Đường dẫn truy cập

Vụ khủng hoảng Anh trở nên nghiêm trọng hơn


Trang nhất của tờ London Evening Standard đăng tin về vụ Thủ tướng Anh David Cameron từ chức, ngày 24/6/2016.
Trang nhất của tờ London Evening Standard đăng tin về vụ Thủ tướng Anh David Cameron từ chức, ngày 24/6/2016.

Vụ khủng hoảng Anh hôm nay trở nên nghiêm trọng hơn trong lúc các giới chức Anh và Liên hiệp Châu Âu ra sức ứng phó với chấn động của việc cử tri Anh quyết định rời khỏi Liên hiệp Châu Âu, làm cho nước này rơi vào tình trạng mà một số người mô tả là vụ rối ren tệ hại nhất kể từ Thế chiến Thứ hai. Thông tín viên Luiz Ramirez của đài VOA gởi về bài tường thuật từ London.

Với hy vọng giảm thiểu sự bất an vào lúc các thị trường tài chánh mở cửa sáng nay, Bộ trưởng Tài chánh Anh Goerge Osborne đưa ra một thông cáo nói rằng kinh tế Anh trên cơ bản là vững mạnh và nước Anh “tiếp tục mở cửa cho doanh nghiệp.”

Trong những vụ giao dịch sáng nay, các thị trường ở Châu Âu sụt giá, nhưng không sụt mạnh như hôm thứ 6, là ngày mà chỉ số FTSE của thị trường London giảm tới 8% trước khi phục hồi đôi chút để kết thúc ngày giao dịch với mức sút giảm hơn 3%. Tỉ giá đồng bảng Anh sáng nay cũng tiếp tục sút giảm.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến London hôm nay để tìm cách điều giải những sự chia rẽ sâu sắc và bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ.

Ông Kerry có mặt ở Rome hôm chủ nhật để bàn về tiến trình hoà bình Trung Đông đang bị bế tắc và ông đã quyết định vào phút chót là sẽ đến Brussels và London để ứng phó với vụ khủng hoảng Brexit.

Hôm qua, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phát biểu như sau về vụ khủng hoảng này.

"Điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta, trong tư cách là những nhà lãnh đạo, làm việc chung với nhau để mang lại sự liên tục và sự chắc chắn càng nhiều càng tốt để cho thị trường biết được là có những cách thức để giảm thiểu tối đa những sự xáo trộn, có những cách thức để tiến tới một cách khôn khéo nhằm bảo vệ những giá trị và những quyền lợi chung của chúng ta."

Tại lục địa Châu Âu, những yêu cầu của các nước sáng lập Liên hiệp Châu Âu đòi Anh rời khỏi liên hiệp một cách nhanh chóng đã được xoa dịu bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel, là người hô hào cho một sự chia tay có tính chất hoà hoãn và có trật tự. Chánh văn phòng thủ tướng Đức, ông Peter Altmeier, nói “Các chính khách ở London nên dành thời giờ để xem xét lại những hậu quả của quyết định Brexit, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là quyết định Brexit không phải là Brexit.”

Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố đó phát xuất từ những đồn đoán là dân Anh có thể đảo ngược quyết định.

Trên lý thuyết, một sự đảo ngược có thể xảy ra. Lá phiếu hôm thứ 5 tuần trước chỉ hỏi là Anh nên rời khỏi hay nên ở lại trong Liên hiệp Châu Âu, và cuộc đầu phiếu là một biện pháp có tính chất tư vấn và không có tính chất cưỡng hành. Do đó, chính phủ có thể hành động theo ý kiến cử tri mà cũng có thể không hành động. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng có phần chắc là một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ nhì về vấn đề này sẽ không diễn ra.

Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã đạt mức 72%, mức cao nhất trong một cuộc đầu phiếu cấp quốc gia kể từ năm 1992.

Để khởi động tiến trình ra đi và bắt đầu thương thuyết cho cuộc chia tay, chính phủ Anh phải viện tới Điều 50 của Hiệp ước EU. Câu hỏi “Ai sẽ làm chuyện đó và khi nào” vẫn chưa có lời giải đáp trong lúc nước Anh trải qua vụ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên.

Hiện chưa rõ ai sẽ lên nắm quyền và khởi động tiến trình Brexit sau khi Thủ tướng David Cameron, thuộc đảng Bảo thủ, từ chức.

Ngày hôm nay, một số người trong đảng Lao động đã yêu cầu lãnh tụ Jeremy Corbyn rút lui sau khi 12 thành viên của nội các trong bóng mờ của ông tuyên bố từ chức.

Những người này cho rằng ông Corbyn đã không tranh thủ sự ủng hộ bên trong đảng Lao động để đánh bại chủ trương rời khỏi Liên hiệp Châu Âu.

Ông Stephen Kinnock, dân biểu thuộc đảng Lao động, phát biểu như sau.

"Theo tôi, nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để có một nhiệm quyền mới vào mùa thu năm nay. Câu hỏi lớn nhất mà ông Jeremy Corbyn phải trả lời là ông ấy có thật tâm tin rằng ông là nhà lãnh đạo thích hợp của đảng chúng ta để đưa chúng ta tiến vào cuộc tổng tuyển cử đó hay không, nhất là trong bối cảnh của một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp là điều đình cho việc nước Anh rời Liên hiệp Châu Âu."

Ông Boris Johnson, một trong những nhà lãnh đạo của chiến dịch ủng hộ Brexit.
Ông Boris Johnson, một trong những nhà lãnh đạo của chiến dịch ủng hộ Brexit.

Trong khi đó, một thỉnh nguyện thư yêu cầu tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý đã có được hơn 3 triệu chữ ký. Các nhà phân tích nói rằng điều này hầu như chắc chắn sẽ làm bùng ra một cuộc tranh luận tại quốc hội và gây thêm chia rẽ trong cả hai đảng Bảo thủ và Lao động.

Căng thẳng ở Anh cũng đã trở nên tệ hại hơn vì những báo cáo về hành vi thù hằn nhắm vào người di dân. Sở Cảnh sát London cho biết họ đang điều tra những vụ tấn công “bị cho là có động cơ chủng tộc”, kể cả vụ vẽ bậy trên tường của trung tâm văn hoá Ba Lan trong khu Hammersmith của Tây London.

Một số cư dân cho biết họ tìm thấy trong hộp thư những tấm cạc ghi những từ ngữ xúc phạm người Ba Lan.

Căng thẳng và cảm giác bất an đang ở mức cao trong các cộng đồng người di dân sau cuộc trưng cầu dân ý, vì vấn đề di dân là một vấn đề then chốt thúc đẩy nhiều người bỏ phiếu tán thành đề nghị rời khỏi Liên hiệp Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG