Đường dẫn truy cập

VN vào WTO-Tin buồn cho những người buôn bán hàng sao chép lậu


Khi Việt Nam gia nhập WTO vào cuối tháng 12 tới đây, một nhóm các thương gia Việt Nam sẽ không vui mừng: đó là những người kiếm tiền bằng cách mua bán những tài sản trí thức bị đánh cắp. Lâu nay, các luật lệ về bảo vệ quyền tài sản trí thức ít khi được chấp hành, khiến cho các đĩa DVD và nhu liệu điện toán sao chép lậu lan tràn trên thị trường.

Tuy nhiên, tình trạng này có phần chắc sẽ thay đổi vì Việt Nam đã cam kết tôn trọng các hiệp định quốc tế về quyền tài sản trí thức sau khi gia nhập WTO.

Những con đường trong khu phố cổ Hà Nội là thiên đường của những ai muốn mua những đĩa nhạc và phim ảnh giá rẻ. Nhiều cửa hàng bày bán công khai những đĩa CD, VCD và nhu liệu sao chép lậu. Tại đây, người ta có thể mua đủ mọi thứ, từ album nhạc mới nhất của ban U2 cho tới trò chơi điện tử “World of Wracraft” với giá khoảng 1 đô la rưỡi.

Tình trạng này có phần chắc là sẽ thay đổi trong nay mai. Việt Nam dự kiến trở thành hội viên WTO vào cuối năm nay, và phải chấp hành ngay hiệp định có tên là Những khía cạnh thương mại của quyền tài sản trí thức, gọi tắt là TRIPS. Hiệp định này đòi hỏi các nước tham gia phải tôn trọng những quy định quốc tế về tác quyền và thương hiệu.

Một người làm chủ cửa tiệm bán CD và DVD ở Hà Nội cho biết như sau:

Về mặt lý thuyết, việc Việt Nam tham gia hiệp định TRIPS không khiến cho tình hình thay đổi nhiều. Việt Nam vốn có nghĩa vụ bảo vệ quyền tài sản trí thức của Mỹ dựa theo hiệp định thương mại song phương ký năm 2004. Một đạo luật về tài sản trí thức khá nghiêm khắc cũng bắt đầu co hiệu lực từ tháng 7 vừa qua. Tuy luật lệ của Việt Nam thỏa mãn những đòi hỏi của hiệp định TRIPS, việc chấp hành lại rất lỏng lẻo.

Ông Tom Truetler là một luật sư đại diện cho nhiều công ty nước ngoài ở Việt Nam. Ông cho biết như sau về hiệp định TRIPS:

Theo hiệp định TRIPS, giới hữu trách cần có các biện pháp trừng phạt hình sự có thể áp dụng và có tác dụng răn đe. Nhưng cho đến nay chính phủ vẫn chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt hình sự trong nhiều vụ án liên quan tới quyền tài sản trí thức.

Luật sư Treutler nói thêm rằng: khi cảnh sát bắt những kẻ vi phạm, họ thường để cho những người đó được nộp những khoản tiền phạt tượng trưng. Ông Treutler nói rằng hiệp định TRIPS và đạo luật mới có thể giúp làm thay đổi tình hình:

Thực ra thì luật lệ hiện nay rất tốt. Việc chấp hành chỉ cần nghiêm hơn một chút là được.

Một số các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ không chấp hành mạnh mẽ luật lệ về quyền tài sản trí thức cho tới khi nào có thêm nhiều ca nhạc sĩ, những nhà sản xuất phim ảnh và những người sản xuất phần mềm điện toán người Việt được hưởng lợi từ công tác bảo vệ tác quyền. Hiện giờ, những luật lệ về tác quyền chỉ khiến cho chi phí của doanh nghiệp Việt Nam gia tăng mà thôi.

Ông Hoàng Minh là người giữ chức phụ tá giám đốc của công ty dệt may MHG. Những máy tính của công ty ông lâu nay vẫn dùng phần mềm sao chép lậu của Microsoft, như phần lớn các máy tính khác ở Việt Nam. Ông Minh cho biết thêm như sau:

Vấn đề bây giờ là Microsoft tiến vào Việt Nam, Việt Nam vào WTO, và họ được bảo vệ tác quyền, bảo vệ thương hiệu. Vì vậy các doanh nghiệp như chúng tôi phải mua nhu liệu của họ.

Ông Minh nói rằng công ty ông sẽ phải mất từ 30 đến 40 ngàn đô la để mua nhu liệu.

Những thương gia khác ở Việt Nam thì cảm thấy vui mừng trước những luật lệ nghiêm khắc hơn về tác quyền. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, giám đốc công ty lữ hành Vietravel, hy vọng là luật mới sẽ giúp ông bảo vệ thương hiệu của mình. Ông cho biết như sau về tình hình hiện nay:

Vietravel rất nổi tiếng ở Việt Nam và cũng được thế giới biết đến. Sau khi công ty chúng tôi nổi tiếng thì nhiều người ở đây đã dùng những cái tên na ná để làm thương hiệu của mình. Thí dụ như họ đặt tên Vietrang, Vietrang Travel, Vietrang Tour, Vietour. Có rất nhiều cái tên như vậy.

Trong quá trình đàm phán WTO, Việt Nam đã không thương lượng về một thời gian chuyển tiếp trước khi chấp hành hiệp định TRIPS. Đây là một điều khác thường để chứng tỏ quyết tâm của Việt Nam. Về việc này, thứ trưởng thương mại Lê Văn Tự, người dẫn đầu phái đoàn thương thuyết của Việt Nam tại hội nghị WTO ở Geneve, tuyên bố như sau, mời quí vị bấm vào link ở trên để theo dõi:

Người chủ cửa hàng bán CD và VCD ở Hà Nội cho biết việc trấn áp các hoạt động kinh doanh những mặt hàng sao chép lậu đã bắt đầu diễn ra.

Những khách hàng tinh ý cũng có thể nhận ra sự việc này tại một số cửa tiệm, nơi mà những sản phẩm hợp pháp được trưng bày ở mặt tiền. Và những ai muốn mua đĩa VCD lậu vẫn có thể được người bán hàng dẫn ra đàng sau để lựa chọn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG