Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Xung đột giữa chính phủ và ủy ban dự thảo hiến pháp


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đọc bảng báo cáo hàng năm của chính phủ quân phiệt ở Bangkok, Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đọc bảng báo cáo hàng năm của chính phủ quân phiệt ở Bangkok, Thái Lan.

Chính phủ quân nhân Thái Lan và ủy ban dự thảo hiến pháp đang ở trong thế giằng co sau khi nội các kêu gọi một hiến chương mới bao gồm một thượng viện không do dân bầu và một vị thủ tướng được bổ nhiệm trong một thời kỳ chuyển tiếp 5 năm. Các đề nghị của chính phủ đã châm ngòi cho những phản ứng gay gắt từ phía các chính đảng lớn, giữa những lời cảnh báo về xung đột có thể xảy ra nếu các đề nghị được bao gồm trong hiến chương mới.

Dự thảo của ủy ban cho phép bầu ra một Hạ viện với 500 đại biểu. Một thượng viện 200 đại biểu sẽ do các nhóm lợi ích và các tổ chức bầu ra.

Nhưng các đề nghị của chính phủ kêu gọi một Thượng viện với 250 thành viên được bổ nhiệm, kể cả những ghế dành riêng cho bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh tối cao và tư lệnh lục quân, hải quân và không quân, cùng với người đứng đầu cảnh sát.

Phó thủ tướng Thái, ông Prawit Wonguswon, nói đề nghị của quân đội nhắm mục đích ngăn chặn một cuộc đảo chính, chứ không phải là biện pháp chống lại Hạ viện dân cử. Nhưng các chuyên gia và chính trị gia thuộc các chính đảng lớn của Thái Lan đã chỉ trích và nói rằng những biện pháp như thế sẽ làm suy yếu các chính đảng và gây phương hại cho thể chế dân chủ.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về cải cách hiến pháp, bà Siripan Nogsuan Sawasdee, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn, nói rằng những đề nghị như thế sẽ gây phương hại cho chính phủ dân cử.

Bà Nogsuan nói: "Nếu có những cuộc bầu cử sau khi hiến pháp này được thông qua, thì các cơ chế chính trị dân cử sẽ bị tê liệt và lu mờ trước những tổ chức không do dân cử. Khi chúng ta thiết lập các cơ chế vi phạm những nguyên tắc cơ bản về hiến pháp, như cho phép có một thủ tướng không do dân cử, thì chúng ta đặt nền tảng cho các quyết định độc đoán. Đó là điểm rất nhạy cảm đối với tôi."

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan. (Ảnh tư liệu)
Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan. (Ảnh tư liệu)

Quân đội đã nói rằng những đề nghị là cần thiết để quảng bá cho sự ổn định chính trị sau nhiều năm xáo trộn phần lớn giữa những người ủng hộ và những người chống đối cựu thủ tướng theo chủ trương dân túy Thaksin Shinawat, đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và nay đang tự ý sống lưu vong để né tránh án tù.

Ông Norachit Sinhaseni, phát ngôn viên của ủy ban dự thảo, không ngả về các đề nghị của nội các, nhưng nói rằng dự thảo của ủy ban nhắm mục đích chấm dứt những đợt tấn công gây bất ổn chính trị.

Ông Sinhanesi cho biết: "Tôi nghĩ nguyên tắc rất rõ ràng. Làm thế nào chúng ta có thể đưa Thái Lan trở lại thể chế dân chủ, lánh xa xung đột, đối đầu và bạo lực, những cuộc biểu tình trên đường phố và như đã nói, làm thế nào ta diệt trừ được tham nhũng và đương nhiên là đem lại cho dân chúng quyền được bầu ra người đại diện cho mình. Tôi có thể nói, các rủi ro là rất cao. Nếu chúng ta thành công thì chúng ta sẽ có một thời gian trở lại tình trạng bình thường. Nếu thất bại tôi nghĩ là triển vọng đối đầu giữa các phe nhóm sẽ rất cao."

Ông Ake Tangsupvattana, khoa trưởng khoa học chính trị tại trường đại học Chulalongkorn nói dự thảo hiến chương của ủy ban có thể đem lại các phương tiện để đưa Thái Lan vượt qua những vụ xung đột chính trị trước đây.

Ông Tangsupvattana phát biểu: "Đường hướng tương lai sẽ ra sao? Liệu chúng ta có trở lại tình trạng bán dân chủ hay đây chi là một bản hiến pháp thích hợp với bối cảnh ngày nay của Thái Lan và rồi đưa Thái Lan vượt qua xung đột chính trị và có thể nhìn một cách tích cực hơn – đưa Thái Lan trở thành một xã hội dân chủ hơn."

Ông Ake trông đợi các cuộc thương nghị giữa nội các và ủy ban sẽ tìm ra một thỏa hiệp trước ngày 29 tháng 3 là kỳ hạn để đưa văn kiện qua nội các.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban chào đám đông khi ông dẫn dắt người biểu tình chống chính phủ diễu hành qua khu tài chính của Bangkok. (Ảnh tư liệu)
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban chào đám đông khi ông dẫn dắt người biểu tình chống chính phủ diễu hành qua khu tài chính của Bangkok. (Ảnh tư liệu)

Việc chuyển đổi sức mạnh chính trị của Thái Lan diễn ra vào một thời kỳ nhạy cảm với nhà vua Thái 88 tuổi là quốc vương Bhumpipol Aduluadej đang đau yếu. Con trai và người thừa kế ông là Maha Vajirlongkorn chưa đạt được mức độ tôn kính dành cho thân phụ, người đã tại vị trên ngai vàng hơn 60 năm và là nhà vua trị vì lâu năm nhất thế giới.

Dự thảo hiến pháp hiện thời của Thái Lan sẽ là bản hiến chương thứ 20 – nếu được thông qua trong cuộc trưng cầu ý kiến vào cuối năm nay – được chấp thuận kể từ khi nước này trở thành một nước quân chủ lập hiến vào năm 1932.

Bản dự thảo mới nhất này là bản thứ hai kể từ quân đội lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào tháng 5 năm 2014. Một phiên bản trước đó đã bị bác tại quốc hội hồi năm ngoái.

Một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới được hoạch định vào ngày 7 tháng 8. Nhưng các nhà phân tích nói nếu dự thảo hiến chương bị bác, thì quân đội sẽ đề xuất văn kiện riêng của họ mà không đi qua một ủy ban dự thảo hay một cuộc trưng cầu dân ý.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG