Đường dẫn truy cập

Việt Nam tuyên 9 năm tù cho Phạm Đoan Trang trong phiên toà được thắt chặt an ninh


Phạm Đoan Trang tại phiên toà xét xử ở Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 14/12. Nhà hoạt động và nhà báo nổi danh của Việt Nam bị tuyên 9 năm tù tội "tuyên truyền chống nhà nước."
Phạm Đoan Trang tại phiên toà xét xử ở Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 14/12. Nhà hoạt động và nhà báo nổi danh của Việt Nam bị tuyên 9 năm tù tội "tuyên truyền chống nhà nước."

Cập nhật:

Mỹ lên án việc kết tội và tuyên phạt ký giả Phạm Đoan Trang 9 năm tù, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết ngày 14/12.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói bà Trang không làm gì ngoài bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà và Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích bà Trang và cho phép mọi người ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không phải sợ bị trả thù.

Vẫn theo người phát ngôn Ned Price, Hoa Kỳ cũng kêu gọi Hà Nội đảm bảo luật lệ và hành động của họ nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam cũng như cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế.

*********

Nhà hoạt động và nhà báo nổi danh của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, bị tuyên án 9 năm tù, một mức án cao hơn đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát, trong một phiên toà xét xử “căng thẳng” và được thắt chặt an ninh ở Hà Nội hôm 14/12.

Bà Trang, người từng được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải Báo chí Tự do, bị kết tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, một điều luật mà giới hoạt động trong nước cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ.

Phán quyết được Toà án Nhân dân Hà Nội đưa ra sau một ngày xét xử, trong đó nói hành vi của bà Trang là “nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý.” Bản án được VnExpress trích dẫn nói những nội dung mà bà Trang, tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm xuất bản ở Việt Nam trong đó có “Chính trị bình dân” và "Phản kháng phi bạo lực", trả lời phỏng vấn trước đây trên BBC Tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA) là “xuyên tạc đường lối, chính sách, phỉ báng chính quyền” cũng như “tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.”

(Điều 88) là một điều khoản không nên có trong Bộ luật Hình sự và chúng tôi cho rằng hành vi của cô Phạm Đoan Trang nếu có thì thực ra đang thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Luật sư Đặng Đình Mạnh


Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 người bào chữa cho bà Trang tại phiên toà ở Hà Nội, cho VOA biết quan điểm bào chữa của các luật sư tại phiên toà là phản đối việc áp dụng điều 88 vì đã “vô hình chung phủ nhận điều 25 của Hiến pháp” trong đó quy đình quyền tự do ngôn luận của người dân.

“Đây là một điều khoản không nên có trong Bộ luật Hình sự và chúng tôi cho rằng hành vi của cô Phạm Đoan Trang nếu có thì thực ra đang thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi,” LS Mạnh nói và cũng cho biết rằng các luật sư đã bất ngờ với bản án 9 năm tù vì nó dài hơn thời gian mà VKS đề nghị và cho rằng đây là một điều khá bất thường.

Trước đó trong phiên xét xử hôm 14/12, các công tố viên của Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho bà Trang, người được các tổ chức quốc tế coi là một nhà báo và người bảo vệ nhân quyền dũng cảm khi dám đứng lên đấu tranh cho công bằng và dân chủ ở Việt Nam, từ 7 đến 8 năm tù giam.

LS Mạnh cho biết phiên toà diễn ra căng thẳng khi bà Trang thường xuyên bị chủ toạ ngắt lời vì bị cho rằng những gì bà nói, khi nhắc đến lời Đức Đạt Lai Lạt Ma hay Nguyễn Trãi trong vở kịch về vụ Lệ Chi Viên, là “chệch hướng.” Bà Trang đã phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình. Ngoài ra, theo LS Mạnh, phiên xét xử còn có những “dấu hiệu giả mạo về nhân chứng” và ý kiến của các luật sư bào chữa cho bà Trang không được chấp nhận gây bất bình đẳng trong tranh tụng.

“Chúng tôi cho rằng việc buộc tội cô Đoan Trang là chưa có đủ cơ sở pháp lý,” LS Mạnh nói.

Bất bình trước việc xét xử tại phiên toà hôm 14/12, ông Nguyễn Chính Trực, anh trai của bà Trang đã đứng lên nói những lời phản đối và bị toà trục xuất ra trước khi bản án được đưa ra cho em gái ông.

Bà Trang, người từng làm việc cho báo nhà nước trước khi trở thành một người cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền cũng như sáng lập điều hành các trang Luật khoa Tạp chí và The Vietnamese, bị bắt giam từ tháng 10 năm ngoái và đây là lần đầu tiên ông Trực cùng mẹ mình được gặp mặt em gái, dù không không được tiếp xúc. Ông Trực cho VOA biết trong suốt hơn 1 năm bà Trang bị giam giữ, gia đình ông không được thăm nuôi em gái mình.

Tội duy nhất của (Phạm Đoan Trang) là kêu gọi tự do báo chí ở đất nước của cô.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF)


Việc bắt giữ và xét xử bà Trang của chính quyền Việt Nam đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối từ các nhóm nhân quyền quốc tế. Vào tháng 10 vừa qua, 28 tổ chức, gồm Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW), và Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lên án việc bắt giữ này cũng như kêu gọi trả tự do cho bà.

Ngay sau khi bà Trang bị tuyên án hôm 14/12, RSF nói rằng tổ chức này “kinh hoàng khi biết nhà báo nổi danh của Việt Nam và người đạt giải tầm ảnh hưởng của RSF 2019, Phạm Đoan Trang, vừa bị kết án 9 năm tù” và rằng “tội duy nhất của cô là kêu gọi tự do báo chí ở đất nước của cô.”

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, gọi bản án 9 năm tù giành cho bà Trang là “tàn bạo”.

“Việc bỏ tù một người chủ trương cải cách tận tuỵ với mục đích thúc đẩy cho nhân quyền, quản trị tốt và công lý là một bản cáo trạng nhức nhối về mọi thứ sai trái với Việt Nam độc tài ngày nay,” ông Robertson nói với Reuters.

Theo LS Mạnh, bà Trang cho biết trước khi bị xét xử rằng nếu hình phạt cao thì khả năng là bà sẽ kháng cáo. Còn theo ông Trực, biết gia đình sẽ xem xét kháng cáo bản án dù biết rằng cơ hội “có thể không nhiều.”

Trong bức thư với tiêu đề “Nếu tôi có đi tù” được công bố ngay sau khi bà Trang bị bắt vào tháng 10/2020, bà Trang kêu gọi vận động cho luật bầu cử mới và “chăm sóc mẹ tôi giùm.”

Trang không muốn mình là phương tiện để đổi chác cho những chính sách và quyền lợi khác của chính quyền. Trang không muốn là món hàng.
Phạm Chính Trực, anh trai Phạm Đoan Trang


Theo LS Mạnh, trước khi bị dẫn giải đi sau phiên xử hôm 14/12, bà Trang đã kịp nói với người mẹ 81 tuổi rằng: “Con yêu mẹ. Con không sợ đâu. Mẹ giữ gìn sức khoẻ.”

“Tôi không cần tự do cho riêng mình,” bà Trang viết trong bức thư được ông Will Nguyễn, người cùng bà viết Báo cáo Đồng Tâm, công bố. “Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho Việt Nam.”

Cũng trong bức thư này, bà Trang nói sẽ “không nhận tội, không xin khoan hồng” cũng như “không quan tâm đến số năm tù theo bản án.”

“Khi còn tự do Trang đã nói công khai là Trang không muốn mình là phương tiện để đổi chác cho những chính sách và quyền lợi khác của chính quyền. Trang không muốn là món hàng (cho sự đổi chác),” ông Trực nói. “Gia đình cho tới thời điểm này nghĩ rằng Trang sẽ không thay đổi quan điểm đó.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG