Đường dẫn truy cập

Các quốc gia Ðông Nam Á chống đối việc trừng phạt Miến Ðiện


Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang tranh luận về việc liệu có lên án và trừng phạt chính phủ Miến Điện về vụ đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ hay không. Nhưng các nước láng giềng của Miến Điện đang hối thúc giới lãnh đạo Miến Điện hãy mở các cuộc đàm phán vô điều kiện với các lãnh tụ đối lập. Từ Bangkok, phái viên Chad Bouchard gửi về bài tường thuật sau đây:

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dự trù công bố một thông cáo trong vài ngày sắp tới “lên án mạnh mẽ” việc quân đội Miến Điện sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Chính bản thông cáo đó cũng vẫn chưa đủ mạnh như ý muốn của một số thành viên trong Hội đồng, nhất là các nước Tây phương. Nhưng Trung Quốc, một thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, đã vận động một cách thành công đòi dùng các ngôn từ dịu nhẹ hơn.

Trung Quốc cho biết họ chống đối các biện pháp chế tài để buộc giới lãnh đạo quân nhân Miến Điện tiến tới cải cách dân chủ. Các nước cũng là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á như Miến Điện cũng đồng ý như thế.

ASEAN lên án bạo lực tại Miến Điện sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Nhưng ông Dino Patti Djalal, phát ngôn viên của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói rằng Indonesia có chung lập trường với Trung Quốc.

Ông Djalal nói: “Thứ nhất là chúng tôi không tin vào những biện pháp chế tài. Chế tài đã không mang lại hiệu quả đối với Miến Điện, như ta đã thấy, và chúng tôi chỉ tin vào sự giao tiếp. Chúng tôi cũng không cho là vào lúc này những gì xảy ra tại Miến Điện là một vấn đề sẽ gây rắc rối cho an ninh khu vực. Ý tôi muốn nói là có vấn đề chính trị ở Miến Điện, nhưng đó không phải là một vấn đề an ninh quốc tế, vì thế cần phải đặt nó vào một bối cảnh thích hợp.”

Các thành viên ASEAN đang tìm cách thuyết phục các tướng lãnh Miến Điện mở các cuộc đàm phán vô điều kiện với lãnh tụ phe đối lập, khôi nguyên giải Nobel hòa bình, bà Aung San Suu Kyi.

Vị tướng lãnh cao cấp nhất của Miến Điện, ông Than Shwe, nói với một vị đặc sứ của Liên hiệp quốc rằng ông sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi nhưng chỉ với các điều kiện mà nhà lãnh đạo dân chủ khó lòng chấp nhận. Giới lãnh đạo Miến Điện đã cử một thứ trưởng bắt đầu các cuộc đàm phán với bà Aung San Suu Kyi.

Đó là hành động mới nhất trong một nỗ lực dường như để giữ cho sự lên án của quốc tế đứng ở mức tối thiểu. Chưa biết được liệu người liên lạc đặc biệt này có kèm theo điều kiện nào với các cuộc họp này hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG