Đường dẫn truy cập

Việt Nam trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực


Việt Nam vừa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Cũng trong năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.
Việt Nam vừa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Cũng trong năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Trung Quốc cho biết Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong khu vực Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước.

Tại cuộc họp báo do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội hôm 26/7, Tham tán thương mại Hồ Tỏa Cẩm được trích lời nói kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD.

Trong tháng 6 năm nay, giá trị trao đổi thương mại Việt-Trung đạt 11,2 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 9,3 tỷ USD giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia, theo VN Plus, một ấn phẩm của Thông Tấn Xã Việt Nam.

Trong sáu tháng đầu năm nay, thương mại hai chiều giữa hai quốc gia giáp đường biên giới này tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng 15,5% về thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia, theo VOV.

Ông Hồ cho biết với đà tăng trưởng như hiện nay, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ có đột phá mới trong năm 2018.

Vào tháng 2 năm nay, Trung Quốc thay thế Mỹ đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Việt Nam. Sau 15 năm Mỹ thống trị thị trường xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này, Trung Quốc đã vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1, theo số liệu thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) được Bloomberg trích dẫn.

Tuy nhiên điều này gây ra lo ngại rằng Việt Nam sẽ càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.

Bloomberg từng cảnh báo với kim ngạch xuất khẩu gần tương đương 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi thị trường đó là Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế trong nước.

Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc tại Việt Nam đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và là mức cao nhất trong lịch sử, theo tham tán thương mại Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc nói sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tới Việt Nam đầu tư.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo về dòng vốn FDI của Trung Quốc khi ồ ạt vào Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh được IAVietnam trích lời nói chiến lược của chính phủ Trung Quốc hiện nay là khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi, bù đắp cho những khó khăn trong nước.

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết FDI của Trung Quốc chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam và kém trong chuyển giao công nghệ. Theo IAVietnam, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài từ bắc đến nam của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Đây là một trong những lo ngại của người dân Việt Nam khi Quốc hội đưa ra dự luật đặc khu kinh tế trong đó cho các nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm và công chúng cho rằng các dự án đầu tư sẽ có nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau.

Trong tháng trước, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp Việt Nam và trên thế giới nơi có nhiều người Việt sinh sống để phản đối dự luật này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG