Đường dẫn truy cập

Việt Nam nói công kích ông Hun Sen là ‘chia rẽ quan hệ hai nước’


Ông Hun Sen đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến thăm khi ông còn là Thủ tướng Campuchia
Ông Hun Sen đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến thăm khi ông còn là Thủ tướng Campuchia

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/5 lên tiếng rằng những lời lẽ công kích nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen trên mạng xã hội về dự án kênh đào Funan Techo ‘không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam’ và ‘chia rẽ quan hệ hai nước’.

Trước đó, hôm 20/5, ông Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia cho biết gần đây đã có nhiều lời lẽ ‘mang tính xúc phạm’ đối với ông xung quanh dự án kênh đào Funan Techo trên TikTok mà ông cho là ‘xuất phát từ những người Việt Nam’, Khmer Times cho biết.

Trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 23/5 gọi những bình luận này là ‘mang mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước’, theo Tuổi Trẻ.

“Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận này,” bà Hằng được dẫn lời nói và nhấn mạnh rằng những bình luận này chỉ là ‘ý kiến cá nhân’ chứ ‘không đại diện cho quan điềm của chính phủ và nhân dân Việt Nam’, trang mạng VnExpress cho biết.

Bà kêu gọi nhà chức trách hai nước ‘có các biện pháp thiết thực hiệu quả để giúp nhân dân và thế hệ tương lai của hai nước hiểu rõ và đầy đủ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia’.

Nhân dịp này, bà Hằng cũng lặp lại đề nghị của Hà Nội rằng Phnom Penh cần tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo cũng như nghiên cứu về tác động xuyên biên giới của dự án, theo Tuổi Trẻ.

Trên trang Facebook của mình, ông Hun Sen hôm 20/5 viết: “ Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy những bình luận trên một thông điệp mà tôi đăng tải trên TikTok. Tôi không biết chính xác người Việt Nam xúc phạm tôi bằng cách bình luận trên tài khoản TikTok của tôi khi nào, bởi vì tôi chỉ đăng có bốn video nhưng hàng chục người Việt Nam đã xúc phạm tôi.”

Khmer Times cũng dẫn lời ông Hun Sen nhắc lại hồi năm 2016-2017 khi ông đưa ra những phát biểu về tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã có hơn 2.000 người Việt ‘đã lên Facebook để xúc phạm ông’, trong đó có ‘một tài khoản tự xưng là một bí thư huyện ủy’. “Sau đó tôi đã nói việc này với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, thì những lời lẽ này đã im,” ông cho biết.

“Bây giờ họ lại lên TikTok chửi rủa tôi sau khi tôi trình bày về kênh đào Funan Techo,” ông nói thêm nhưng cũng nói rõ rằng ông ‘không chắc những lời lỡ xúc phạm này xuất phát từ công dân Việt Nam hay từ nơi khác’.

“Liệu họ có phải là người Việt sống ở Việt Nam, hay người Việt Nam ở hải ngoại chống đối chính quyền Việt Nam, hay là kiều dân Việt sống ở Campuchia, hay họ có phải là người Khmer Kampuchea Krom có tài khoản TikTok hay không? Họ có thể viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer,” ông Hun Sen viết trên Facebook.

Kampuchea Krom là cách gọi của Campuchia đối với vùng Nam Bộ của Việt Nam nơi có nhiều người Việt gốc Khmer sinh sống.

Cựu Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh rằng ông ‘không cáo buộc giới lãnh đạo Việt Nam kích động người Việt công kích ông’ mà ‘yêu cầu hai bên hợp tác để điều tra truy ra thủ phạm nhằm ‘ngăn chặn những kẻ xấu phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước’.

Trong một dấu hiệu cho thấy những bình luận này đã leo thang thành sự cố trong quan hệ ngoại giao hai nước, Khmer Times cho biết theo lệnh của ông Hun Sen, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea đã tiếp Đại sứ Việt Nam Nguyễn Huy Tăng ở Bộ Ngoại giao hôm 20/5 để nói với ông Tăng rằng Chính phủ Campuchia ‘đã sốc trước những lời lẽ tiêu cực xúc phạm lãnh đạo Campuchia như vậy’.

Ông Sophea cho rằng những lời lẽ như vậy ‘đã gây ra những thù hằn không cần thiết giữa nhân dân hai nước’.

Cũng Khmer Times cho biết Đại sứ Tăng trong cuộc gặp này đã nói với Ngoại trưởng Campuchia rằng lên mạng bình luận thù địch như vậy là ‘hành động không tốt’ và Việt Nam sẽ phối hợp với Campuchia để ‘truy tìm những kẻ đứng sau’.

Bộ Nội vụ Campuchia đã chuyển vụ việc đến bộ phận điều tra của họ, ông Touch Sokhak, phát ngôn nhân cơ quan này, được Khmer Times dẫn lời cho biết.

Hồi tuần trước, bất chấp lời kêu gọi chia sẻ thêm thông tin và đánh giá thêm tác động của dự án kênh đào Funan Techo từ phía Việt Nam, ông Hun Sen đã kêu gọi chính quyền triển khai dự án càng sớm càng tốt để chấm dứt tranh cãi.

Chính quyền của Thủ tướng Hun Manet cho rằng kênh đào dài 180 km này ‘được người dân Campuchia ủng hộ rộng rãi’ và nó sẽ được khởi công vào cuối năm nay nhằm mở thêm một tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ thủ đô Phnom Penh ra biển mà không cần phải mượn đường qua Việt Nam.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG