Đường dẫn truy cập

Đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tây Tạng là nước bị 'chiếm đóng'


Đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết tình hình ở Tây Tạng hiện nay rất đỗi u ám sau vụ đàn áp của Trung Quốc nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Lhasa. Ông Lodi Gyari cũng yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch rước đuốc Thế Vận ngang qua Tây Tạng. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Leta Hong Fincher.

Ông Lodi Gyari, Đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng Trung Quốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với những cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở thủ đô Lhsa của Tây Tạng hồi tháng trước.

Ông Gyari nói: "Tây Tạng hiện nay, và đặc biệt là trong vài tuần lễ vừa qua, là một quốc gia bị chiếm đóng, là nơi đang bị các lực lượng vũ trang chiếm đóng một cách thô bạo."

Ông Gyari phát biểu như thế hôm thứ 5 tại một phiên họp của Khối Nhân quyền Quốc hội ở Washington. Ông kêu gọi các nhà làm luật Hoa Kỳ hãy đến thăm Tây Tạng và vận động cho việc tiến hành một cuộc điều tra của quốc tế về những vụ bạo động ở Tây Tạng. Ông cũng yêu cầu chính phủ Mỹ thiết lập một cơ sở ngoại giao ở Lhasa.

Các giới chức Trung Quốc nhiều lần tố cáo rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là người chủ mưu những vụ gây rối chống Trung Quốc hồi gần đây. Họ cho rằng nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng này cùng với những người ủng hộ ông muốn đòi độc lập cho Tây Tạng và muốn phá hoại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.

Đặc sứ Gyari nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma phản đối những hành vi bạo động và không muốn đòi độc lập cho Tây Tạng. Thay vào đó, vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này muốn tiến hành một cuộc đối thoại với Trung Quốc về phương thức để Tây Tạng có được điều mà ông gọi là 'quyền tự trị thật sự và có ý nghĩa'.

Ông Gyari cho biết thêm rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không hậu thuẫn cho việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh vì cuộc tranh tài này là một niềm hãnh diện đối với nhiều người dân bình thường ở Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Gyari nói rằng ông tin là ngọn đuốc Thế Vận không nên được rước qua Tây Tạng.

Ông Gyari nói: "Tôi thực sự tin rằng kế hoạch rước đuốc ngang qua Tây Tạng nên được hủy bỏ. Việc hủy bỏ như vậy sẽ giúp cho Olympics diễn ra một cách tốt đẹp. Bởi vì sau khi đã xảy ra những sự việc mới đây thì việc rước đuốc qua Tây Tạng là một hành động có tính chất khiêu khích và lăng nhục."

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ, ông Henry Paulson cho biết: ông đã bày tỏ với các giới chức Trung Quốc mối quan tâm về bạo động ở Tây Tạng. Ông cho hay: trong các cuộc thảo luận hôm thứ tư ở Bắc Kinh, ông đã kêu gọi các giới chức Trung Quốc thông qua đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tình hình biến động ở Tây Tạng.

Cũng trong ngày thứ 5, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng bênh vực cho vụ trấn áp ở Tây Tạng.

Bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bà hy vọng là cộng đồng quốc tế, kể cả Hoa Kỳ, tôn trọng sự thật là những tội phạm bạo động đã xảy ra ở Lhasa.

Bà Khương Du nói thêm rằng Trung Quốc không có gì phải hối tiếc về những hành động ở Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc dự định cho phép du khách nước ngoài được trở lại Tây Tạng từ ngày mồng 1 tháng 5 tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG