Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Mỹ có thể sẽ ‘gây áp lực âm thầm hơn’ với Hà Nội về nhân quyền


Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp máy bay xuống phi trường Indira Gandhi, New Delhi, Ấn Độ, tối ngày 8/9/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp máy bay xuống phi trường Indira Gandhi, New Delhi, Ấn Độ, tối ngày 8/9/2023.

Một chuyên gia về các vấn đề tự do tôn giáo toàn cầu nêu nhận định rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến công du đến Hà Nội bằng một cách “âm thầm hơn” và rằng ông không kỳ vọng lắm về sự hợp tác rộng lớn hơn giữa hai nước nếu như nhân quyền tiếp tục bị vi phạm tại Việt Nam.

“Hiện tại, với những lo ngại của Mỹ về Trung Quốc thì hầu hết các hoạt động ngoại giao [của Mỹ] sẽ là việc gây áp lực âm thầm hơn”, ông Sean Nelson, cố vấn pháp lý của Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Tự do Tôn giáo Toàn cầu (ADF International) ở Washington DC, nói với VOA hôm 6/9, trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden.

“Trong năm qua, Hoa Kỳ đã thúc ép Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm thực sự bị cầm tù chỉ vì thực hành đức tin của chính họ. Nên tôi nghĩ việc thả những tù nhân lương tâm như các ông Yi Yich, Y Pum Bya, và Nguyễn Bắc Truyền, nên được chính quyền Biden nêu ra trong cuộc gặp này”.

Mục sư Yi Yich đang thụ án 14 năm tù và thầy truyền đạo Y Pum Bya theo đạo Tin Lành đang thụ án 12 năm tù, cùng báo buộc “Tội phá hoại chính sách đoàn kết”. Nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “Lật đổ chính quyền”.

Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đưa cả ba ông cùng hơn 70 người khác ở Việt Nam vào danh sách nạn nhân của tự do tôn giáo và niềm tin.

“Việc thả những tù nhân này ít nhất sẽ là một tín hiệu tốt từ phía Việt Nam rằng họ sẽ rút lại một số biện pháp gia tăng đó. Tôi hy vọng đó là những gì được nêu ra”, ông Nelson nêu kỳ vọng.

Tuy vậy, vị luật sư này cũng bày tỏ sự bi quan về cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo độc lập, không được nhà nước công nhận:

“Thật khó để dự đoán tương lai, nhưng nếu xu hướng gần như trừng phạt tập thể hiện nay đối với các nhóm này vẫn tiếp tục, thì tôi khó có thể thấy Hoa Kỳ và Việt Nam có thể phát triển hợp tác như thế nào trong một loạt vấn đề rộng lớn hơn trong tương lai”.

Ông Nelson cho biết thêm:

“Tôi biết ngay trước khi Tổng thống Biden tới Việt Nam, chủ đề sẽ là tiềm năng hợp tác hơn nữa giữa Mỹ và Việt Nam. Và rất khó để có một đối tác đáng tin cậy khi chúng ta đang cố gắng tăng cường hợp tác vì những lo ngại về địa chính trị, địa chiến lược chống lại một quốc gia độc tài, chuyên chế hung hãn như Trung Quốc, nơi cũng có những lo ngại lớn về tự do tôn giáo”.

“Thật khó để có một đối tác khi chúng ta cứ lo ngại về sự bất ổn do vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của đối tác đó gây ra”, ông Nelson nhấn mạnh.

Ông Sean Nelson hiện là cố vấn pháp lý của Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Tự do Tôn giáo Toàn cầu (ADF International), một tổ chức vận động pháp lý dựa trên đức tin nhằm bảo vệ các quyền tự do cơ bản và thúc đẩy phẩm giá vốn có của tất cả mọi người trên thế giới.

USCIRF tiếp tục kêu gọi phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:27 0:00

Vào tháng 4/2023, trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, ADF International và 70 tổ chức tôn giáo quốc tế khác, cùng các chuyên gia nhân quyền hàng đầu viết thư kêu gọi chính quyền Biden nêu lên các cuộc đàn áp được cho là do chính quyền hậu thuẫn nhằm vào các nhóm tôn giáo thiểu số ở Tây Nguyên, đặc biệt là những người theo Cơ đốc giáo.

Bức thư nêu lên nhiều trường hợp buộc tội hình sự bất công, giam giữ tùy tiện và các hành vi sách nhiễu nghiêm trọng khác của chính quyền đối với các tôn giáo thiểu số ở Việt Nam trong năm qua.

Bức thư viết: “Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự leo thang nhanh chóng của các biện pháp đàn áp đối với các nhóm tôn giáo chống lại sự kiểm soát của chính phủ. Điều đặc biệt quan ngại là chính phủ tăng cường nỗ lực buộc các tín đồ Cơ đốc giáo phải từ bỏ đức tin của mình, đàn áp các giáo hội tại gia không chịu sự kiểm soát của chính phủ và ép buộc các thành viên của các nhóm tôn giáo độc lập tham gia các tổ chức tôn giáo do chính phủ kiểm soát.”

Ông Nelson cho biết: “Không ai nên bị bức hại, trừng phạt hoặc bỏ tù vì bày tỏ đức tin của mình”.

“Chính quyền Biden giờ đây có cơ hội đứng lên bảo vệ những người bị đàn áp nhiều nhất bằng cách đề cập trực tiếp tình trạng này với chính phủ Việt Nam”.

Lên tiếng trước những lo ngại của thân nhân, giới hoạt động và các tổ chức nhân quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi luôn kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo hành động của mình phù hợp với tất cả các luật liên quan, với các quy định về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam cũng như với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình”.

“Hoa Kỳ thường xuyên hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở mọi cấp độ về các vấn đề nhân quyền và pháp quyền và sẽ tiếp tục làm như vậy. Thông điệp của chúng tôi nhất quán và dựa trên niềm tin mãnh liệt rằng các quốc gia thành công nhất là những quốc gia tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm 7/9.

Hồi 12/2022, ông Nelson tham dự Hội nghị về Tự do Tôn Giáo và Niềm Tin vùng Đông Nam Á (SEAFoRB) lần thứ 8 tại Bali, Indonesia và đã gặp gỡ các nạn nhân bị đàn áp thuộc cộng đồng H’Mong ở Tây Nguyên.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng “quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân” luôn được Đảng và Nhà nước “tôn trọng”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG