Đường dẫn truy cập

Hậu quả của lạm phát ở Châu Á đối với giới tiêu thụ Tây phương


Tình trạng lạm phát và vật giá gia tăng tại các nước Châu Á đã bắt đầu tác động đến giới tiêu thụ tại các nước Tây Phương. Đó là đề tài thời sự đã được các báo tại Hoa Kỳ nêu lên trong những ngày gần đây khi giá cả các mặt hàng nhập khẩu từ các nước châu Á đồng loạt gia tăng, nhất là giá thực phẩm. Sau đây là một số chi tiết về hậu quả của tình trạng lạm phát và vật giá gia tăng đối với nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, nơi có cộng đồng người Việt rất đông và tiêu thụ rất nhiều thực phẩm từ châu Á, do Trần Nam lược thuật từ các nguồn tin truyền thông tại Hoa Kỳ.

Trong suốt hai thế hệ, người Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ những nước có nhân công rẻ hơn, trước hết là từ Nhật Bản và Nam Triều Tiên, sau đó đến Trung Quốc, và trong những năm gần đây con số quốc gia cung cấp hàng hóa trên thị trường Hoa Kỳ đã gia tăng, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ.

Tuy nhiên, tình trạng lạm phát càng ngày càng gia tăng tại các nước đang phát triển, nhất là tại châu Á đã đã đặt ra những đe dọa cho việc nhập khẩu hàng từ các nước có nhân công rẻ. Mối đe dọa này không những chỉ đến từ Trung Quốc, nơi mà giá năng lượng và lương bổng nhân công đang trên đà gia tăng đã khiến cho hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ trở nên mắc hơn, mà còn đến từ các nước châu Á khác.

Trước đây, các nước đang phát triển cũng có những vụ lạm phát, mà nghiêm trọng nhất là tại các nước như Brazil vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, có hai sự kiện khiến cho ảnh hưởng của nạn lạm phát đối với Hoa Kỳ lần này khác hơn trước đây, và có thể khiến cho giá hàng hóa sẽ tăng giá tại những siêu thị lớn như Wal-Mart và các cơ sở thương mại tương tự tại Hoa Kỳ.

Trước hết các nước đang phát triển hiện nay sản xuất gần phân nửa số hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Thứ hai, tình trạng lạm phát tại các nước châu Á đã xảy ra vào cùng thời điểm mà trị giá tiền tệ của nhiều nước đang gia tăng so với đồng đô la của Mỹ.

Công nhân tại các nước đang phát triển, nơi đang có tình trạng vật giá gia tăng, cũng đã càng ngày càng lên tiếng đòi hỏi phải tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, bằng những cuộc đình công phản đối trong những ngày gần đây như tại Việt Nam, Kampuchea và Ai Cập.

Ngoài Việt Nam, tỷ lệ lạm phát tại Philippine cũng tăng đến 6,4% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, và tại Ấn Độ tỉ lệ lạm phát hàng năm đã tăng 7% tính đến ngày 22 tháng Ba, tức là tăng 3,1% kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tại Hoa Kỳ, đồng đô la bây giờ không còn mạnh như người ta từng thấy. Mức thâm hụt mậu dịch lớn lao của Mỹ và những khó khăn khác đã khiến cho đồng đô la không còn sức thu hút mạnh mẽ như trước đây nữa, và có những dấu hiệu cho thấy rằng đồng đô la có thể xuống nhiều hơn nữa nếu các ngân hàng trung ương tại các nước đang phát triển ngưng việc ủng hộ loại tiền tệ này, nhất là tại châu Á.

Chẳng hạn như tại Việt Nam, mặc dù hồi cuối tháng trước chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại trong nước hãy tiếp tục mua đồng đô la với giá hối đoái do chính phủ ấn định nhưng nhiều ngân hàng đã từ chối việc đổi những khoản tiền Việt lớn lao để lấy đô la. Sự kiện này đã khiến cho những người nước ngoài và các nhà xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn khi gửi đô la vào Việt Nam để trả lương cho các nhân viên của họ tại địa phương.

Sự gia tăng giá vật liệu xây cất cũng đã khiến cho các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải chi tiêu nhiều hơn, chẳng hạn như các công ty Samsung của Nam Triều Tiên, công ty Hanes, và Emerson Electric của Hoa Kỳ đang xây cất các nhà máy tại Việt Nam.

Ngoài ra, giá thực phẩm và năng lượng gia tăng nhanh chóng đã gây một tác động lớn lao hơn nhiều đối với các nước đang phát triển như Việt Nam vì sự phát triển mạnh mẽ trong các lãnh vực nông nghiệp và chế tạo đòi hỏi rất nhiều năng lượng so với các nước công nghiệp tiên tiến, nơi chú trọng đến các hoạt động dịch vụ nhiều hơn là chế tạo.

Điển hình cho tác động của vật giá gia tăng trên thế giới đối với các nước đang phát triển là tại trung tâm đồ gốm Bát Tràng gần Hà Nội. Chi phí cho các loại mực nhiều mầu sắc để vẽ trên những lọ sứ và các đồ gốm khác của công ty đồ gốm Quang Vinh đã tăng cao nhanh chóng nhất. Đây là loại mực được nhập khẩu từ Bỉ, được tính theo trị giá của đồng Euro, và giá loại mực này đã tăng 80% so với năm ngoái nếu tính theo tiền Việt Nam.

Công ty đồ gốm Quang Vinh đã tăng lương 30% trong năm qua để đáp ứng với tình trạng vật giá gia tăng. Thực phẩm là nguồn chi tiêu lớn lớn nhất cho những người làm việc tại đây với mức thu nhập là 75 đô la một tháng, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, 6 ngày một tuần.

Không phải chỉ tại Việt Nam mới có những lo ngại về sự gia tăng giá thực phẩm.

Với tựa đề 'Khắp thế giới đã cảm nhận được tình trạng khủng hoảng thực phẩm' báo The National Post hồi đầu tháng này nói rằng sự gia tăng nhanh chóng giá thực phẩm đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình bạo động trong những tuần lễ gần đây tại Mexico, Maroc, Senegal, Uzbekistan, Guinê, Mauritania và Yemen.

Tại Philippines, nhà chức trách đã bố ráp các nhà kho để truy lùng những tay đầu cơ tích trữ gạo, trong khi tại Nam Triều Tiên, các bà nội trợ mới đây đã hốt hoảng chạy đến các cửa hàng vơ vét các loại thực phẩm được bày bán khi giá cả các loại mì ăn liền được chế tạo bằng lúa mì đột nhiên tăng giá nhanh chóng.

Gạo là thức ăn chính của của khoảng phân nửa trong số 6 tỉ người trên thế giới, cho nên khi giá gạo gia tăng, đời sống của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các nước tiêu thụ nhiều gạo, đã trở nên khó khăn hơn.

Hôm thứ Năm tuần trước khi giá gạo trên thế giới tăng lên đến 30% trong một ngày, Ai Cập đã quyết định ngưng xuất khẩu gạo trong 6 tháng để đáp ứng các nhu cầu trong nước và kềm chế sự gia tăng vật giá.

Quyết định của Ai Cập đã phản ảnh những gì đã xảy ra tại Việt Nam, một nước xuất khẩu gạo nhiều vào hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Thái Lan. Việt Nam đã giảm 25% số gạo xuất khẩu và ra lệnh cho các giới chức hữu trách không ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo trong năm nay.

Việc gia tăng giá gạo cũng đã ảnh hưởng đến lãnh vực nhân đạo. Chương trình lương thực thế giới, nơi mà mỗi năm đã cung cấp thực phẩm cho khoảng 73 triệu người nghèo khó nhất trên thế giới, nói rằng giá thực phẩm đã tăng 55% kể từ tháng 6 năm ngoái. Trừ phi nhận được 500 triệu đô la trong ngân quỹ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc, chương trình này có lẽ sẽ phải giảm bớt các kế hoạch cung cấp thực phẩm cho những người nghèo trên thế giới.

Sự gia tăng vật giá, nhất là giá thực phẩm chẳng những tác động đến các nước nghèo trên thế giới mà còn ảnh hưởng đến một nước được xem là có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ.

Trong một bài viết trên tờ báo Washington Post của Mỹ, nhà báo Kristin Downy viết rằng tình trạng trì chậm kinh tế và vật giá leo thang đã khiến cho nhiều gia đình đã phải quay sang các cơ quan cứu trợ nhân đạo để xin cung cấp lương thực hầu có thể đủ tiền để trang trải cho các nhu cầu thiết yếu khác.

Ngay cả những khu vực giàu có của nước Mỹ, kể cả những vùng phụ cận thủ đô Washington, cũng đã bị ảnh hưởng.

Trung Tâm Trợ Giúp Thực Phẩm Arlington, trong năm ngoái đã cung cấp thực phẩm cho 710 gia đình, nhưng trong năm nay con số này đã lên đến mức kỷ lục là 868 gia đình.

Trung Tâm Lương Thực Manna ở quận Montgomery, nơi đã cung cấp lương thực cho 1,600 gia đình trong năm ngoái, nhưng năm này phải cung cấp lương thực cho 2,100 gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn vì tình trạng tăng tiền nhà, giá điện, giá xăng và giá thực phẩm.

Ngoài vấn đề lương thực, sự gia tăng giá xăng cũng đã gây rất nhiều trở ngại cho ngành chuyên chở tại Hoa Kỳ. Hôm thứ Năm nhiều tài xế xe tải hạng nặng đã nối đuôi nhau chạy trên các đường phố tại thủ đô Washington ở Hoa Kỳ và bóp còi inh ỏi.

Họ muốn công luận phải chú ý đến những vấn đề làm cho đời sống của họ trở nên khó khăn hơn. Đó là giá xăng dầu tăng cao và những khó khăn khác của họ trong ngành chuyển vận vốn được xem như là huyết mạch cho việc cung cấp các loại nhu yếu phẩm trong đời sống hàng ngày của người dân Mỹ.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn trong đời sống thường nhật. Ngoài giá xăng lên cao khiến cho họ phải chi tiêu nhiều hơn trong khi đồng lương không theo kịp với đà gia tăng vật giá, những người Việt cũng đã gặp khó khăn trong việc chi tiêu cho các nhu yếu phẩm khác. Trong những ngày gần đây giá gạo tại Mỹ đã tăng ít nhất là 20%, và các bà nội trợ đã vội vã chạy đi mua một số lượng gạo nhiều hơn bình thường để phòng khi khan hiếm, một sự kiện chưa từng xảy ra trên đất Mỹ, nơi lúc nào cũng dư thừa lương thực. Và bây giờ, ngay cả những người lâu nay không chú ý đến giá cả trong các siêu thị của Mỹ hay Việt Nam, bây giờ cũng cảm thấy rằng nạn lạm phát và vật giá gia tăng tại những nơi xa xôi nhất ở châu Á cũng đã bắt đầu gây xáo trộn cho các sinh hoạt hàng ngày của họ tại Hoa Kỳ, nơi được xem là có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG