Chết chóc và thiệt hại vì bão Nargis ở Miến Điện cùng với thái độ của chính quyền quân nhân Miến Điện đối với đề nghị trợ giúp của quốc tế là đề tài của một cuộc điều trần diễn ra hôm thứ ba tại Hạ viện Hoa Kỳ. Mời quí thính giả theo dõi thêm các chi tiết sau đây dựa theo tường thuật do thông tín viên Dan Robinson của đài VOA gởi về từ trụ sở quốc hội.
Phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Á Châu Thái Bình Dương, ông Scott Marciel, nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng quân đội Miến Điện vẫn chưa hoàn toàn mở cửa để đón nhận sự trợ giúp của quốc tế dành cho hàng trăm ngàn người sống sót sau thiên tai kinh hoàng này.
Ông Marciel nêu lên một số diễn tiến tích cực trong vài ngày qua, trong đó có việc số lượng hàng cứu trợ đưa tới vùng đồng bằng sông Irrawaddy đã gia tăng và việc chính phủ Miến Điện cho phép nhân viên cứu trợ của các nước láng giềng được tới hoạt động ở khu vực lâm nạn.
Tuy nhiên, ông Marciel nói thêm rằng tình trạng thiếu hụt vẫn còn nghiêm trọng và quân đội Miến Điện cần phải cộng tác với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Ông Marciel nói: "Tình hình hiện nay càng lúc càng bi đát. Trận bão xảy ra cách nay đã hơn hai tuần, nhưng theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cứ 4 người sống sót thì chỉ có 1 người là được giúp đỡ. Cánh cửa cần phải được nhanh chóng mở rộng nhiều hơn nữa để ngăn chận nguy cơ xảy ra thảm họa thứ nhì. Nếu những sự trợ giúp và khả năng chuyên môn của nhân viên cứu trợ quốc tế không được chính quyền tiếp nhận thì sẽ có hàng vạn người thiệt mạng, và Tướng Than Shwe cùng với các nhà lãnh đạo khác của Miến Điện phải nhận lãnh trách nhiệm trực tiếp đối với thảm họa này."
Ông Marciel nói thêm rằng thật khó tưởng tượng một sự ứng phó đối với thiên tai nào tệ hại hơn và lơ là hơn sự ứng phó của chính quyền Miến Điện hiện nay.
Kết luận vừa kể đã nhận được sự tán đồng của các dân biểu thuộc tiểu ban Á Châu Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ. Dân biểu Joseph Crowley, thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York, phát biểu như sau.
Ông Crowley nói: "Tôi nghĩ rằng cách hành xử của tập đoàn tướng lãnh Miến Điện phản ánh nỗi sợ hãi đối với sự trợ giúp của quốc tế vì họ tin rằng sự trợ giúp này có thể biến thành một cuộc cách mạng chống lại chính phủ. Đó là cuộc cách mạng mà theo tôi thì những người muốn ra tay giúp đỡ không hề nghĩ tới. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Chúng ta đang tìm cách để đưa lương thực và những sự trợ giúp khác tới cho những người sống sót, cho những em bé đang phải đau khổ vì mất hết cha mẹ. Chúng ta muốn mang tới những sự giúp đỡ về tâm lý cho các nạn nhân ở Miến Điện. Tôi cũng nghĩ rằng trong thâm tâm của giới lãnh đạo Miến Điện họ biết rằng những gì mà họ đang làm là không đúng."
Ông Greg Gottlieb, một giới chức thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết rằng những nỗ lực cứu trợ đã bị trở ngại vì chính quyền quân nhân Miến Điện không để cho một toán nhân viên của Mỹ chuyên trợ giúp cho việc ứng phó với tai họa được tới hoạt động ở Miến Điện.
Ông Gottlieb giải thích: "Khi nào toán nhân viên trợ giúp cho việc ứng phó với tai họa không có mặt ở địa điểm xảy ra một tình huống khẩn cấp với qui mô lớn, chúng tôi không thể thẩm định tình hình một cách thỏa đáng và không thể phối hợp những nỗ lực cứu trợ với các đối tác quốc tế. Khi chúng tôi không thể nói chuyện với những người bị ảnh hưởng, khi không thấy tận mắt mức độ thiệt hại, thì chúng tôi phải mất nhiều thời giờ hơn để có thể xác định cách làm nào là tốt nhất và những những nguồn lực của mình nên được sử dụng như thế nào."
Ông Gottlieb nói thêm rằng: tuy toán nhân viên của Mỹ đã tới Bangkok và đang phối hợp hoạt động với Liên Hiệp Quốc, với các tổ chức phi chính phủ, và với các nhân viên của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ; nhưng cho đến nay họ vẫn chưa được phép tiến hành những hoạt động này bên trong lãnh thổ Miến Điện.
Trong số những người ra điều trần ngày hôm qua có ông U Sein Win, cựu Thủ tướng của chính phủ lưu vong Miến Điện. Ông cảnh báo rằng việc quân đội Miến Điện nhất định xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp ở những khu vực bị ảnh hưởng của bão Nargis có thể đưa tới những vụ rối loạn.
Ông Win nói: "Hiện giờ tập đoàn quân nhân Miến Điện quan tâm tới cuộc trưng cầu dân ý và bản hiến pháp nhiều hơn là quan tâm tới tình cảnh khốn đốn của người dân. Họ loan báo rằng bản hiến pháp của họ đã được phê chuẩn và quá trình hợp pháp hóa vị thế lãnh đạo của quân đội đang diễn ra. Chúng tôi dự kiến là tình trạng bất ổn chính trị sẽ gia tăng trong những tháng tới đây, vì dân chúng chắc chắn sẽ cảm thấy bất mãn trước vụ khủng hoảng kinh tế xã hội do bão Nargis gây ra và trước sự thờ ơ của chính quyền đối với nỗi khổ của dân chúng."
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ tới Miến Điện trong tuần này và sẽ tham dự một hộïi nghị tại Rangoon của các quốc gia và tổ chức cấp viện do Asean và Liên Hiệp Quốc đồng bảo trợ.
Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nói rằng ông hy vọng là những cuộc thảo luận giữa ông với Tướng Than Shwe và các giới chức khác trong chính quyền quân nhân sẽ gia tăng cơ hội để cho phẩm vật cứu trợ được đưa tới vùng lâm nạn nhiều hơn.