Đường dẫn truy cập

Vượt qua cơn bão cùng nhau!


Trần An-Bee


Những tháng đầu năm 2020, đại dịch vi rút Corona đã đưa thế giới, đất nước, cộng đồng và làng xã v.v đến một bước ngoặt khiến tất cả mọi người phải suy nghĩ và hành động không phải chỉ vì bản thân mình, không phải chỉ vì riêng gia đình mình và đất nước mình nữa, mà là sống và hành động vì lợi ích của toàn thể.

Hơn một lần tôi nghe ban lãnh đạo và các đồng nghiệp của tôi nói: Đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua nó và không một ai trong các bạn sẽ bị bỏ rơi.

Họ nói “chúng ta sẽ cùng nhau”chứ không phải là bạn phải một mình vượt qua những khó khăn đó, hay một mình ban lãnh đạo sẽ lèo lái con thuyền của tập thể này vượt qua cơn bão. Mỗi người, từng người và tất cả chúng ta sẽ cùng nhau và vì nhau.

Thông điệp “Tôi ở nhà vì bạn; Bạn ở nhà vì chúng ta”; hay “Tôi ở lại nơi làm việc vì bạn; Bạn ở nhà vì chúng tôi”- quả thật đã giải thích ý nghĩa của tính nhân văn vì nhau và cho nhau này.

Chỉ cần nhìn vào cơn khủng hoảng mà cả thế giới đang đối mặt và cái cách mà chúng ta đang loay hoay một cách khó khăn để dành lấy sự sống và bảo vệ sự sống, mới thấy rằng có một sự liên quan mật thiết giữa môi trường, văn hoá, kinh tế, chính trị với sự sống còn của chúng ta, của muôn loài và của trái đất. Các chuẩn mực để đối thoại và để truyền thông hay tuyên truyền đã có nhiều sự thay đổi. Từ khắp nơi, mọi người nói về hai từ “khoảng cách”. Điều đó bao gồm cả khoảng cách vật lý giữa người với người, khoảng cách không gian trong học thuật, trong kinh doanh và trong mọi mối liên hệ khác. Tất cả mọi người đều phải đang học cách để trao đổi, để hợp tác, để tổ chức. Tất cả mọi người, mọi tổ chức đang phải học cách để đáp ứng, học cách để trả lời, để làm việc và để tiếp tục duy trì cuộc sống, duy trì sự vận hành của tất cả mọi vấn đề từ tinh thần đến vật chất. Tất cả đều phải học, phải mày mò, tìm kiếm. Dịch bệnh này, sự khủng hoảng này quá mới với tất cả chúng ta.

Sự thay đổi này là một thách thức, nó có ý nghiã gì hay đem lại bài học gì cho ta? Nó ảnh hưởng đến thế giới và đến từng người ra sao trong những năm tiếp theo, hoặc sau khi cơn đại dịch qua đi? Đó là những câu hỏi mà tất cả chúng ta không ai có câu trả lời chính xác.

Mỗi ngày đi qua, đọc tin tức, trao đổi với đồng nghiệp, chuẩn bị kế hoạch A, B, C cho những tháng ngày sắp tới khi không có gì là chắc chắn, mới thấy cơn đại dịch này nguy hiểm và thật đáng sợ. Đây là một thời điểm mà tất cả mọi người đều phải trải nghiệm những bài luyện tập về sức khoẻ tinh thần và thể chất cho mình, để nghĩ về cuộc sống sau khi tất cả những khó khăn này qua đi. Trong mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách của cuộc sống, tất cả đều có sự thay đổi lớn, đều trải nghiệm sự không chắc chắn và không thể hay khó có thể kiểm soát.

“Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua cơn bão này”! Đây chính là giá trị nhân văn mà những đất nước có nền dân chủ thực sự đã và đang áp dụng. Cơn đại dịch quả là nguy hiểm và đáng sợ nhưng khi áp dụng tinh thần dân chủ nhân văn này, hình như các nước có nền dân chủ, tôn trọng nhân quyền vẫn thấy vững một niềm tin cho ngày mai.

Với kinh nghiệm bản thân khi cùng các đồng nghiệp xây dựng các chương trình, kế hoạch giảng dạy và hướng dẫn học sinh, cùng phụ huynh phân tích thông tin, tổ chức lịch làm việc, tổ chức cuộc sống và việc học hành hiện tại cũng như trong tương lai sắp tới, tôi nghiệm ra những ý nghĩa đàng sau câu nói “chúng ta cùng nhau…” là gì.

Để có thể giúp một cộng đồng nhà trường bao gồm giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh hiểu và hợp tác cùng nhau, chương trình giáo dục, phải nhìn vào tất cả các bộ môn và các hoạt động liên quan để có một sự tổ chức hợp lý. Chương trình phải tạo ra những cơ hội để giúp mọi người được thảo luận về những đề tài và sự kiện đang là thời sự. Mọi người đều được đảm bảo không bị xét đoán đúng sai hay dở, được thấy mình an toàn và được tôn trọng khi chia sẻ thông tin, kiến thức. Không có chuyện giấu diếm thông tin, che đậy kiến thức ở đây.

Phải chân nhận rằng những buổi họp, những bài học và những cuộc thảo luận về giá trị đạo đức liên quan đến các vấn đề hành xử và thái độ sống của mọi người trong xã hội trước sự khủng hoảng hiện nay, đã giúp các em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 có những nhận xét sâu sắc, đưa đến sự điều chỉnh hành vi và thái độ sống của mình một cách hợp lý hơn. Những buổi họp trực tiếp hay gián tiếp qua mạng đều cho phép người tham dự nhìn lại, suy nghĩ và chia sẻ cảm nhận, suy tư và kinh nghiệm cá nhân về lòng biết ơn, sự cảm thông và lòng quảng đại. Mọi thành viên đều được tham gia đóng góp phần mình vào các quyết định và có trách nhiệm gánh vác cùng nhau. Ban lãnh đạo luôn cho thấy họ không bao giờ quyết định điều gì mà không nghĩ đến tập thể và nghĩ đến từng người. Họ cũng không bao giờ làm việc một mình, họ luôn tôn trọng các ý kiến và họ cũng thẳng thắn trao đổi thông tin, giao trách nhiệm và tin tưởng, đồng hành cùng từng cá nhân trong tập thể để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất. Các cá nhân trong tập thể cũng thế, họ biết rằng bên cạnh họ luôn có bạn A, bạn B và cả tập thể hỗ trợ. Các cá nhân đều biết rằng họ rất quan trọng đối với tập thể. Từng người và tất cả cùng “on the same page” – cùng đối diện với vấn đề và cùng nhau giải quyết.

Đó là nói đến một tổ chức nhà trường. Khi nhắc đến các quốc gia cũng thế. Dù con số người nhiễm bệnh có nói lên sự bi thảm đến thế nào, thì các nước Mỹ, Úc, Đức, Ý và Nhật v.v vẫn là những nước hùng mạnh, vĩ đại và tuyệt vời. Trên các phương tiện truyền thông, người ta vẫn gọi tên các nước ấy với sự ngưỡng mộ và trân trọng. Vì ở các nước đó, lãnh đạo và người dân luôn cùng nhau để đương đầu với khó khăn, cùng nhau lựa chọn những quyết định và cách hành xử mang giá trị nhân văn nhất.

Hơn lúc nào hết, để giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia và toàn cầu, những gía trị sống liên quan đến mối liên hệ xã hội được thấy rõ và rất cần được biểu dương. Các giá trị sống được giảng dạy, học tập thông qua vô số những mối tương quan với gia đình, cộng đồng, bạn bè, phương tiện truyền thông, tôn giáo và trường học. Rất nhiều tập thể biến công ty của mình thành nơi sản xuất nước rửa tay đúng chất lượng và phân phát cho người dân. Rất nhiều những nhà hàng dùng thực phẩm trong kho để nấu những bữa ăn miễn phí cho y bác sĩ và cho các người vô gia cư. Cũng có thật nhiều những cá nhân dành tiền túi của mình để chia sẻ những gói mì, chén cơm, tấm áo cho người cần đến nó. Người ta gửi đến nhau những nụ cười, lời nói cảm thông, bài hát ca ngợi và tin nhắn hỏi han, lời đề nghị hỗ trợ nếu bạn cần giúp đỡ. Tính cách mạng của những hành động và thái độ dành cho nhau đầy tình nhân ái này sẽ được nhân rộng, nếu từng người và mọi người đều bớt nghĩ về mình một chút, nhín chút thời gian cá nhân để làm một điều tốt cho ai đó đang cần. Điều đó cũng đúng với ý nghĩa của câu ca dao và truyền thống của người Việt Nam ta: ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’.

Ngày cuối tuần vừa qua, trong buổi họp rút kinh nghiệm và bàn về những việc cần làm trong tuần tới, tất cả tập thể trường tôi cùng nhau giữ khoảng cách hợp lý để tránh lây lan vi rút nếu có. Chúng tôi lại cùng nhau chia sẻ những khó khăn mình gặp khi chuẩn bị và khi giảng dạy từ xa cho học trò. Chúng tôi lại thêm trân trọng hơn tập thể mà mình đang gắn bó, vì chúng tôi được nhắc rằng, “đừng đợi cơn bão qua đi mà hãy học để biết cùng nhau nhảy múa trong mưa” (Steve Rizzo). Chúng tôi không tự mình ngồi chờ cơn bão qua đi. Chúng tôi cùng nhau sáng tạo những điệu nhảy và nhìn cơn bão như là những cơn mưa tắm mát cho nước Úc đang cần nước ngọt này.

Tự do, sáng tạo và đồng tâm. Đó là điều tôi, bạn, chúng ta cần để giúp mối liên hệ xã hội của chúng ta tràn ngập những giá trị sống đáng quý. Để khi cơn bão đi qua, bạn, tôi, chúng ta sẽ trở nên những người mạnh mẽ hơn vì chúng ta mang trong lòng tình nhân ái. Bạn không cô đơn, tôi cũng thế trong trận chiến này. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua cơn bão.

XS
SM
MD
LG