Mỹ tiếp cận Việt Nam qua kênh đảng và Đảng Cộng sản thể hiện vai trò cầm trịch trong quan hệ với Mỹ cho thấy niềm tin giữa Mỹ và Đảng Cộng sản ‘lên cao chưa từng thấy’ và nó cũng đề cao tính chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt người Mỹ, theo các nhà phân tích.
Ông Joe Biden không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ nhưng là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm theo lời mời của tổng bí thư Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng. Việc tiếp đón và làm việc với ông Biden ở Việt Nam cũng mang nặng tính đảng thay vì theo nghi thức thông thường giữa nhà nước với nhà nước.
Đón ông Biden đón tại sân bay là người chuyên trách về quan hệ giữa đảng với các đảng phái nước ngoài là ông Lê Hoài Trung. Chủ trì nghi lễ tiếp rước và hội đàm ông Biden là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng – người tương nhiệm với ông Biden – không có mặt. Sau lễ đón, hai bên rời Phủ Chủ tịch sang Trụ sở Trung ương Đảng để hội đàm. Tham gia thành phần hội đàm phía Việt Nam bên cạnh ông Trọng là những ủy viên Bộ Chính trị cao cấp nhất của Đảng như bà Trương Thị Mai, thường trực Ban bí thư, và ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an. Tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện được hai ông Biden và ông Trọng, thay vì là hai nguyên thủ, đưa ra trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm.
‘Tính chính danh của Đảng’
Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Zachary Abuza, người theo dõi chính trị Việt Nam tại trường Chiến tranh Quốc gia, Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown ở thủ đô Washington D.C., nhận định rằng nếu so với chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama hồi năm 2016 khi hai nước còn là quan hệ đối tác toàn diện, chuyến thăm này của ông Biden để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện là ‘chuyện của Đảng’.
“Hãy nhìn xem ai là người ngồi hai bên ông Trọng trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden? Bà Trương Thị Mai, thường trực Ban bí thư, và ông Tô Lâm, người có trách nhiệm giữ vững quyền lực cho Đảng,” Tiến sỹ Abuza chỉ ra.
“Nó thể hiện sự chấp nhận thực tế (của người Mỹ) về chế độ chính trị của Việt Nam – điều mà giới lãnh đạo Việt Nam rất muốn,” ông nói và nhấn mạnh điều này đã xảy ra từ lúc ông Obama tiếp ông Trọng ở Nhà Trắng hồi tháng 7 năm 2015.
Học giả này cho rằng chính quyền ông Biden đã tận dụng kênh đảng trong quan hệ với Việt Nam vì nếu không làm như thế ‘sẽ là ngu ngốc’ vì quan hệ qua kênh đảng là ‘một trong những đòn bẩy chính của Bắc Kinh với Hà Nội’.
Việt Nam cũng muốn nhân cơ hội này thể hiện vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và nhấn mạnh tầm ảnh hưởng cá nhân của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định với VOA.
“Có lẽ Việt Nam muốn nhấn mạnh rằng dù khác biệt về thể chế như vậy nhưng Việt Nam muốn Mỹ tôn trọng thể chế của Việt Nam,” ông giải thích.
“Trước đây vai trò và vị thế của Việt Nam với Mỹ khác nên phải theo đúng nghi lễ là thể hiện vai trò chủ tịch nước, nhưng lần này rõ ràng vai trò Việt Nam đã khác và dấu ấn cá nhân của ông Trọng trong tiến trình này cũng khác,” ông nói thêm màn Mỹ tiếp xúc của ông Biden ở Hà Nội ‘đem đến cho Đảng Cộng sản tính chính danh’.
Vượt qua trở ngại
Giáo sư Abuza chỉ ra giới lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội ý thức được rằng ‘Mỹ xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực’ và tranh thủ việc ‘đối đầu với Trung Quốc thì không có đảng nào trong Quốc hội Mỹ phản đối mặc dù luôn có những chỉ trích Hà Nội về nhân quyền’.
Theo lời vị giáo sư này thì Việt Nam đã vươn lên trở thành một ‘nền kinh tế trung bình’ và ‘trở nên tự tin hơn’.
Về phía Washington, ông cho rằng chính quyền Biden ‘đã làm rất tốt việc thuyết phục Đảng Cộng sản Việt Nam rằng Washington tôn trọng chế độ chính trị và không thúc đẩy cách mạng màu ở Việt Nam’.
“Washington cũng đã cố gắng rất nhiều để không gây áp lực lên Hà Nội phải làm những việc gây thù địch với Bắc Kinh,” ông nói thêm và cho rằng với chuyến thăm này của ông Biden, lòng tin giữa Mỹ và Việt Nam ‘lên cao chưa từng thấy’.
Trước giờ, Đảng Cộng sản vẫn xem một trong những nguy cơ lớn nhất dẫn đến việc mất chế độ là ‘diễn biến hòa bình’ từ ‘các thế lực thù địch được Mỹ hà hơi tiếp sức’. “Bản thân Việt Nam đã nhiều lần thể hiện sự nghi ngại rằng Mỹ sử dụng những tổ chức trá hình để can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Đó là một trong những trở ngại rất lớn ngăn cản Việt Nam và Mỹ phát triển quan hệ,” giảng viên Hoàng Việt lập luận
“Thế nhưng với việc Tổng thống Biden trong chuyến thăm vừa rồi cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ báo hiệu Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều trong cách tư duy đối với Mỹ,” ông nói. (8:05)
“Từ nay về sau tư duy diễn biến hòa bình sẽ phai nhạt trong tâm trí một số lãnh đạo Việt Nam.”
Mỹ cũng đã thể hiện thái độ không dung túng cho việc bạo loạn lật đổ ở Việt Nam, ông Việt chỉ ra và dẫn chứng sau vụ bạo động đẫm máu ở Đắc Lắc hồi đầu tháng Sáu mà phía Việt Nam cáo buộc ‘có thành phần ở Mỹ đứng sau chỉ đạo’, Đại sứ Mỹ Marc Knapper đã hứa ‘sẽ điều tra và truy tìm những kẻ đứng sau’ và ‘Mỹ lên án hành động này’.
‘Bắc Kinh không vui’
Việc Washington từng bước phát triển quan hệ với Việt Nam qua kênh đảng ‘chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh không vui’, cả Giáo sư Abuza và Thạc sỹ Hoàng Việt đều đồng ý. Trước giờ kênh Đảng là cách tiếp cận chủ chốt của Bắc Kinh trong quan hệ với Việt Nam. Các quan chức Đảng hai nước thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Tổng bí thư Trọng đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức xây dựng mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản, ông Abuza nói và dẫn chứng ông Trọng là nhà lãnh đạo đầu tiên được ông Tập Cận Bình mời sang Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông đã đem theo đến 6 ủy viên Bộ Chính trị sang Bắc Kinh.
Ông chỉ ra bà Trương Thị Mai mới đây cũng đã gặp ông Tập. Toàn bộ các ủy viên Bộ Chính trị của Việt Nam và những người đồng cấp của họ phía Trung Quốc thường xuyên gặp nhau và cho rằng ‘đó chính là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Trọng’.
Theo lời ông thì mặc dù Hà Nội ‘chắc chắn không thể nào được Bắc Kinh gật đầu để nâng cấp quan hệ với Mỹ’ nhưng ‘ông Trọng không thể nào đi đến bước này nếu ông không tự tin rằng Bắc Kinh sẽ không trừng phạt Việt Nam’.
“Tôi nghĩ Việt Nam muốn thể hiện với Bắc Kinh rằng họ có đường lối độc lập. Việc tuyên bố giữa ông Trọng và ông Biden toàn bộ chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế, thay vì khía cạnh an ninh, là có lý do của nó,” ông giải thích. “Đó là điều mà Bắc Kinh có thể thông cảm cho dù họ không thích.”
Về phần mình, Thạc sỹ Hoàng Việt chỉ ra tuyên bố chung Trọng-Biden dù không nhắc chữ nào đến Trung Quốc nhưng ‘vẫn thấy bóng dáng Trung Quốc ở đằng sau’, chẳng hạn như nhấn mạnh ‘đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững’.
“Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung diễn ra quyết liệt như vậy và Việt Nam được Bắc Kinh coi là nằm trong vùng ảnh hưởng của họ mà lại thúc đẩy quan hệ với Mỹ thì chắc chắc họ không hài lòng,” ông nói và cho rằng ‘chắc chắn sẽ luôn sử dụng kênh đảng để tác động đến chính sách đối ngoại của Việt Nam’.
Giảm nhẹ nhân quyền?
Tuy nhiên, việc Mỹ làm thân với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có cái giá của nó là vấn đề dân chủ, nhân quyền, theo lời Giáo sư Abuza.
“Mặc dù chính quyền Biden có tuyên bố là dân chủ và nhân quyền là sẽ thành tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại của họ nhưng trong quan hệ với Việt Nam việc này đã được giảm nhẹ,” ông nói. “Cạnh tranh chiến lược và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là ưu tiên cao hơn nhiều đối với Mỹ.”
Trước chuyến thăm của ông Biden, giáo sư Abuza từng hy vọng Việt Nam sẽ trả tự do nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang nhưng điều này đã không xảy ra. Điều này cho thấy ‘Việt Nam không quy phục áp lực của Mỹ’ và việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ khiến giới lãnh đạo Hà Nội, vốn đã không bị chính quyền Mỹ xem xét nhiều về thành tích nhân quyền kể từ năm 2017, ‘ngày càng mạnh bạo trong việc đàn áp’.
Bất chấp những điều này, Thạc sỹ Hoàng Việt bày tỏ hy vọng sau bước nâng cấp quan hệ cho dù quá khứ đau thương và bang giao đầy khó khăn giữa hai nước, quan hệ Việt-Mỹ ‘từ giờ trở đi sẽ phát triển mạnh mẽ’.
Diễn đàn