Đường dẫn truy cập

Thế hệ mới xác định lại nghệ thuật Campuchia


Nghệ sĩ Chhim Sothy
Nghệ sĩ Chhim Sothy

Sau gần 14 năm hòa bình, Campuchia đã tiến từ một nước chìm đắm trong chiến tranh qua một trong những điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực. Xung đột cũng đã nhường chỗ cho một công nghiệp sản xuất non trẻ và một nền văn hóa đang nẩy nở thể hiện trong ngành nghệ thuật đang trỗi dậy của Campuchia. Thông tín viên VOA Luke Hunt tại Phnom Penh ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Nghệ thuật Campuchia có thời nổi tiếng nhờ các bản sao chép 2 chiều cứng nhắc ngôi đền Angkor và các cảnh đồng quê đẹp mắt từ thời trước cuộc chiến kéo dài 30 năm. Sau đó là những hình ảnh mô tả sự cực kỳ sợ hãi dưới thời Khmer Đỏ, gây tan hoang cho nền văn hóa cổ truyền và cấm đoán phần lớn các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, ngoại trừ cho các mục đích thuần chính trị.

Trong những năm ngay sau cuộc chiến, gần như không có ngành nghệ thuật trong nước. Ngày nay, các nghệ sĩ cố gắng phản ánh một xã hội bình thường hóa nhanh chóng.

Ông Nico Mesterharm là giám đốc Phòng triển lãm Nghệ thuật Meta House ở Phnom Penh. Ông đến đây từ Đức khi nghệ thuật Campuchia còn được xác định bởi các họa sĩ thương mại chủ yếu chỉ thể hiện các chủ đề cổ truyền.

Ông Mesterharm nói: “Họ cũng nhìn thấy có một sinh hoạt nghệ thuật phong phú ở các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Do đó họ học hỏi từ các nước khác, từ những thành tựu đã xảy diễn ở các nước khác.”

Ông nói sinh hoạt nghệ thuật ở Campuchia bắt đầu thay đổi vào năm 2005, khi có khoảng 25 nghệ sĩ đương đại của Campuchia khởi sự một dự án được gọi là Nghệ Thuật Tạo hình Mở.

Dự án này đã châm ngòi cho sự biến chuyển qua nghệ thuật đương đại đi xa khỏi những bản sao chép các tranh vẽ cảnh thiên nhiên hay các bức chân dung để nhấn mạnh đến phần diễn đạt.

Ông Chhim Sothy là một trong các nghệ sĩ mới này. Các bức tranh của ông đã bán được tới 3.000 đôla một bức và đã được triển lãm ở khắp châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

Ông nói những hành động tàn ác của Khmer Đỏ đã chiếm ngự các tác phẩm đầu tay của ông trong khi tôn giáo, nhất là Phật giáo, cũng có các ảnh hưởng quan trọng. Nhưng nay ông đi tìm các nguồn cảm hứng khác.

Ông Sothy cho biết: “Các tác phẩm hội họa mà tôi thích nhất, là nghệ thuật đương đại hay trừu tượng như Picasoo, William Kooning, Gauguin hay Van Gogh, tôi thích thể loại này. Nay tôi thay đổi nhiều, tôi vẽ về gia đình, về những người quanh tôi, đôi khi trừu tượng, đôi khi nghĩ về đời sống thực tế. Tôi rất hài lòng bởi vì tôi đã mở mang rất nhiều.”

Ông Chhim Sothy dùng dầu trên khung vải, nhiều sắc xanh lá cây, xanh da trời và những vệt đỏ trong các bức họa khỏa thân có liên quan đến đời sống gia đình ở đô thi nhiều hơn là gợi tình. Mẹ con là những chủ đề thường xuyên trong tác phẩm của ông còn pha trộn các nhân vật thần thoại của những bài thơ Aán giáo với người đàn ông trong vai trò thám hiểm đời sống.

Đó là một bước tiến rất xa so với Viện Văn hóa và Nghệ thuật nơi đa số các họa sĩ trong nước được đào tạo về hội họa cơ bản. Đó cũng khác xa với những ngày mà ông bán các tranh vẽ cho du khách với giá vài đôla.

Ông Sothy nói: “Có một thời gian tôi pha trộn, phối hợp hội họa cổ điển với hội họa đương thời. Nay các bức tranh của tôi rất đắt tiền bởi vì nó là một sáng tác mới mẻ, nó là ý kiến riêng của tôi.”

Sự phục hưng và hòa nhập hội họa cổ điển địa phương với ảnh hưởng đương đại bên ngoài đang làm thay đổi khung cảnh văn hóa. Người ta cũng chứng kiến một sự thức tỉnh trong phim ảnh, vũ và nhạc.

Nhưng ông Mesterharm nói vẫn còn những vấn đề gây khó chịu có liên quan đến nghệ thuật địa phương, có xu hướng chỉ mô tả những gì được coi là đẹp. Các họa dĩ vẫn không muốn tập trung và các vấn đề xã hội trong một nước còn đầy rẫy nghèo khó và tham nhũng.

Ông Mesterharm nói: “Phần lớn những người làm nghệ thuật là những người rất linh hoạt tìm cách sử dụng các chất liệu khác nhau. Họ làm việc trong các lãnh vực điêu khắc, hội họa và nhiếp ảnh. Họ cũng tìm cách làm một cái gì đó mang đặc điểm Campuchia. Họ cố gắng đi tìm bản sắc riêng. Chỉ làm như thế họ mới tìm ra được thị trường bởi vì đây là điều mà ngành nghệ thuật ở đây cần có là một thị trường địa phương và một thị trường quốc tế.”

Trong khi ngành hội họa Campuchia đi tìm sự công nhận rộng rãi hơn thì những người ủng hộ nói rằng các họa sĩ địa phương đã tiến một bước xa, xét về cách thức họ đang cố gắng khắc phục 30 năm chiến tranh và Khmer Đỏ đã tiêu diệt văn hóa và nghệ thuật Campuchia trong nhiều thập niên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG