Đường dẫn truy cập

Quốc hội Việt Nam sẽ soạn thảo luật về biểu tình


Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 19/6/2011
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 19/6/2011

Tin DPA ngày 29/9 đánh đi từ Hà Nội cho hay Quốc hội Việt Nam sắp soạn thảo luật quy định về biểu tình, theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo dự kiến, Quốc hội khóa 13, nhiệm kỳ 2011-2016, sẽ soạn thảo luật này.

Mặc dù quyền biểu tình của công dân được công nhận trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng chưa có luật thể chế hóa quy định của Hiến pháp, và người dân thường bị bắt bớ khi tham gia biểu tình, ngay cả các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước như các cuộc tuần hành chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội trong thời gian gần đây.

Bà Bùi Minh Hằng, một trong những người từng bị bắt giam vì biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, phản hồi trước tin Việt Nam sắp đề ra luật biểu tình:

“Nếu pháp luật Việt Nam ra đầy đủ văn bản rõ ràng thì đã không xảy ra những chuyện như thời gian qua. Bản thân tôi sáng nay đã đi nộp đơn kiện về việc người ta bắt giữ chúng tôi trong lúc đi biểu tình. Cho nên, thật sự mong muốn có luật biểu tình không phải của riêng tôi mà của tất cả người dân Việt Nam. Trong Hiến pháp có điều 69, nhưng khi chúng tôi đi biểu tình, nhà nước lại trấn áp, bắt bớ. Chúng tôi khao khát phải có luật biểu tình phù hợp với Hiến pháp, và một khi có luật, nhà nước hãy làm đúng luật và thực thi luật đó đúng với nhân dân. Cho đến thời điểm này, người dân có rất nhiều phản ứng trước những quy định của pháp luật được đề ra nhưng không được thực thi. Trước tín hiệu rằng Thủ tướng giao cho Bộ Công an soạn thảo luật về biểu tình, có lẽ chúng tôi không có điều gì để vội vàng vui mừng là sẽ có sự thay đổi cả.”

Ủy ban Pháp luật cho biết luật về biểu tình sẽ cho phép công dân thực thi quyền được công nhận trong Hiến pháp và đề ra cơ chế cho nhà nước kiểm soát hoạt động biểu tình, ngăn chặn việc lợi dụng biểu tình để kích động gây rối trật tự an ninh.

Hằng năm có hàng trăm cuộc biểu tình diễn ra tại Việt Nam kể cả các cuộc đình công của công nhân và các cuộc tập hợp của nông dân bị chính quyền tịch thu đất đai.

Nguồn: DPA, Giaoduc.net, VOA's Interview

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG