Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Ngôi sao kinh tế đang lên sau cuộc suy thoái toàn cầu


Việt Nam: Ngôi sao kinh tế đang lên sau cuộc suy thoái toàn cầu
Việt Nam: Ngôi sao kinh tế đang lên sau cuộc suy thoái toàn cầu

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi sau cuộc suy thoái toàn cầu, phần lớn do gói kích cầu của chính phủ. Tuy nhiên, theo tường trình của Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, các kinh tế gia cho rằng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những thách thức như lạm phát, tham nhũng và sự kiểm soát của chính phủ.

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, và Đảng Cộng sản đã đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 8% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo mức tăng trưởng của năm 2011 sẽ vào khoảng 7,5% so với mức 6,5% của năm nay.

Ông Danny Armstrong là trưởng đại diện Việt Nam của Ngân hàng Commonwealth của Australia. Ông nói rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất.

Ông Armstrong nói: “Nếu quí vị xét đến những gì chúng ta vừa mới trải qua – bối cảnh tài chính toàn cầu tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua - quí vị có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,3% trong năm ngoái trong khi phần lớn các nền kinh tế phát triển thì lại thụt lùi – Tôi cho rằng viễn cảnh tăng trưởng là khá sáng sủa."

Chính phủ Việt Nam đã thông qua một gói kích cầu trị giá 8,5 tỷ đôla nhằm làm giảm các tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi giới hữu trách cũng giảm giá tiền đồng để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Ông Ayumi Konishi, trưởng đại diện của Ngân hàng Phát triển Á Châu, tức ADB, nói rằng gói kích cầu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái. Tuy nhiên ông Konishi nói rằng đã đến lúc cần giảm dần sự hỗ trợ của chính phủ.

Ông Konishi nói: "Chính phủ nên chấm dứt dần gói kích cầu thứ nhất. Điều đó thực sự sẽ giúp đạt mục tiêu ban đầu. Điều quan trọng là gói kích cầu cũng ngày càng bao gồm những dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng.”

Nhiều doanh nhân cho hay chính phủ cần tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đường sá, cảng và các nhà máy điện không thể bắt kịp với nhu cầu.

Ông Armstrong của Ngân hàng Commonwealth nói rằng đây là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp.

Ông Armstrong nói: "Tôi đoán rằng những lời phàn nàn chủ yếu là về sự bất ổn của nguồn điện lực trong hai năm qua. Giới truyền thông đã đề cập đến vấn đề này rất nhiều; ngoài ra còn có nhu cầu cần cải thiện các cơ sở cầu cảng. Đường sá, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, nếu quí vị quan sát giao thông trên đường, cơ sở hạ tầng đang phát triển đôi chút, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Việt Nam vẫn còn đang giải quyết nhiều vấn đề. 30 nhà máy nhiệt điện mới dự kiến sắp bắt đầu đi vào hoạt động, và chính phủ cũng có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy này.

Tuy nhiên, một số hoạt động của chính phủ lại dẫn đến những mối lo ngại khác. Quyết định giảm giá tiền đồng gây lo ngại về tình trạng lạm phát. Trong khi việc giảm giá tiền đồng nhằm mục đích tăng cường xuất khẩu thì đồng tiền nội tệ yếu lại làm các mặt hàng nhập khẩu tăng giá.

Cũng giống như các nền kinh tế đang nổi khác, Việt Nam đã chứng kiến nguồn vốn từ các nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp hơn đổ nhanh chóng vào thị trường trong nước.

Ví dụ như giá bất động sản đã gia tăng một cách nhanh chóng trong năm ngoái khiến nhiều người lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản.

Ông Nagesh Kumar là kinh tế gia trưởng tại Ủy ban Kinh tế Xã Hội Liên Hiệp Quốc đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ông nói rằng việc nguồn vốn đổ vào thị trường Việt nam cho thấy giá bất động sản ở các nơi khác ở Châu Á, trong đó có Trung Quốc, Aán Độ và Indonesia đang gia tăng.

Ông Kumar cho biết: "Đây là vấn đề tác động tới phần lớn các nền kinh tế đang lên ở châu Á. Do cuộc khủng hoảng nên hoạt động bơm vốn diễn ra trên khắp thế giới và bây giờ đã tìm đường tới các nền kinh tế châu Á bởi những nền kinh tế này đang tăng trưởng tốt. Chính vì những dòng vốn này đổ vào nên giá bất động sản và giá chứng khoán đang gia tăng.”

Bộ Xây dựng Việt Nam cho hay trong năm nay lĩnh vực bất động sản chiếm gần 22% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam.

Các phân tích gia kinh doanh như ông Armstrong nói rằng Việt Nam được hưởng lợi từ sự gia tăng chi phí ở Trung Quốc vốn đã buộc một số công ty phải chuyển hoạt động của họ đi nơi khác.

Ông Armstrong nói: “Nếu quí vị không muốn tất cả số trứng của mình đều ở trong chiếc rổ ở Trung Quốc (Nghĩa là nếu quí vị không muốn tất cả mọi khoản đầu tư của mình đều ở Trung Quốc) thì hãy xét đến Việt Nam như là một lựa chọn kế tiếp, nơi có một lực lượng lao động rẻ, nhưng trẻ trung và có thể đào tạo được. Việt Nam cũng có một nền chính trị ổn định, có điều kiện ưu đãi đầu tư khá tốt và đang trải thảm chào đón các nhà đầu tư nươc ngoài.”

Nhìn chung đầu tư nước ngoài đang phục hồi chậm chạp sau khi sút giảm trong thời gian xảy ra cuộc suy thoái toàn cầu. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài đã giảm 12% so với năm ngoái và ở mức 11 tỷ đôla, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cho năm 2010 của chính phủ là 22 tỷ đôla. Các nước đầu tư chính vào Việt Nam là Đài Loan, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Malaysia và Singapore cũng như Hoa Kỳ và Châu Âu.

Một số nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra lo ngại vì tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Việt Nam. Lý do để Fitch hạ bậc Việt Nam gồm có các chính sách không nhất quán của nhà nước, nhu cầu sử dụng nguồn vốn bên ngoài và sự yếu kém của các ngân hàng nội địa.

Ngoài ra, trong các khảo sát khu vực, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tham nhũng, vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Họ cũng nói rằng luật doanh nghiệp phức tạp của Việt Nam đã làm giảm sự hấp dẫn của nước này đối với các nhà đầu tư.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG