ở khắp nơi trong nước.

Ông Kamm nói: “Có một người tên là Lưu Chí Hoa ở Hồ Nam. Người đàn ông này là người cuối cùng trong nhóm công nhân tổ chức một trong những cuộc đình công lớn nhất năm 1989tại xí nghiệp Máy Điện tử Tường Đàm. Người cầm đầu cuộc biểu tình này là ông Trần Cương và những người khác đã được phóng thích. Nhưng ông Lưu Chí Hoa thì vẫn còn bị tù. Có một nông dân ở Qúy Châu tên là Hồ Hưng Hoa, người bộ tộc Miêu, đã thành lập cái gọi là Đảng Nhân dân Đoàn kết Trung Quốc. Người này cũng đang còn bị tù.”

Tổ chức của ông Kamm và các nhóm nhân quyền khác đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc trả tự do cho những người vẫn còn đang bị giam giữ trong tù vì những hoạt động của họ hồi năm 1989, như là một cử chỉ thiện chí trước khi Thế vận hội Bắc kinh khai mạc vào tháng 8 tới đây.

Ông Kamm nói: “Hỡi Trung Quốc, nếu quý vị muốn làm một viêäc gì đó để cải thiện hình ảnh của mình, hãy trả tự do cho những người tù mùng 4 tháng 6 còn đang bị giam giữ, hãy quên đi biến cố này.”

Đối với bà Đinh Tử Lâm, thì việc quên đi các biến cố năm 1989 không phải là điều có thể làm được. Người con trai 17 tuổi của bà là Tưởng Kiệt Lân nằm trong số những sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. Anh này đã bị bắn chết. Bà Đinh đứng đầu một nhóm gọi là Những Bà Mẹ Thiên An Môn. Các thành viên của tổ chức này gởi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một bức thư ngỏ vào ngày mùng 4 tháng 6 mỗi năm yêu cầu cho biết điều gì đã xảy đến đối với con cái họ.

Bà Đinh nói rằng năm nay nhóm của bà đã mở một trang mạng lấy tên là tiananmenmothers-dot-org

Bà Đinh nói rằng trang mạng này chứa đựng chứng cứ bao quát và chi tiết về 188 người biểu tình đã bị giết chết xung quanh khu vực quảng trường Thiên An Môn, khi quân đội nổ súng vào những người sinh viên biểu tình.Tư liệu này bao gồm hai bản đồ chỉ rõ địa điểm nơi mỗi nạn nhân bị giết chết.

Mặc dù trang mạng này được tự do truy cập bên ngoài Trung Quốc, bà Đinh nói rằng các giới chức Trung Quốc đã chận nó không thể truy cập được trong nứơc chỉ 3 tiếng đồng hồ sau khi trang mạng này được mở ra.Chính phủ Trung Quốc liên tục làm ngơ trước những lời khiếu nại của bà Đinh và chính thức gán cho phong trào do sinh viên lãnh đạo năm 1989 tên gọi là 'cuộc nổi loạn chống cách mạng'.

Ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định quan điểm này trong một bài trả lời các ký giả tại Bắc kinh hôm qua.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đã có một kết luận rõ ràng về các sự kiện xung quanh quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Không sờn lòng, những người như bà Đinh Tử Lâm tiếp tục vận động đòi có được một câu trả lời. Bà nhớ đứa con trai của mình và đã than van rằng suốt gần 20 năm sau cuộc đàn áp ngày mùng 4 tháng 6, một thế hệ thanh niên Trung Quốc mới đang trưởng thành mà không biết điều gì đã thực sự xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG