Đường dẫn truy cập

Một số nhìn nhận về việc tham dự hội nghị APEC tại Việt Nam của Ðặc sứ Ðài Loan


Thứ sáu vừa qua, chiếc máy bay Không quân số Một của chính phủ Đài Loan đã đáp xuống phi trường Nội Bài, chở theo vị đặc sứ của tổng thống Trần Thủy Biển đến dự hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chuyên cơ của tổng thống Đài Loan đáp xuống một nước không có quan hệ ngoại giao chính thức. Một số chi tiết về việc này cùng với những đóng góp của Đài Loan đối với APEC và sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.

Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu vừa qua tại Hà Nội, trưởng phái đoàn Đài Loan tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Trương Trung Mưu đã ra sức làm giảm nhẹ tầm quan trọng của việc ông đáp chuyên cơ của tổng thống Trần Thủy Biển đến Việt Nam. Theo lời nhân vật được gọi là cha đẻ của công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan này, máy bay nào chở tổng thống thì mới gọi là chuyên cơ tổng thống – và tuy chiếc máy bay chở ông tới Hà Nội là chiếc Không Quân Số Một (Air Force One) của Đài Loan nhưng phi cơ này không thể xem là chuyên cơ tổng thống, vì ông Trần Thủy Biển không có mặt trên đó. Ông Trương Trung Mưu cho biết như thế khi phái viên hãng thông tấn Pháp hỏi ông về ý nghĩa chính trị của sự kiện là lần đầu tiên chuyên cơ của tổng thống Trần Thủy Biển đáp xuống một nước không có bang giao chính thức. Ông Trương Trung Mưu cũng cho biết rằng mục tiêu của chuyến viếng thăm Việt nam là dự hội nghị thượng đỉnh APEC và chỉ thảo luận về các vấn đề thương mại mà thôi. Mặc dầu vậy, phát ngôn viên phái đoàn Đài Loan, ông Dịch Vinh Tông cho báo chí biết rằng: vấn đề rất nhạy cảm này đã được thương lượng và xếp đặt trước từ lâu.

Vấn đề liên quan tới chuyên cơ tổng thống Đài Loan đáp xuống phi trường Nội Bài đã được nhiều người chú ý vì lâu nay chính phủ Trung Quốc vẫn tìm đủ mọi cách để ngăn chận những hoạt động ngoại giao của chính phủ ở Đài Bắc, đặc biệt là tại các cuộc hội nghị của khối APEC. Một tuần lễ trước khi hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc tại Hà Nội, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Thôi Thiên Khải, đã cố ý hạ thấp vị thế của Đài Loan trong khối APEC và nói rằng Đài Loan tham gia tổ chức hợp tác kinh tế này với tư cách là một nền kinh tế khu vực mà thôi. Phát biểu của ông Thôi đã gặp phải sự đả kích dữ dội của chính phủ ở Đài Loan. Về việc này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế của Bộ ngoại giao Đài Loan, ông Trần Trung, giải thích như sau:

Vào năm 1991, nhờ sự điều giải, sắp xếp của nước giữ chức chủ tịch luân phiên của APEC lúc đó là Nam Triều tiên mà Trung Quốc, Đài Loan và Hồng kông đã được gia nhập cùng một lúc. Đây là một hành động rất thân thiện mà cộng đồng đã quốc tế dành cho Đài Loan. Nhưng trong văn bản ghi nhớ ký kết với APEC, Trung Quốc lại nêu ra lập trường cho rằng Trung Quốc là một nước có chủ quyền còn Đài Loan là một thực thể kinh tế khu vực. Chủ tịch APEC lúc đó nói rằng APEC ghi nhận lập trường của Trung Quốc. Nhưng trên trường ngoại giao, điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chấp nhận hay thừa nhận. Nó chỉ có nghĩa là tôi chú ý tới lập trường của anh, nhưng không nhất định là tán đồng hay chấp nhận lập trường của anh. Trên thực tế thì trong khối APEC từ trước tới nay không có vấn đề phân biệt thành viên nào là nền kinh tế khu vực, thành viên nào là thực thể kinh tế có chủ quyền. Trong hiệp định ký kết để Đài Loan gia nhập APEC hoàn toàn không đề cập gì tới vấn đề này.

Ông Trần Trung cho biết thêm rằng sau khi mất ghế thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Bắc rất chú trọng tới vị trí của mình trong hai tổ chức quốc tế là WTO và APEC. Chính phủ Đài Loan cũng chú trọng nhiều hơn đối với APEC vì đây là diễn đàn quốc tế duy nhất mà các giới chức chính phủ Đài Loan có thể tham dự từ cấp cao - như nguyên thủ quốc gia, và bộ trưởng, cho tới cấp trung - như vụ trưởng, cục trưởng; và có thể thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau - từ thương mại, kinh tế cho tới bảo vệ môi trường và chống khủng bố. Cũng theo lời Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao Đài Loan, những kinh nghiệm phát triển của đảo quốc này về công nghệ thông tin, y tế, kỹ thuật nông nghiệp đã được các thành viên APEC quí trọng, đặc biệt là đối với kế hoạch thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên trong lãnh vực công nghệ thông tin:

Mục tiêu của chúng tôi khi đề xuất kế hoạch này là biến sự chênh lệch trong mức độ phát triển kỹ thuật số thành một cơ hội. Chúng tôi chọn 6 nước để thúc đẩy kế hoạch này, trong đó có các nước như Việt Nam, Philipin, Peru, và Chile. Kế hoạch của chúng tôi được các quốc gia này đánh giá rất cao, vì nhờ dó mà mỗi năm họ đào tạo được thêm khoảng 1 ngàn chuyên viên cho ngành công nghệ thông tin.

Về phần Việt Nam – là nước công nhận chính phủ ở Bắc Kinh là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và theo đuổi lập trường một nước Trung Hoa, những hoạt động giao lưu kinh tế và văn hóa xã hội với Đài Loan trong những năm vừa qua đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Các số liệu thống kê cho thấy Đài Loan hiện nay là nước đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam, với hơn 30 ngàn doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư có kinh phí tổng cộng hơn 8 tỉ đô la. Trong năm 2005, kim ngạch mậu dịch hai chiều Việt Nam - Đài Loan đã lên tới mức 5 tỉ 300 triệu đô la. Cục trưởng Cục Mậu dịch Quốc tế thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan, ông Hoàng Chí Bằng cho biết: doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu đầu tư vào các quốc gia vùng Đông Nam Á từ những năm đầu của thập niên 1980, dựa theo chính sách Nam Tiến. Tuy nhiên, những năm kế tiếp họ gặp phải một số trở ngại, như chi phí kinh doanh tăng cao và thái độ bài xích người Hoa ở một số quốc gia. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành nơi tập trung thu hút các nhà đầu tư Đài Loan. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, ông Hoàng cho biết thêm như sau:

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ năm 1995, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại Việt-Mỹ vào năm 2001. Đây là một bước đột phá quan trọng. Chính phủ ở Hà Nội cũng cho thấy họ bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc có được những mối quan hệ tốt đẹp với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Sau hiệp định Việt-Mỹ, họ đã liên tiếp ký kết rất nhiều hiệp định với các nước khác và thực hiện những chính sách thân thiện đối với các nhà đầu tư ngoại quốc. Các thương gia Đài Loan đã nhận ra rằng điều có lợi nhất cho họ là chính phủ Việt Nam có thái độ thân thiện, và môi trường đầu tư ở đây rất hấp dẫn.

Cũng theo lời ông Hoàng Chí Bằng, hiện nay Hoa Lục thu hút gần phân nửa các khoản đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan. Tuy nhiên, tỉ lệ thu hồi vốn ở Việt Nam hiện nay cao hơn Trung Quốc và Việt Nam lại sắp trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới -- cho nên ông tin rằng các doanh nghiệp Đài Loan sẽ gia tăng các khoản đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG