Đường dẫn truy cập

Virus cúm Vũ Hán khơi dậy nạn kỳ thị chống Trung Quốc và người gốc Á  


Cảnh sát thi hành phận sự tại một chốt chặn trên chiếc cầu bắc ngang qua Sông Dương Tử tới Hồ Bắc, Trung Quốc, giữa vụ bộc phát dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới nCoV. REUTERS/Thomas Peter
Cảnh sát thi hành phận sự tại một chốt chặn trên chiếc cầu bắc ngang qua Sông Dương Tử tới Hồ Bắc, Trung Quốc, giữa vụ bộc phát dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới nCoV. REUTERS/Thomas Peter

Dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới nCoV xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã qua mặt dịch SARS năm 2002-2003 về số lượng ca bị lây nhiễm. Tính cho tới Thứ Năm 30/1, đã có 170 người tử vong, hơn 7711 trường hợp lây nhiễm virus corona được xác nhận. Siêu vi đáng sợ này xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hôm 31/12/2019, và đang lây lan khắp nơi.

Những ca lây nhiễm từ người sang người hiện được ghi nhận tại 3 nước gồm: Đức, Nhật Bản và Việt Nam, càng làm tăng lo sợ rằng virus cúm Vũ Hán có thể bùng phát để trở thành một đại dịch toàn cầu.

Ngoài việc gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, virus corona còn gây ra một làn sóng kỳ thị nhắm vào người Trung Quốc trên khắp thế giới, kể cả ở Châu Á.

Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 29/1 tường thuật rằng những thành kiến chống Trung Quốc, những lời chế nhạo lối ẩm thực của người Trung Quốc, truyền nhanh đến chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Bài báo nói rằng thái độ kỳ thị do thiếu hiểu biết không những đáng lên án, mà còn nguy hiểm.

Tờ SCMP tường thuật rằng tại Singapore, vào lúc mọi người tụ tập để chào đón Tết Âm lịch, nhiều lời bàn ra tán vào về thói quen ẩm thực của người Trung Quốc được tung lên mạng, dân mạng chế nhạo rằng “người Tàu ăn bất cứ thứ gì có 4 chân - ngoại trừ cái bàn, và họ ăn tất cả những gì bay được- ngoại trừ máy bay”, họ cho rằng thói quen ẩm thực đó đã tạo điều kiện để phát sinh virus corona ở Vũ Hán.

Rồi có ý kiến trấn an: “Nhưng đừng lo, virus corona sẽ không sống lâu vì nó được “made in China- sản xuất tại Trung Quốc.”

Những lời bông đùa phảng phất tính kỳ thị như vậy dần dà dẫn tới những lời kêu gọi, đòi chính quyền Singapore cấm cửa du khách Trung Quốc.

Một kiến nghị trên trang change.org khởi sự ngày 26/1 đã thu thập được 118.858 chữ ký vào chiều thứ Tư 29/1. Trong số những người ký tên vào kiến nghị kêu gọi chính quyền đặt sức khỏe của dân lên trên đồng tiền, có Ian Ong. Ông này viết: “Chúng ta không phải là những kẻ ăn thịt chuột hay thịt dơi, không nên bắt chúng ta phải chịu đựng vì thói ăn uống của họ.”

Những phát biểu có tính kỳ thị về người dân Hoa Lục và thói ẩm thực của họ diễn ra khắp nơi kể từ khi xuất hiện những ca đầu tiên về viêm phổi đường hô hấp cấp ở tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12 năm 2019.

Việt Nam đã “ngưng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc - trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu”.
Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam ngày 30/1/2020


Tính cho tới sáng thứ Năm 30/1, đã có 170 người tử vong, hơn 7711 trường hợp lây nhiễm virus corona được xác nhận, so với chiều tối hôm trước, 29/1, 132 người tử vong và 6000 người bị lây nhiễm , đa số ở Hoa Lục. Hàng chục người bị lây nhiễm tại các nước khác ở Châu Á, trong đó có 10 người ở Singapore, 7 người ở Malaysia.

Riêng tại Việt Nam, hôm 30/1 Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi dân chúng “đề cao cảnh giác và nêu cao trách nhiệm chống dịch nCoV”.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết Thủ Tướng Phúc đã ra lệnh “ngưng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc - trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu”.

Trước đó, một số nước Á Châu khác trong đó có Philippines, đã ngưng cấp chiếu khán nhập cảnh cho công dân Trung Quốc. Papua New Guinea còn gắt hơn, nước này đóng cửa tất cả các cửa khẩu, cả sân bay lẫn bến tàu, đối với tất cả người ngoại quốc đến từ Châu Á.

Tại Malaysia, nhiều người kêu gọi cấm cửa du khách Trung Quốc, các bình luận trên mạng xã hội còn cho rằng vụ bột phát virus cúm Vũ Hán là để “trời phạt người Tàu về cách đối xử tàn tệ với người Hồi giáo Uighur ở Tân Cương.” Malaysia đã ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc đến từ Hồ Bắc. Tại Nhật Bản, một cửa hiệu treo bảng ghi hàng chữ: “Cấm người Trung Quốc. Tôi không muốn làm lây nhiễm virus”, đã khiến các giới chức ngành du lịch Nhật phải lên tiếng xin lỗi.

Tại Singapore, từ trưa ngày 29/1 chính quyền ngưng cấp visa cho các du khách đã từng ghé tỉnh Hồ Bắc trong 14 ngày qua, hay những người mang hộ chiếu do tỉnh Hồ Bắc cấp. Chính phủ Singapore nói lệnh cấm du hành là do xu hướng toàn cầu cho thấy đa số các ca lây nhiễm đều có liên quan tới những người đã từng đến tỉnh Hồ Bắc, và chính phủ muốn giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm lan rộng ở Singapore.

Tại Châu Âu, những người Á Châu, dù không phải người Trung Quốc và chưa từng đặt chân lên đất Trung Quốc, trở thành mục tiêu bị kỳ thị công khai. Trong số các nạn nhân bị kỳ thị, có người Việt Nam.

Trên trang Facebook, anh Sơn Lâm, môt sinh viên Pháp gốc Việt, nói nạn kỳ thị người Á Châu đã tăng vọt ở Pháp sau vụ bộc phát virus corona.

“Tôi thật chán khi phải nghe những lời chế giễu và lời lẽ khiếm nhã mang tính kỳ thị nhắm vào những người thân yêu của tôi vì virus corona. Hãy chấm dứt nạn kỳ thị!”

Nhà báo Linh-Lan Đao nói bà kinh ngạc khi đọc hàng tít lớn trên báo Courier Picard: Alerte Jaune- Báo động Da Vàng.

Bà nói:

“Từ khi virus corona xuất hiện, cộng đồng Á Châu ở Pháp đã trở thành nạn nhân của những lời lẽ đầy tính kỳ thị. Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh chống kỳ thị và hận thù sắc tộc để chung sống và duy trì một xã hội đa văn hóa.”

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, virus cúm Vũ Hàn đã qua mặt virus SARS năm 2002-2003, khi 5.327 người bị lây nhiễm, 349 người thiệt mạng trong khoảng thời gian gần 8 tháng. Tỷ lệ tử vong của bệnh SARS cao hơn nhiều, tuy nhiên các nhà khoa học cảnh báo rằng virus corona rất ‘khó kiểm soát, và dịch cúm từ Vũ Hán chỉ mới trong giai đoạn đầu, do đó tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày sắp tới.

Kỳ thị chống Trung Quốc và người gốc Á tăng vì dịch corona
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:35 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG