Trái phiếu 5 năm của Việt Nam đã giảm nhiều nhất tính từ một tháng qua, vào lúc đà lạm phát tăng nhanh lên đến mức kỷ lục, tính từ 22 tháng qua.
Hãng tin Bloomberg trích dẫn số liệu của Tổng Cục Thống Kê loan tin rằng chỉ giá tiêu dùng đã tăng 11.75% trong tháng 12, so với cùng kỳ năm ngoái, 11.09% hồi tháng 11. Đây là mức cao nhất kể từ tháng Hai năm 2009.
Chính phủ Việt Nam đang chật vật tìm cách kiềm chế nạn lạm phát, gây ra do sức ép của phát triển kinh tế, giá lương thực cao, và sự yếu kém của đơn vị tiền tệ Việt Nam.
Dịch vụ Đầu tư Moody nói rằng các giới chức Việt Nam không sẵn sàng siết chặt chính sách tiền tệ một cách hữu hiệu, khi công ty Moody hạ mức tín nhiệm tín dụng của Việt Nam hôm 15 tháng 12.
Ông Sherman Chan, một nhà kinh tế thuộc tập đoàn HSBC, đặt trụ sở ở Hong Kong, nói rằng “không có dấu hiệu gì cho thấy đà lạm phát đang chậm lại”. Ông Chan cho rằng mức tăng lạm phát không đến nỗi tệ, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng tình trạng lạm phát hiện nay rất đáng quan tâm.
Giá lương thực tăng vọt 16,18% so với năm ngoái, trong đó giá gạo tăng tới 17.96%, trong bối cảnh Việt Nam là nước tiêu thụ gạo lớn thứ 5 thế giới.
Giáo sư Ari Kokko của trường Kinh Doanh Copenhagen nói muốn ổn định giá cả, Việt Nam sẽ phải làm chậm lại phát triển kinh tế.
Dựa trên giá cả của các ngân hàng do hãng tin tài chánh Bloomberg ghi nhận, thì giá trị tiền đồng không thay đổi trong tuần này, và vào lúc 3 giờ chiều, giờ Hà Nội, một đôla đổi được 19,498 đồng.
Tại các địa điểm đổi tiền tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 24 tháng 12, một đôla đổi được từ 21,060 tới 21,110 đồng.
Ngân hàng trung ương ấn định mức 18,932 đồng trong cùng ngày, vẫn không thay đổi từ ngày 18 tháng 8 năm nay.
Nguồn: Bloomberg, AFP
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1