Đường dẫn truy cập

Tại Hà Nội, Tổng thống Biden nói Mỹ không muốn ‘kiềm chế’ Trung Quốc


Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo hôm 10/9 ở Hà Nội trong ngày đầu tiên ông tới thăm Việt Nam giữa lúc Trung Quốc ngày càng tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo hôm 10/9 ở Hà Nội trong ngày đầu tiên ông tới thăm Việt Nam giữa lúc Trung Quốc ngày càng tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ không muốn “kiềm chế” Trung Quốc khi phát biểu tại Hà Nội, nơi ông vừa có chuyến thăm cấp nhà nước để nâng tầm quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược toàn diện giữa lúc Washington ngày càng nỗ lực gắn kết với khu vực trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Nói tại buổi họp báo sau khi hội đàm với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 10/9, ông Biden cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông để thể hiện mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội không phải nhằm mục đích khơi mào một “cuộc chiến tranh lạnh” với Trung Quốc, mà là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm mang lại sự ổn định toàn cầu bằng cách xây dựng các mối quan hệ của Mỹ trên khắp châu Á vào thời điểm những căng thẳng của Washington với Bắc Kinh ngày càng cao, theo AP.

Vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo về tâm lý “Chiến tranh Lạnh” trong bối cảnh địa chính trị ngày càng gay gắt trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Indonesia hôm 6/9, ông Lý kêu gọi tránh “Chiến tranh Lạnh mới” khi xử lý xung đột giữa các nước trong khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người đến dự thượng đỉnh thay ông Biden, nói Mỹ “cam kết lâu dài đối với Đông Nam Á và nhìn chung là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

“Vấn đề không phải là kiềm chế Trung Quốc,” Tổng thống Biden được AP trích lời nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. “Tôi nghĩ chúng ta nghĩ quá nhiều về… thuật ngữ chiến tranh lạnh. Không phải về vấn đề đó. Đó là về việc tạo ra sự tăng trưởng và ổn định kinh tế ở mọi nơi trên thế giới. Và đó là điều mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện.”

Tổng thống Biden cho biết thêm rằng Mỹ “có cơ hội tăng cường liên minh trên toàn thế giới để duy trình sự ổn định,” theo AP. “Đó chính là mục đích của chuyến đi (đến Việt Nam),” ông Biden nói.

Cùng ngày 10/9 khi ông Biden đến Hà Nội, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra bài xã luận, trong đó nói rằng “Việt Nam đang tìm cách có tiếng nói và ảnh hưởng nhiều hơn trong các vấn đề khu vực bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, đặc biệt trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).” Tờ báo này còn nói rằng “trong khi đó đối với Mỹ, mối quan hệ chặt chẽ hơn khiến Việt Nam trở thành quân cờ quan trọng để kiềm chế Trung Quốc.”

Ngoài Tổng bí thư Trọng, ông Biden đã gặp ba người khác trong số các nhà lãnh đạo “tứ trụ” cao nhất của Việt Nam, gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Biden gọi Việt Nam là “người bạn, đối tác đáng tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.” Trong khi đó, theo AP, ông Trọng cam kết rằng Việt Nam sẽ thực hiện thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện mới được đưa ra với Mỹ và nói rằng “chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói đó là một thành công.”

Với việc nâng cao vị thế của Mỹ lên ngang tầm số ít các đối tác chiến lược toàn diện khác, gồm Trung Quốc và Nga, Việt Nam được cho là muốn bảo vệ mối quan hệ gắn kết với các công ty Mỹ và châu Âu hiện đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nhà máy của họ ở Trung Quốc. Theo AP, với sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và việc Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực chính trị, ông Biden nhận thấy cơ hội đưa nhiều quốc gia hơn vào quỹ đạo của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Trả lời một câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo ở Hà Nội, ông Biden nói rằng ông đã gặp Thủ tướng Lý khi ở Ấn Độ. Theo AP, cuộc gặp này là sự tiếp xúc cấp cao nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Biden và ông Tập hội đàm tại G20 vào năm ngoái ở Indonesia. Ông Tập bỏ qua cuộc họp thượng đỉnh ở Ấn Độ lần này và cử ông Lý đi thay.

“Chúng tôi thảo luận về sự ổn định… Đó không phải là sự đối đầu chút nào,” ông Biden được AP trích lời nói tại Hà Nội về cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc ở Ấn Độ.

Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2019 lên 127 tỷ USD hàng năm. Nhưng theo AP, Việt Nam, với dân số 100 triệu người, khó có thể sánh ngang với quy mô sản xuất của Trung Quốc, với số dân 1,4 tỷ người, và có lượng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ gấp 4 lần Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG