Hoa Kỳ mong Ấn Độ nắm giữ một vai trò quan trọng ở Á châu

Ông Ben Rhodes nói Tổng thống Obama hoan nghênh chủ trương “Hướng Đông” của Ấn Độ

Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc mới đây cho biết Tổng thống Barack Obama hoan nghênh chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và mong muốn quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới này nắm giữ một vai trò quan trọng trong khu vực Á châu Thái bình dương. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết như thế vài ngày sau khi Ấn Độ bác bỏ sự chống đối của Trung Quốc đối với sự hiện diện của họ ở Biển Đông.

Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc mới đây cho biết Hoa Kỳ ủng hộ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, giữa lúc New Dehli và Bắc Kinh tiếp tục tranh cãi về sự hợp tác giữa Ấn Độ với Việt Nam trong lãnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22 tháng 11 ở Washington, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách Thông tin Chiến lược, cho biết Tổng thống Barack Obama hoan nghênh chủ trương “Nhìn về hướng Đông” (Look East) của Ấn Độ và mong muốn New Dehli nắm giữ một vai trò quan trọng trong khu vực Á châu Thái bình dương. Ông nói:

"Chúng tôi tin rằng cũng giống như Hoa Kỳ sẽ gắn bó sâu đậm với tương lai của Đông Á trong tư cách một cường quốc Thái Bình Dương, Ấn Độ cũng nên gắn bó như vậy với tư cách của một cường quốc Ấn Độ Dương và một nước Á châu."

Ông Rhodes cho hay tại cuộc họp song phương bên lề hội nghị Đông Á, Tổng thống Obama và Thủ tướng Manmohan Singh đã thảo luận về cam kết đối với khu vực Á châu Thái Bình Dương và những nguyên tắc mà đôi bên cùng chia sẻ về các vấn đề như an ninh hải dương, ngăn chận nạn phổ biến hạt nhân và cứu trợ thiên tai. Ông nói thêm như sau:

"Vì vậy chúng tôi rất muốn Ấn Độ nắm giữ một vai trò quan trọng trong khu vực, và thật tình mà nói, đó chính là một phần của lý do đã khiến chúng tôi cố gắng hết sức để làm cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trở thành một nơi để tiến hành những cuộc thảo luận cấp chiến lược bên cạnh những cuộc thảo luận về các vấn đề kinh tế."

Một ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á khai mạc trên đảo Bali của Indonesia, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã công khai phản đối ý định đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào nghị trình thảo luận và cảnh báo những nước mà ông gọi là “các thế lực bên ngoài” không được “tìm cớ để can dự” vào vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước vùng Đông Nam Á.

Sự phản đối của Trung Quốc rõ ràng là đã không có hiệu quả gì cả, và trong số 18 nước tham gia hội nghị này chỉ có Campuchia và Miến Điện là hai nước đã không bày tỏ sự quan tâm về vấn đề an ninh hải dương ở Biển Đông. Về việc này, ông Rhodes phát biểu như sau:

"Chúng tôi đã có thể có một cuộc thảo luận sinh động về an ninh hải dương nói chung, và an ninh hải dương ở Biển Đông nói riêng, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Đông Á. Tại đây, chúng tôi đã tái khẳng định, cùng với các nước khác, cam kết của chúng tôi là không có đòi hỏi quyền lợi ở Biển Đông, mà chỉ muốn những đòi hỏi chủ quyền được giải quyết theo tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết xung đột một cách hòa bình, và luồng thương mại tự do. Đó là một dịp quan trọng để xây dựng một sự đồng thuận nào đó về một vấn đề khu vực rất quan trọng."

Lâu nay Trung Quốc vẫn nhất mực cho rằng vụ tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết bằng đường lối đàm phán song phương, trong khi Việt Nam, Philippines và các nước liên hệ trong vụ tranh chấp này nói rằng đàm phán đa phương là phương cách duy nhất để giải quyết vấn đề.

Hoa Kỳ cũng công khai ủng hộ cho lập trường đàm phán đa phương. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm 19 tháng 11 trên đảo Bali, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa kỳ Tom Donilon đã tái khẳng định lập trường của Washington đối với vấn đề này như sau:

"Hoa Kỳ có một quyền lợi trong sự tự do hàng hải, luồng thương mại tự do, giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp. Chúng tôi không có tuyên bố chủ quyền, chúng tôi không nghiêng về bên nào trong các bên đòi chủ quyền, nhưng với tư cách là một cường quốc hải dương toàn cầu, chúng tôi muốn thấy những nguyên tắc này được áp dụng một cách rộng khắp."

Khi được hỏi phải chăng lập trường của Washington về vấn đề Biển Đông và những hành động mới đây của Hoa Kỳ trong chuyến du hành 9 ngày của Tổng thống Obama đến Á châu là nhắm tới mục tiêu “bao vây Trung Quốc”, ông Rhodes đã phủ nhận tố cáo đó và nói thêm như sau:

"Và thật tình mà nói, sự ổn định mà Hoa Kỳ góp phần mang lại đã phần nào giúp cho Trung Quốc có thể phát triển một cách thành công và trong hòa bình. Vì vậy cho nên xét về nhiều khía cạnh thì Trung Quốc cũng có quyền lợi và nghĩa vụ đối với sự ổn định đó."

Những phát biểu vừa kể của Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã được đưa ra vài ngày sau khi Ấn Độ bác bỏ sự chống đối của Trung Quốc đối với sự hiện diện của họ ở Biển Đông.

Theo tường thuật của tờ The Times of India, trong cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kéo dài gần 1 giờ đồng hồ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hôm 19 tháng 11, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nói một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết rằng “các vấn đề chủ quyền phải được giải quyết dựa theo luật pháp và tập quán quốc tế.”

New Dehli đã bị Bắc Kinh chỉ trích khá kịch liệt trong thời gian gần đây vì một thỏa thuận khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông, được ký kết nhân chuyến công du của Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi trung tuần tháng 10.

Thông cáo chung Việt-Ấn công bố trong chuyến viếng thăm đó nêu rõ “những vụ tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các phương tiện hòa bình dựa theo các nguyên tắc được mọi nước thừa nhận của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố năm 2002 của ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.”

Bên cạnh việc đối mặt với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ mà Bắc Kinh xem là can dự vào tình hình Đông Á, Trung Quốc còn gặp phải một sự thách thức ngầm của chính phủ ở Tokyo trong các cuộc họp ở Bali.

Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho biết ngày 18 tháng 11 Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á trị giá 25 tỉ đô la và đề nghị tổ chức một diễn đàn đa phương để thảo luận về sự hợp tác hải dương trên khắp Á châu, qui tụ các giới chức chính phủ của các nước tham gia Thượng đỉnh Đông Á và những chuyên gia thuộc khu vực tư.

Trong thông cáo chung sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng nói rằng họ sẽ “thúc đẩy và làm sâu sắc thêm sự hợp tác ASEAN-Nhật Bản về an ninh hải dương và an toàn hải dương trong khu vực, dựa theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế được mọi người chấp nhận.”