Đường dẫn truy cập

Anh ‘quan tâm’ tới kết luận của chuyên gia Liên Hợp Quốc về bà Phạm Đoan Trang


Ký giả tự do Phạm Đoan Trang.
Ký giả tự do Phạm Đoan Trang.

Anh mới bày tỏ “quan tâm” tới kết luận của một nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ký giả tự do Phạm Đoan Trang.

Nhân dịp Liên minh Tự do Báo chí ra tuyên bố chung nhân Ngày Quốc tế Bảo vệ Quyền Nhà báo, Đại sứ quán Anh ở Việt Nam hôm 2/11 viết trên Facebook của cơ quan này rằng chính phủ Anh “quan tâm tới kết luận mới được công bố gần đây của Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc rằng nhà báo Phạm Đoan Trang cần được trả tự do”.

Trước đó ít ngày, một nhóm chuyên gia nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho bà Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động vì nhân quyền và là tác giả nhiều cuốn sách, đang bị giam giữ và đối mặt với án tù có thể lên đến 12 năm nếu bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Như VOA đã đưa tin, bà Trang bị bắt hồi tháng 10/2020 ở thành phố Hồ Chí Minh và hiện bị tạm giam ở Hà Nội. Nhà chức trách Việt Nam ban đầu lên kế hoạch đưa bà ra xét xử hôm 4/11 nhưng sau đó thông báo hoãn phiên tòa vì một số kiểm sát viên phải cách ly liên quan đến dịch COVID-19.

Trong thông cáo được Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền đăng tải hôm 29/10, 8 chuyên gia nhắc lại rằng Điều 88 trong Bộ luật Hình sự 1999 mà Việt Nam áp dụng để truy tố bà Trang là điều luật “được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền”.

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính quyền rút bỏ những điều luật vi phạm quyền tự do về bày tỏ ý kiến và biểu đạt như vậy”, các chuyên gia cho biết, theo thông cáo.

Tới ngày 4/11, VOA tiếng Việt chưa thấy Bộ Ngoại giao có phản ứng về kết luận của các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc mà chính phủ Anh bày tỏ “quan tâm”.

Một ngày trước khi các chuyên gia Liên Hợp Quốc công bố kết luận về trường hợp bà Phạm Đoan Trang, trang web của đài truyền hình nhà nước VTV đăng tải nội dung chương trình có tên gọi “Đối diện”, trong đó đề cập tới “những bước tiến vượt bậc trong thực hiện quyền con người, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thế giới công nhận” đồng thời chỉ trích những người bị coi là “các thế lực chống phá, cơ hội chính trị, các đối tượng thiếu thiện cảm với Việt Nam vẫn thường xuyên xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế tại Việt Nam, cố vẽ nên bức tranh về một quốc gia, nơi mà các quyền này bị xâm phạm một cách nghiêm trọng”.

Chương trình này cho rằng bà Trang “được tổ chức phản động bên ngoài huấn luyện” nên “ngày càng trở thành đối tượng có tư tưởng cực đoan, hoạt động chống phá công khai, quyết liệt”.

Trong khi đó, trong thông cáo đăng hôm 29/10 trên trang web của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, nhóm gồm 8 chuyên gia kết luận rằng “bà Phạm Đoan Trang chính là nạn nhân mới nhất của việc chính quyền sử dụng những điều luật được viết mơ hồ về tội tuyên truyền để trừng trị các cây viết, các nhà báo và các nhà bảo vệ nhân quyền, hình sự hóa việc họ thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến, biểu đạt để chia sẻ thông tin”.

Ngoài vụ bà Phạm Đoan Trang, đại sứ quán Anh ở Việt Nam cũng “bày tỏ lo ngại với việc các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) hiện đang phải chịu án tù”.

Theo cơ quan ngoại giao này, tuyên bố chung của Liên minh Tự do Báo chí, vốn gồm nhiều nước ký cam kết, trong đó có Anh, Mỹ, Nhật, có đoạn viết: “Tự do báo chí là nền tảng của xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Mọi người đều cần được tiếp cận thông tin từ nguồn đáng tin cậy và độc lập, điều chúng ta thấy rất rõ qua đại dịch COVID-19. Phóng viên, những người đóng vai trò không thể thay thế cho quá trình này, hiện đang chịu sức ép ở khắp mọi nơi trên thế giới, do nhà cầm quyền trong từng giai đoạn nhất định tìm cách khiến các nhà báo, những người giám sát hành động của chính quyền một cách sát sao, phải im lặng. Phóng viên có thể bị đe dọa, tấn công bằng bạo lực thể xác hoặc ngôn từ, bị buộc tội, giam giữ tùy tiện, thậm chí mất tích hoặc sát hại”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG