Đường dẫn truy cập

Xạ thủ giành huy chương vàng nói về tranh cãi về kiểm soát súng ảnh hưởng đến bộ môn bắn súng


Xạ thủ Mỹ Ginny Thrasher, nữ vận động viên 19 tuổi thi bắn súng trường hơi, đã giành huy chương vàng ở Rio, ngày 6 tháng 8 năm 2016.
Xạ thủ Mỹ Ginny Thrasher, nữ vận động viên 19 tuổi thi bắn súng trường hơi, đã giành huy chương vàng ở Rio, ngày 6 tháng 8 năm 2016.

Xạ thủ Mỹ Ginny Thrasher, nữ vận động viên 19 tuổi thi bắn súng trường hơi, đã giành huy chương vàng – chiếc đầu tiên trong Thế vận hội Mùa hè 2016.

Nhưng trong khi vui mừng, Thrasher cũng nói về những tranh cãi về kiểm soát súng ở Mỹ và điều đó đã ảnh hưởng đến môn bắn súng ra sao.

Thrasher nói: "Một số tranh cãi về luật đối với súng đạn ở Mỹ gây mất tập trung đối với môn thể thao của chúng tôi, vốn rất là khác ... Tôi đã cố tập trung vào các cuộc thi đấu".

Cô đã trả lời các phóng viên hôm 6/8 khi được hỏi về vấn đề nóng, quan trọng đối với nhiều người Mỹ - đặc biệt là trong năm bầu cử này.

Theo USA Today Sports, môn bắn súng đã trở thành nạn nhân trong cuộc tranh luận về các quyền đối với súng đạn. Đầu tuần này, người sáu lần thi đấu Olympic Kim Rhode đã nói về các luật mới ở California, nơi chị cư trú, đã ảnh hưởng đến việc huấn luyện của chị ra sao.

Theo tin của The Guardian, chị nói tại Rio, nơi chị cũng đang tham gia thi đấu: "Có sáu luật đã được thông qua tại California sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tôi. Ví dụ, một trong số đó là luật về đạn dược. Tôi bắn 500 đến 1000 viên một ngày, tôi phải qua cuộc kiểm tra hồ sơ mỗi lần tôi mua đạn hoặc khi tôi mang đạn đi tham gia một cuộc thi đấu. Điều đó rất, rất khó khăn đối với tôi".

Tại bang California ở miền tây, Thống đốc Jerry Brown mới đây đã ký một gói các đạo luật bổ sung vào danh sách gồm một số luật lệ chặt chẽ nhất trong cả nước. Trong đó, một luật mới đòi hỏi người mua đạn dược phải qua kiểm tra lý lịch.

Các quyền kiểm soát súng là một trong nhiều vấn đề cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hàng đầu trong cuộc chạy đua năm 2016, bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Bà Clinton, người tìm cách trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, nói bà ủng hộ quyền của một cá nhân được sở hữu súng, nhưng bà đã kêu gọi cần có các hạn chế đối với việc bán súng mới để ngăn chặn các vụ bắn người hàng loạt. Bà ủng hộ việc chấm dứt sự miễn trừ dành cho các nhà sản xuất súng đối với các vụ kiện của người nhà những người bị giết bởi bạo lực súng đạn.

Ông Trump đã lớn tiếng hơn nhiều về việc ủng hộ Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ - được thông qua vào năm 1791 - trong đó viết: "Một Lực lượng dân quân có những quy định rõ ràng, rất cần thiết đối với an ninh của một Nhà nước tự do, quyền của người dân đươc giữ và mang vũ khí, là những điều không được vi phạm".

Trong những quyết định riêng rẽ với tỷ lệ 5-4 cách đây vài năm, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng Tu chính án thứ hai bảo vệ quyền của một cá nhân được sở hữu súng, và áp dụng đối với các luật kiểm soát súng của bang và địa phương.

Mỹ nhìn chung có tỷ lệ sở hữu súng trên đầu người cao nhất thế giới, cùng với đó là tỷ lệ tử vong cao nhất do bắn súng.

Tuy quyền sở hữu súng là một phần trong Hiến pháp của đất nước, song cũng có một số giới hạn như người ta phải qua kiểm tra lý lịch trước khi mua một khẩu súng.

Một cuộc khảo sát của GenFoward với 1940 người lớn được tiến hành hồi tháng 7 cho thấy khoảng 9/10 thanh niên ủng hộ kiểm tra tiền án tiền sự đối với tất cả các cuộc các mua súng. Hơn một nửa số người được phỏng vấn, 57%, ủng hộ một lệnh cấm vũ khí bán tự động.

Trong số những người được phỏng vấn, 59% tin rằng việc sở hữu khẩu súng có thể bảo vệ người ta để không bị trở thành nạn nhân của tội ác.

Xạ thủ Thrasher sẽ trở lại Đại học West Virginia tuần tới. Hiện cô vẫn tập trung vào cuộc thi đấu.

Cô nói: "Đối với tôi, khởi đầu Rio 2016 với một huy chương vàng cho nước Mỹ làm tôi vô cùng tự hào. Khi mới nửa chặng đường, tôi bắt đầu nhận ra đó có thể là một khả năng thực sự nhưng tôi đã nhanh chóng đẩy suy nghĩ đó ra khỏi tâm trí".

VOA Express

XS
SM
MD
LG