Đường dẫn truy cập

Tranh chấp trên các quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa


Hôm Chủ Nhật vừa qua, nhiều người đã biểu tình trước Đại Sứ Quán của Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối việc Bắc Kinh vừa thiết lập một cơ sở hành chánh để quản lý 3 quần đảo trong khu vực biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động mới nhất này của Bắc Kinh đã gây nhiều phản ứng ở trong nước cũng như trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về những tranh chấp trên các quần đảo này qua các nguồn tin báo chí và cuộc phỏng vấn của Trần Nam với giáo sư Nguyễn Văn Canh, Tiến sĩ Công Pháp Quốc Tế, cựu chuyên viên nghiên cứu chiến tranh và hòa bình Đông Dương, Viện Hoover, và hiện là chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ ở hải ngoại.

Vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông lại trở nên nổi bật trong các tin thời sự trong tuần qua khi Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa để quản lý 3 quần đảo trên biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Canh nhận định về diễn biến này như sau.

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Tôi thấy đây là một bước tiến khác của Trung Hoa lục địa để tiến đến việc xác nhận vùng Hoàng Sa và Trường Sa vĩnh viễn là thuộc quyền của Trung Cộng. Từ trước, Trung Cộng đã có nhiều tham vọng liên quan đến việc bành trướng lãnh hải của họ đến vùng biển Đông của Việt Nam. Tôi lấy thí dụ như là tháng 6 năm rồi Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ trong vùng biển Đông, và với bản đồ mới này thì ranh giới của vùng biển Đông thuộc Trung Quốc là sát với bờ biển Việt Nam.

VOA: Thông thường thì lãnh thổ của một quốc gia thường được nới rộng thêm 12 hải lý về phía biển, tính từ đất liền, tuy nhiên lãnh hải này có thể nới rộng đến 200 hải lý, tức là 371 kilomet, và được xem như là một khu vực kinh tế riêng của mình. Trong khu vực này, quốc gia chủ nhà có quyền hành sử các quyền như đánh cá và khai thác các tài nguyên thiên nhiên mà các nước khác không được xâm phạm. Tuy nhiên. theo giáo sư Nguyễn Văn Canh thì Trung Quốc đã lấn vào khu vực 200 hải lý của Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Tôi lấy thí dụ như quận Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi thì từ trong bờ biển đi ra chỉ còn có 175 hải lý theo cái tính toán của tôi dù rằng tính toán của tôi không chính xác 100% nhưng nó trùm vào lục địa Việt Nam theo công ước quốc tế năm 1982. Còn nếu so với vịnh Cam Ranh thì chỉ còn có 142 hải lý mà thôi. Hay nói khác đi mỗi một lần theo thời gian thì việc tính toán về lãnh hải của Trung Quốc được nới rộng hơn. Chúng ta nên biết rằng năm 1982 Trung Quốc có ra một đạo luật tuyên bố rằng họ có toàn quyền trên biển Đông, nếu những ai có tàu quân sự hoặc tàu khoa học muốn đi qua vùng đó thì phải xin phép nếu không thì họ đánh đắm. Đó là việc Trung Quốc dần dần tiến về phía biển Đông của chúng ta.

VOA: Trước những phản ứng của Việt Nam về vấn đề này, Trung Quốc đã tỏ ra không nhượng bộ, và trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tái xác nhận chủ quyền của họ trên các quần đảo này và cho rằng đó là một chủ quyền không thể tranh cãi. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Văn Canh thì có những bằng chứng trong lịch sử cho thấy rằng các quần đảo này là của Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Thưa cái chuyện đó thì Trung Quốc trong mấy chục năm gần đây đã nói như vậy thôi chứ trên thực tế thì chủ quyền của chúng ta đã có từ lâu rồi. Ngay cả gần đây trong thời vua Gia Long đã có những hành sử chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và đã có những bằng chứng rõ rệt về lịch sử, về hành sử chủ quyền cũng như tất cả các yếu tố liên hệ đến công pháp cho thấy Việt Nam có chủ quyền trên vùng quần đảo Trường Sa.

VOA: Những cuộc biểu tình để phản đối Trung Quốc, một nước Cộng Sản anh em với Việt Nam, là điều hiếm thấy tại Việt Nam, tuy nhiên hôm Chủ Nhật vừa qua một cuộc biểu tình với sự tham dự nhiều sinh viên đã diễn ra trước Đại Sứ Quán của Trung Quốc tại Hà Nội. Giáo sư Canh cho rằng đây là những phản ứng tự phát trước sự kiện lãnh thổ bị xâm lấn.

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Đây là một cuộc biểu tình, nói chung, là rất kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ là từ trước đến giờ thì Hà Nội luôn luôn kiểm soát biểu tình. Năm rồi, chúng ta thấy rằng có một cái văn kiện cấm tụ tập trên 5 người mà hiện bây giờ lại có một cuộc biểu tình lớn như vậy, có đến năm sáu trăm người kể cả Hà Nội và Sàigòn. Đây là việc mà Hà Nội không muốn xảy ra nhưng sinh viên họ cứ làm. Ngay cả ngày mùng 7 tháng 12 vừa qua Hà Quang Thụy Phó Hiệu Trưởng Đại Học Hà Nội có ra một cái lệnh cấm tụ tập nhưng mà sinh viên cứ làm. Theo tôi thì đây là một hành động tự phát vì cái việc Trung Cộng xâm lấn lãnh thổ một cách trắng trợn, bằng cách chính thức thiết lập một cơ quan cấp huyện để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với cái tên là Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam. Đây là một hành vi quá trắng trợn mà Việt Cộng không có cách nào có thể kiểm soát được sự bành trướng của Trung Cộng nên sinh viên đã tự phát đứng lên để chống lại.

VOA: Về phía chính phủ Việt Nam, trong một cuộc họp báo mới đây, ông Lê Dũng Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rằng vấn đề này sẽ được giải quyết qua thương thuyết dựa theo các luật quốc tế, nhất là Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về luật biển và Bản Tuyên Ngôn 2002 về Qui Tắc Hành Sử của các phe liên hệ. Tuy nhiên theo giáo sư Canh thì lập luận này không có gì là mới mẻ:

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Theo tôi thì đây là một lời nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều năm rồi mà người Mỹ gọi là lip-services, cứ tuyên bố như vậy thôi chứ không hành động gì cả. Ngay cả khi Trung Cộng bắn giết 8 ngư phủ của mình trong năm ngoái ở bên trong lãnh hải của Việt Nam theo cái hiệp ước mới vào năm 2000 vừa qua thì Phát ngôn viên của Hà Nội cũng nói y như vậy, chỉ có phát ngôn miệng lưỡi và không có hành động gì cả.

VOA: Theo lời giáo sư Nguyễn Văn Canh thì ngoài những cuộc biểu tình phản đối ở trong nước, cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cũng có những phản ứng tương tự:

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Ở trong nước thì chúng ta đã thấy được rằng sinh viên đã biểu tình rồi mà Cảnh Sát không làm gì nổi.

Còn ở hải ngoại thì có nhiều nơi đã chuẩn bị cho những cuộc biểu tình và cũng có các anh chị em sinh viên của tôi hỏi ý kiến là nên làm những gì và chúng tôi cũng đã khuyến cáo là phải lên tiếng để mà báo cho mọi người biết rằng cái việc xâm lăng như thế là không thể chấp nhận được, và cố gắng hỗ trợ cho những người ở trong nước, nhất là giới trẻ, nhất là khi họ tuyên bố là phải đứng lên bảo vệ lãnh hải của ông cha để lại.

VOA: Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông, số đề ngày 16 tháng 3 năm 1979 có nhắc đến một sự kiện lịch sử có liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo đó ngày 4 tháng 9 năm 1958 chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng phạm vi lãnh hải của Trung Quốc sẽ là 12 hải lý và lãnh hải này sẽ được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Mười ngày sau đó, tức là ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ Tướng của Việt Nam lúc bấy giờ là ông Phạm Văn Đồng đã gởi một văn thư cho Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung quốc nói rằng chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam công nhận và ủng hộ bản tuyên bố của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về quyết định có liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc hôm mùng 4 tháng 9 năm 1958.

Với những gì đã xảy trong quá khứ, giới am tường thời cuộc cho rằng việc giải quyết chủ quyền trên các quần đảo này sẽ còn nhiều phức tạp. Theo giáo sư Canh thì những sự kiện trong lịch sử cho thấy rằng khó mà tin tưởng vào giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam trong việc giành lại đất đai từ tay Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Văn Canh: Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề hết sức lớn lao trọng đại, vấn đề bành trướng của người Hán là đã rõ rệt, không ai có thể chối cãi được, vậy thì người Việt ở trong nước cũng như người Việt ở hải ngoại phải đoàn kết với nhau để bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, sự đoàn kết này không phải đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản vì lẽ lúc ông Đỗ Mười còn cầm quyền và Ban Chấp Hàng Trung Ương lúc trước tuyên bố rằng vị xã hội chủ nghĩa mà đi sát với Trung Quốc trong khi đó vấn đề lãnh thổ lãnh hải là vấn đề nhỏ. Hay nói khác đi đảng Cộng Sản Việt Nam đã dâng hiến đất đai của tổ tiên cho ngoại bang và chúng ta phải có nghĩa vụ bảo vệ cái tài sản của ông cha để lại.

VOA: Phát biểu của giáo sư Nguyễn Văn Canh đã phản ảnh phần nào những khó khăn được ghi nhận trên tạp chí Viễn Đông Kinh Tế ngày 16 tháng 3 năm 1979. Theo báo này thì những gì xảy ra hiện nay có liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hậu quả của việc dàn xếp thiếu khôn ngoan trong quá khứ giữa 2 nước Cộng Sản anh em. Không một nước nào trong cộng đồng thế giới muốn bước vào cuộc tranh chấp giữa 2 nước Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc. Điều đó rất dễ hiểu vì Cộng Sản Việt Nam không thể nào bôi xóa được bức công hàm ngoại giao và sự công nhận lãnh thổ của Trung Quốc vào năm 1958 nhất là trong khi Việt Nam là một nước nhỏ và đang theo đuổi chính sách Đổi Mới của Trung Quốc để tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Được biết quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc tiến chiếm sau một cuộc đụng độ quân sự trong tháng Giêng năm 1974, khi quân đội Trung Quốc đánh bại lực lượng Hải Quân của Việt Nam Cộng Hòa đang bảo vệ quần đảo này.

Còn quần đảo Trường Sa thì trong năm 1988, Trung Quốc và Việt Nam đã giao tranh với nhau trong một trận hải chiến ngắn ngủi ở gần một trong những hòn đảo này. Trong những năm qua đôi bên đã có nhiều cuộc đàm phán để tìm cách giải quyết vấn đề chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên không có tín hiệu nào cho thấy là Trung Quốc sẽ nhượng bộ mặc dù Bắc Kinh luôn nói rằng sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này qua những cuộc thương thuyết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG