Đường dẫn truy cập

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiến triển tới đâu?


Phái đoàn đàm phán về thương mại của Mỹ với Trung Quốc ở Bắc Kinh
Phái đoàn đàm phán về thương mại của Mỹ với Trung Quốc ở Bắc Kinh

Các quan chức Mỹ mong chờ chuyến thăm Washington của nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc trong tháng này – tín hiệu cho thấy các cuộc đàm phán ở cấp cao hơn sẽ diễn ra sau các cuộc đàm phán ở cấp trung tại Bắc Kinh tuần qua trong lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng đạt được thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng.

“Theo ý định hiện nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhiều khả năng sẽ đến gặp chúng ta vào cuối tháng và tôi hy vọng việc đóng cửa chính phủ sẽ không ảnh hưởng chuyện này,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với các phóng viên hôm 11/1 ở Washington.

Những người nắm rõ cuộc đàm phán ở Bắc Kinh cho biết hiện hy vọng đang gia tăng rằng ông Lưu sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Cấp cao hơn, quyết định then chốt

Các cuộc đàm phán ở cấp này được xem là quan trọng trong việc đưa ra các quyết định then chốt để xuống thang cuộc thương chiến đang lan rộng làm gián đoạn dòng giao thương hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đô la và làm cho các thị trường toàn cầu chao đảo.

Tổng thống Trump đã yêu cầu các điều khoản giao thương tốt hơn với Trung Quốc bằng cách áp lực Bắc Kinh giải quyết những vấn đề vốn đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống như ăn cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và các hàng rào phi thuế quan khác.

Hôm 10/1, ông Trump nói Mỹ đạt ‘thành công lớn’ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Ít chi tiết về tiến triển

Đã hơn nửa đường trong giai đoạn hưu chiến 90 ngày mà ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý ở Argentina vào ngày 1/12, vẫn có ít chi tiết được loan báo về các tiến triển.

Ông Trump đã đe dọa tăng thuế lên 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 2/3 nếu Bắc Kinh không có những bước đi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, chấm dứt các chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn và giảm bớt các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa Mỹ.

Thời biểu và hy vọng đầy tham vọng

Thời biểu được xem là rất tham vọng, tuy nhiên việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp đã củng cố hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận.

“Hai phía đã quay trở lại bàn đàm phán. Điều đó rất khích lệ,” ông Myron Brilliant, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, nói với các phóng viên tại một sự kiện hôm 10/1.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10/1 cho biết các cuộc tham vấn bổ sung với Mỹ đang được sắp xếp sau khi các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh xem xét các vấn đề hệ thống và giúp thiết lập nền tảng để giải quyết các quan ngại của Mỹ và Trung Quốc.

Phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong, nói với các phóng viên rằng hai phía ‘nghiêm túc’ và ‘chân thành’.

Khi được hỏi về lập trường của Trung Quốc đối với những vấn đề như chuyển giao công nghệ cưỡng ép, quyền sở hữu trí tuệ, các hàng rào phi thuế quan và tấn công mạng và liệu Trung Quốc có tự tin họ sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ hay không, ông Cao nói rằng những vấn đề này là ‘một phần quan trọng’ trong các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh.

“Đã có tiến triển trong những vấn đề này,” ông nói mà không nêu chi tiết.

Trung Quốc liên tục hạ giảm tầm quan trọng của những khiếu nại về việc Bắc Kinh ăn cắp sở hữu trí tuệ, đồng thời bác những cáo buộc rằng các công ty nước ngoài bị ép phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

‘Thế bế tắc thân thiện’

Bàn bạc về những vấn đề là nội dung bao trùm của cuộc đàm phán, những người nắm rõ cuộc đàm phán ở Washington nói.

Các quan chức Trung Quốc đã ‘lịch sự’ lắng nghe những nỗi bức xúc của Mỹ, họ cho biết, nhưng đáp trả rằng phía Mỹ đã sai về một số vấn đề và hiểu sai về một số vấn đề khác, nhưng có những vấn đề có thể giải quyết.

“Đó là thế bế tắc thân thiện,” Reuters dẫn lời một người nắm rõ nội tình cuộc đàm phán cho biết. Bắc Kinh đã tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ lập trường trên những vấn đề mà họ xem là cốt lõi.

Hôm 9/1, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết các quan chức của hai phía đã bàn thảo ‘những cách để đạt được sự công bằng, có qua có lại và sự cân bằng trong quan hệ thương mại’ và tập trung vào cam kết của Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa nông nghiệp, năng lượng và chế tạo cũng như các sản phẩm và dịch vụ khác của Mỹ’.

Văn phòng này cho biết cho các cuộc đàm phán cũng tập trung vào những phương cách đảm bảo sự thực thi và sự kiểm chứng Trung Quốc có thực hiện những cam kết đưa ra đối với Mỹ hay không.

Những bước đi được thực hiện

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có tiến bộ nhiều hơn trên những vấn đề đơn giản như soạn ra chi tiết về lời cam kết của Trung Quốc là mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ, các nguồn tin cho biết.

Kể từ cuộc gặp Trump-Tập, Trung Quốc đã nối lại việc mua đậu nành của Mỹ. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm sau khi Bắc Kinh áp mức thuế 25% lên hàng hóa Mỹ.

Trung Quốc cũng đã cắt giảm thuế quan đối với xe hơi Mỹ, lùi bước trong kế hoạch phát triển công nghiệp ‘Made in China 2025’ và yêu cầu các nhà lọc dầu trong nước mua thêm nhiều dầu hỏa của Mỹ.

Đầu tuần này, Trung Quốc đã phê chuẩn việc nhập khẩu năm loại nông sản biến đổi gien – động thái đầu tiên trong vòng 18 tháng vốn sẽ tăng sản lượng ngũ cốc nhập khẩu và giảm sức ép của Washington yêu cầu Trung Quốc mở cửa thêm thị trường cho nông sản Mỹ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG