Khi Fatima, một phụ nữ sống tại miền quê Liberia, không thể đi chợ mua thức ăn để nấu bữa cơm chiều cho gia đình, bà bị người chồng về nhà hành hạ tàn nhẫn.
Ông ta lấy con dao làm bếp mà Fatima thường dùng để cắt rau, và cắt đứt 3 ngón tay nơi bàn tay trái vợ. Lý do Fatima không thể đi chợ mua thức ăn là vì người chồng đã không chịu đưa tiền cho bà.
Theo Ủy Ban Tiếp Cứu Quốc tế, IRC, câu chuyện của Fatima chỉ là một trong nhiều trường hợp bạo hành nghiêm trọng trong gia đình, cả thể chất lẫn tinh thần, mà những phụ nữ sống trong những xứ hậu chiến tranh tại Tây Phi phải gánh chịu.
Một phúc trình mới của IRC giải thích, xung đột không chấm dứt sau khi cuộc chiến chấm dứt, trái lại nó thường tiếp diễn đằng sau những cánh cửa đóng kín tại những cộng đồng và gia đình, nơi phụ nữ phải gánh chịu tình trạng căng thẳng sau chiến tranh. IRC gọi tình trạng bạo động này “lan tỏa khắp nơi, và ở mức báo động khủng khiếp.”
Bà Heidi Lehmann, giám đốc các chương trình bảo vệ và tiếp sức mạnh cho phụ nữ của IRC nói:
“Xung đột gia tăng hiểm họa bị bạo hành cho phụ nữ dưới mọi hình thức. Bạo hành trong gia đình trong bối cảnh chiến tranh và hậu chiến và nói rõ hơn, sự im lặng bao quanh nó là điều đáng ngạc nhiên, nếu chúng ta hiểu được tính phổ biến của nó. Điều chúng ta nhìn thấy trong thời chiến là, bạo động trước kia rất riêng tư thường trở thành công khai.”
Bà Lehmann nói phụ nữ thường báo cáo về những vụ họ bị đàn áp về tinh thần song song với những hành vi bạo động. Bà Lehmann cho biết đồng tiền thường được sử dụng để sai khiến phụ nữ và ngăn họ rời bỏ những người chồng vũ phu.
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ bị kẹt trong những cuộc hôn nhân khổ sở và không đủ phương tiện tài chánh để đối phó với người chồng, hoặc tìm giúp đỡ về tâm lý hoặc y tế.
Ông George Rupp, chủ tịch IRC, nói bạo hành trong gia đình tại những cộng đồng hậu chiến, thường xảy ra sau những cuộc chiến có tính sắc tộc hay giữa những nhóm phiến quân thường dùng chiến thuật gây sợ hãi để đe dọa các cộng đồng đối phương.
Ông nói điều thiết yếu là phải tập trung vào tình trạng bạo động sau chiến tranh, và cần phải đề ra những chương trình căn cứ trên những giải pháp cho các phụ nữ nạn nhân của tình trạng bạo hành.
Sierra Leone mới đây đã thông qua một đạo luật coi bạo hành trong gia đình là một tội hình sự, được bà Lehmann cho là một điều hứa hẹn. Nhưng bà cũng nói thêm, điều quan trọng là đạo luật phải được áp dụng.
Bà Lehmann còn ngỏ ý hy vọng rằng các nước khác, gồm cả Liberia, sẽ theo chân Sierra Leone.
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế IRC cho biết phụ nữ Tây Phi đang gặp nguy cơ lớn hơn bị hành hạ trong nhà, sau những cuộc chiến tranh. Nhóm này cho biết những hành hạ thể chất và tinh thần gây ảnh hưởng tai hại cho phụ nữ tại những nước, nơi những vết thương do các cuộc xung đột chính trị gây ra, vẫn chưa lành hẳn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận hợp tác với Việt Nam trở nên sâu sắc hơn
2Nguồn tin: Việt Nam, Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận đường sắt khi Thủ tướng Lý Cường đến Hà Nội
3Ứng dụng bán hàng Temu của Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trong khi bị Indonesia cấm
4Indonesia đề nghị Apple, Google chặn Temu của TQ để bảo vệ những nhà kinh doanh nhỏ lẻ
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!