Đường dẫn truy cập

Chủ tịch ASEAN kêu gọi đoàn kết giữa bối cảnh các thành viên bất hoà về Myanmar


Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 11 tháng 7 năm 2023.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 11 tháng 7 năm 2023.

Nước chủ tịch ASEAN, Indonesia, hôm thứ Ba (11/7) nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết trong khối để duy trì độ tin cậy của khối, khi các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên bắt đầu các cuộc đàm phán dự kiến đề cập đến vấn đề gai góc là làm việc với các tướng lĩnh cầm quyền bị tẩy chay của Myanmar.

Cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Jakarta diễn ra giữa bối cảnh sự nghi ngờ ngày càng gia tăng về tính hiệu quả của ASEAN, khi có những bất đồng về cách tiếp cận cuộc xung đột đẫm máu ở Myanmar và việc chính quyền quân sự không thực hiện kế hoạch hòa bình mà ASEAN đã thống nhất.

Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi, không đề cập trực tiếp đến Myanmar trong bài phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể hôm thứ Ba, nhưng nói rằng ASEAN “chỉ có thể quan trọng nếu nó có uy tín”.

“Vì vậy, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc chứng tỏ rằng ASEAN có thể điều hướng các động lực khu vực và toàn cầu, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mô hình hợp tác”, bà nói.

“Chúng ta chỉ có thể đạt được điều này nếu chúng ta duy trì tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN”.

Myanmar đã chìm trong giao tranh kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào đầu năm 2021 trước khi tiến hành một cuộc đàn áp khốc liệt đối với những người phản đối dân chủ, vốn chứng kiến sự hình thành của một phong trào kháng chiến vũ trang và gia tăng xung đột.

ASEAN đã cấm chính quyền quân sự tham gia các cuộc họp cấp cao vì không tôn trọng cam kết của họ đối với “kế hoạch đồng thuận năm điểm” đã được nhất trí hai năm trước, trong đó bao gồm cả việc chấm dứt tình trạng thù địch.

Indonesia đã cố gắng khởi xướng một tiến trình hòa bình phía sau hậu trường bằng cách thu hút sự tham gia của các bên liên quan chính, nhưng những nỗ lực đó đã bị giáng một đòn mạnh vào tháng trước khi Thái Lan tổ chức một cuộc họp riêng để thảo luận về việc tái can dự với các tướng lĩnh, một động thái bị nhiều người chỉ trích là phá hoại công việc của Jakarta.

Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao của các thành viên chủ chốt của ASEAN đã không tham dự, chỉ có các bộ trưởng của Thái Lan, Myanmar và Lào tham dự và một số quốc gia cử đại diện cấp dưới.

Các nguồn tin am tường về nỗ lực hòa bình của Indonesia cho Reuters biết nỗ lực hòa bình đang ngày càng trở nên phức tạp bởi các điều kiện tiên quyết mà tất cả các bên đưa ra để bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức.

Bà Retno tuần trước nói bất kỳ “cách tiếp cận một mất một còn” nào cũng có nghĩa là hòa bình lâu dài “sẽ không bao giờ đạt được”.

Các nhóm nhân quyền và một số chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cáo buộc quân đội Myanmar phạm tội ác tàn bạo đối với thường dân, trong khi chính quyền quân sự Myanmar nói họ đang chiến đấu với “những kẻ khủng bố”.

Người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, gần đây thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuyển tình trạng bạo lực leo thang lên Tòa án Hình sự Quốc tế và yêu cầu các quốc gia ngừng cung cấp vũ khí cho chính quyền quân sự.

Các cuộc họp hôm thứ Ba diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN vào cuối tuần này, với sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Trung Quốc hôm thứ Ba xác nhận Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương sẽ không tham dự vì lý do sức khỏe. Nước này cho biết nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị sẽ tham gia thay thế.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG