Đường dẫn truy cập

Việt Nam nên làm gì sau khi bị Fitch đánh tụt hạng?


TS Trần Lê Anh
TS Trần Lê Anh

Mới đây, công ty đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitchratings đánh tụt hạng tín nhiệm nợ quốc gia của vì có sự lo ngại đối với chính sách kinh tế “thiếu nhất quán”, dự trữ ngoại tệ và hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Nhân dịp này, tiến sĩ Trần Lê Anh, giáo sư Đại học Lasell, bang Massachusetts đã dành cho ban Việt ngữ buổi trao đổi về đề tài này.

VOA: Thưa Tiến sĩ Trần Lê Anh, xin cho biết khái niệm chung về đánh giá tín nhiệm quốc gia là gì và cách xếp hạng như thế nào?

Tiến sĩ Trần Lê Anh: Mục đích của việc đánh giá tín nhiệm nợ quốc gia là để đánh giá khả năng và thiện ý sẵn sàng trả nợ của một chính phủ. Việc này rất cần thiết vì khi một chính phủ vay nợ trên thị trường vốn quốc tế, người ta muốn biết xác suất vỡ nợ của chính phủ đó là cao hay thấp, có nghĩa là họ muốn biết được mức độ rủi ro mình phải đối diện là như thế nào. Nếu mức độ rủi ro cao, thì họ sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn, và ngược lại. Họ có thể phần nào biết được mức độ rủi ro bằng cách tham khảo chỉ số tín nhiệm nợ quốc gia của nước đó. Chỉ số này được đưa ra bởi những công ty đánh giá tín nhiệm; ví dụ như là Fitch và những công ty có tiếng toàn cầu khác như S&P và Moody’s.

Đây là những công ty tư nhân và những đánh giá tín nhiệm mà họ đưa ra chỉ là những ý kiến để các nhà đầu tư tham khảo, chứ họ không khuyến cáo các nhà đầu tư nên làm gì. Khi họ cho chỉ số tín nhiệm càng cao thì có nghĩa là rủi ro vỡ nợ càng ít, và ngược lại.

Theo ký hiệu để xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Fitch, từ cao đến thấp thì có 4 nhóm A, B, C, D. Trong mỗi nhóm tính từ cao đến thấp thì có 3 hạng, bắt đầu từ 3 chữ, đến 2 chữ, rồi đến 1 chữ . Ví dụ như AAA, xuống AA, xuống A. Tiếp đến là BBB, BB và B.

Ngoài ra từ hạng AA xuống hạng CCC thì họ có thể thêm dấu cộng hoặc dấu trừ đằng sau mỗi hạng để phân biệt sự cao thấp hơn một tí. Chẳng hạn như B+ cao hơn B một tí, còn B- thấp hơn B một tí.

Như vậy mức độ tín nhiệm cao nhất là AAA, và thấp nhất là D, Default, vỡ nợ.

Hạng BBB trở lên được cho là hạng đầu tư, từ BB trở xuống thuộc hạng không đầu tư, có nghĩa là mức độ rủi ro tương đối cao.

Vừa rồi, Fitch hạ bậc tín nhiệm dành cho nợ dài hạn phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam từ BB- xuống thành B+; có nghĩa là hạ một bậc; và thấp hơn 4 bậc so với hạng đầu tư tối thiểu là BBB-.

VOA: Thưa Tiến sĩ, dựa vào đâu mà các công ty như Fitch có thể đưa ra một chỉ số tín nhiệm?

Tiến sĩ Trần Lê Anh: Mỗi công ty định giá tín nhiệm đều có mô hình và phương pháp định giá riêng của họ. Tuy nhiên, họ thường cân nhắc những yếu tố rủi ro về kinh tế, chính trị và chính sách. Cụ thể có thể nêu ra một số yếu tố như lạm phát, nợ quốc gia, sự lành mạnh của hệ thống tài chính, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế, mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, ổn định chính trị, quyền sở hữu, và các chính sách thuộc về tiền tệ và tài khóa.

Tất nhiên, những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng và thiện ý sẵn sàng trả nợ của một chính phủ. Tôi lấy ví dụ, nếu một nước có thặng dư mậu dịch và lượng dự trữ ngoại hối cao thì khả năng trả nợ của nước đó được đánh giá phần nào là tương đối cao; có nghĩa là họ sẽ có hệ số tín nhiệm tương đối cao. Bởi vì khi có nhiều dự trữ ngoại hối thì mới có thể trả lãi và tiền vay gốc đúng thời hạn cho các khoản vay bằng đôla. Tương tự như vậy, khi kinh tế tăng trưởng nhanh và thu nhập bình quân đầu người cao thì mới có khả năng gia tăng nguồn vốn thu ngân sách để có tiền trả nợ.

Phần lớn những thông tin và số liệu liên quan đến những yếu tố như tôi đã nói thì các công ty đánh giá tín nhiệm họ thu thập từ các nguồn mà công chúng đều có thể biết. Ngoài ra họ có thể hỏi trực tiếp các viên chức nhà nước.

VOA: Trong trường hợp tụt hạng của Việt Nam vừa rồi thì Fitch nêu ra cụ thể những yếu tố nào?

Tiến sĩ Trần Lê Anh: Họ cho rằng dòng vốn ngoại tệ đổ vào Việt Nam thông qua các kênh như đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài yếu hơn, trong khi nhu cầu về vốn nước ngoài lại gia tăng. Vấn đề ở đây là sự lệ thuộc cao vào vốn nước ngoài sẽ làm nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương hơn, khi mà các luồng ngoại tệ chảy vào bị ảnh hưởng tiêu cực. Fitch cũng cho rằng Việt Nam có một hệ thống ngân hàng yếu, nền kinh tế có mức đôla hóa cao, tỷ lệ nợ công cao và thâm hụt tài khoản vãng lai cũng cao.

Về phương diện chính sách, Fitch cho rằng Việt Nam có chính sách kinh tế vĩ mô không nhất quán, lúc thì nới lỏng, lúc thì thắt chặt, mang tính chất đối phó tạm bợ. Họ còn cho rằng vì mục đích chính trị, Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và như vậy có khả năng làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô.

VOA: Có một số ý kiến có vẻ không đồng tình với quyết định đánh tụt hạng của Fitch đối với Việt Nam. Ý kiến của Tiến sĩ ra sao?

Tiến sĩ Trần Lê Anh: Như tôi đã nói lúc đầu, hệ số tín nhiệm mới mà Fitch đưa ra cũng chỉ là một ý kiến. Mà đã là ý kiến thì sẽ có người đồng tình và có người không. Riêng tôi thì thấy những yếu điểm của Việt Nam mà Fitch đã đưa ra để ủng hộ ý kiến đánh tụt hạng của mình cũng không phải là vô lý.

Đó những những điểm báo động có thể thấy được khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam. Rõ ràng nếu Việt Nam muốn có một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn để phát triển thì ít nhất là cần phải có những động thái chính sách hợp lý để giải quyết những vấn đề mà Fitch nêu ra. Cho dù các nhà phân tích có đồng tình hay không đồng tình với quyết định của Fitch thì nó vẫn có một giá trị tham khảo nhất định nào đó đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

VOA: Hệ quả của việc tụt hạng lần này đối với Việt Nam là như thế nào?

Tiến sĩ Trần Lê Anh: Tôi nghĩ rằng dù ít dù nhiều thì nó sẽ gây khó khăn hơn cho Việt Nam trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế trong tương lai. Nếu Việt Nam muốn phát hành trái phiếu quốc tế thì khả năng sẽ phải trả lãi suất cao hơn so với trước đây. Đơn giản là khi mức độ rủi ro cao hơn thì các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn.

Chúng ta còn nhớ hồi tháng 1 năm nay, Việt Nam đã phát hành 1 tỉ đôla trái phiếu quốc tế, có kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 6,95%. Vậy thì Việt Nam có thể phải trả cao hơn mức đó nếu muốn phát hành một đợt trái phiếu mới, bởi vì có mức tín nhiệm thấp hơn. Như vậy chi phí vay mượn sẽ tăng cao, và khi việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn thì sẽ ít nhiều có ảnh hưởng đến đầu tư vào các vấn đề thiết yếu như xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các chương trình phúc lợi.

Bên cạnh đó, việc tụt hạng cũng ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù đánh giá tín nhiệm quốc gia khác với đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng thường thì các hãng đánh giá tín nhiệm sẽ không cho các doanh nghiệp có chỉ số tín nhiệm cao hơn chỉ số tín nhiệm quốc gia. Như vậy, sự tụt hạng của mức tín nhiệm quốc gia cũng ảnh hưởng đến mức tín nhiệm mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được nếu như họ nhờ Fitch đánh giá tín nhiệm cho riêng mình, trước khi vay nợ trên thị trường vốn quốc tế.

Ngoài ra, việc tụt hạng lần này có lẽ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài muốn đến Việt Nam làm ăn. Họ có thể sẽ dè dặt hơn trong quyết định trút vốn của mình.

Dù sao đi nữa cũng có một điểm tích cực đáng lưu ý là khi Việt Nam tham gia vào việc đánh giá tín nhiệm quốc gia thì chứng tỏ chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện vấn đề minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thêm thông tin về mình.

VOA: Việt Nam cần phải làm gì để có thể nâng cao mức độ tín nhiệm của mình, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Trần Lê Anh: Tôi nghĩ nếu Việt Nam cải thiện được những yếu điểm căn bản của kinh tế vĩ mô thì tự nhiên hệ số tín nhiệm sẽ được cải thiện. Một trong những yếu điểm quan trọng nhất có thể thấy là Việt Nam thường cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh dựa vào gia tăng đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư không cao.

Hệ quả là lãng phí tài nguyên và các vấn đề bất ổn vĩ mô đi kèm theo. Ngoài ra Việt Nam cần cố gắng giảm thiểu tham nhũng để có được những bước cải thiện cần thiết. Bởi vì tham nhũng gây rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực qua các kênh khác nhau, từ việc thực thi chính sách cho đến việc sử dụng vốn.

Một ví dụ có thể thấy là mục đích vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng là tốt, nhưng nếu tham nhũng hoành hành thì sẽ đưa đến những công trình kém chất lượng và gây thất thoát. Hệ quả là nợ nần thì cao mà không phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế. Giải quyết tốt vấn đề tham nhũng thì chắc chắn niềm tin đối với chính phủ Việt Nam sẽ được gia tăng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG