Trong một tuyên bố được đọc trên truyền hình nhà nước, người phát ngôn của ông Gbagbo Ahoua Don Mello nói rằng bộ trưởng ngoại giao bãi bỏ qui chế ngoại giao của hai người này theo qui định về trao đổi ngoại giao vì các chính phủ Canada và Anh nói rằng họ không công nhận các phái viên ngoại giao của ông Gbagbo.
Nhưng bởi lẽ những chính phủ này không công nhận thẩm quyền của ông Gbagbo, cho nên họ cũng không công nhận lệnh trục xuất này.
Bộ Ngoại giao Anh ở London nói rằng chính phủ Anh không chấp nhận giá trị của mọi tuyên bố của bất kỳ người nào ngoại trừ người được quốc tế công nhận đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 là thủ tướng Alassane Ouattara.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Lawrence Cannon thì nói rằng Canada không công nhận tuyên bố đại diện chính phủ của ông Gbagbo, và vì thế đề nghị trục xuất đại sứ Massip là không hợp pháp.
Vụ giằng co ngoại giao đe dọa sẽ càng làm ông Gbagbo bị cô lập thêm sau khi Hoa Kỳ phong tỏa tài sản của ông và cấm các công dân Mỹ không được làm ăn với ông Gbagbo và các cộng sự của ông.
Cộng đồng kinh tế Tây Phi nói rằng ông Gbagbo phải trao quyền cho ông Ouattara nếu không họ sẽ sử dụng biện pháp quân sự để lật đổ ông.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã dẫn đầu nỗ lực khu vực này, bác bỏ bất cứ thỏa thuận chia quyền nào giữa hai đối thủ vì liên minh chỉ công nhận duy nhất ông Ouattara là tổng thống đắc cử hợp pháp của Côte d'Ivoire.
Tuy nhiên sự nhất trí trong lập trường của khu vực đã bị suy yếu ngày hôm nay khi Tổng thống Ghana John Atta Mills nói rằng nước ông sẽ không đứng về phía nào trong cuộc khủng hoảng, và không tin rằng việc sử dụng vũ lực sẽ giải quyết được vấn đề.
Đương kim tổng thống Gbagbo nói rằng đại sứ Canada Isabelle Massip và đại sứ Anh Nicholas James không còn được hoan nghênh ở Coâte d’Ivoire.