Đường dẫn truy cập

Việt Nam vào thế kẹt: Chiến hạm Mỹ không dọa được Trung Quốc trên biển Đông


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ trên biển Đông ngoài khơi Đà Nẵng. Sau lần thứ 2 phải dừng thăm dò dầu khí trên vùng biển có tranh chấp trước sức ép của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Việt Nam "đang ở trong thế kẹt."
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ trên biển Đông ngoài khơi Đà Nẵng. Sau lần thứ 2 phải dừng thăm dò dầu khí trên vùng biển có tranh chấp trước sức ép của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Việt Nam "đang ở trong thế kẹt."

Không lâu sau khi hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời Việt Nam đã lọt ra thông tin Hà Nội phải dừng dự án thăm dò dầu khí trị giá 1,23 tỷ USD trên biển Đông vì sức ép của Bắc Kinh.

Các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy Trung Quốc đang thắng lớn ở biển Đông và chiến lược hiện tại của Mỹ trên vùng biển nhiều tranh chấp này đang thất bại.

VN ngưng dự án Repsol ở Biển Đông do áp lực TQ

Tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng có ý nghĩa gì?

Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy 1 năm, Việt Nam bị Trung Quốc ép ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực gần đường lưỡi bò 9 đoạn trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực biển Đông.

Chiến lược hiện tại của Mỹ đã thất bại... Nó không đủ để ngăn Trung Quốc khỏi hành động chiếm đoạt biển Đông từng bước một.
Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS

Hôm 23/3, Reuters và BBC cùng loan tin rằng Việt Nam đã ‘xuống thang’ trong dự án Cá Rồng Đỏ, có tên tiếng Anh là Red Emperor, hợp tác với công ty năng lượmg Repsol của Tây Ban Nha ở biển Đông trước áp lực từ Trung Quốc.

Trước đó trong tháng, Mỹ đã lần đầu tiên đưa một hàng không mẫu hạm tới cập cảng Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh giữa 2 cựu thù kết thúc vào năm 1975 cùng với mối quan hệ đang nồng ấm hơn giữa Hà Nội và Washington. Tàu USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng từ ngày 5-9 tháng 3.

Với chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, “Việt Nam muốn làm cho Trung Quốc tin rằng mối quan hệ an ninh mật thiết với Mỹ có ý nghĩa rằng Washington sẽ hỗ trợ vị thế của Việt Nam trên biển Đông,” Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Gregory Poling, nhận định với VOA.

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng hôm 5/3 và rời đi sau 5 ngày.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng hôm 5/3 và rời đi sau 5 ngày.

Theo nhận định trước đó của Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc và chuyên gia về biển Đông Bill Hayton của Viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng có mục đích giúp Việt Nam ngăn Trung Quốc gây áp lực lên các dự án thăm dò dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ.

Tuy nhiên, sự hiện diện của hải quân Mỹ trên biển Đông không làm Trung Quốc sợ, theo các chuyên gia.

Nhà nghiên cứu của CSIS, Poling, cho rằng chiến lược hiện tại của Mỹ “đã thất bại.”

“Điều này cho thấy sự hạn chế của chiến lược hiện tại của Washington, gồm có chuyến thăm của hàng không mẫu hạm và mối quan hệ an ninh mật thiết với Việt Nam cũng nhưng một vài hoạt động FONOPS (tự do hàng hải), không có tác dụng. Nó không đủ để ngăn Trung Quốc khỏi hành động chiếm đoạt biển Đông từng bước một.”

Quan hệ giữa Washington và Hà Nội nồng ấm hơn đặc biệt kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam năm 2016. Tuy nhiên 2 nước vẫn chưa phải là đối tác chiến lược.
Quan hệ giữa Washington và Hà Nội nồng ấm hơn đặc biệt kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam năm 2016. Tuy nhiên 2 nước vẫn chưa phải là đối tác chiến lược.

Mặc dù mối quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Mỹ đang nồng ấm hơn, nhất là kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội và việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí vào năm 2016, hai nước vẫn chưa có mối quan hệ đối tác chiến lược.

Trung Quốc lần đầu tiên ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí trên biển Đông vào tháng 7 năm ngoái cũng trong một dự án cũng với Repsol. Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận điều này nhưng tập đoàn dầu khí của Tây Ban Nha sau đó nói họ đã ngừng khoan dầu cho Việt Nam trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc.

Điều tốt nhất mà Hà Nội có thể làm là tìm cách thuyết phục thế giới về thực tế đó; tìm cách làm cho Mỹ, Úc, Nhật và châu Âu phải thức tỉnh và nhận ra rằng điều gì vừa xảy ra.
Gregory Poling, nhà nghiên cứu của CSIS

Hà Nội chưa công khai lên tiếng sau khi thông tin về lần thứ 2 Việt Nam phải ngừng khoan thăm dò dầu khí với Repsol trước sức ép của Trung Quốc hôm 23/3.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng khẳng định vào tháng 8 năm ngoái rằng hoạt động khoan dầu với Repsol nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cả 2 dự án bị treo của Việt Nam đều thuộc các lô nằm gần đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc đặt ra. Bắc Kinh cho rằng nó “chồng chéo” lên các mỏ dầu khí mà Trung Quốc sở hữu trên vùng biển tranh chấp này.

“Hà Nội đang trong thế kẹt,” theo chuyên gia Poling của CSIS khi nói về sức ép của Trung Quốc trên biển Đông. “Điều này cho thấy một hàm ý lớn hơn rằng trật tự dựa trên luật pháp và các luật quốc tế đã không được công nhận.”

Người Việt ở Manila tuần hành trước phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế khi phủ nhận đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết này.
Người Việt ở Manila tuần hành trước phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế khi phủ nhận đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết này.

Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye vào tháng 7/2016 đã bác bỏ tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trong vụ kiện do chính phủ Philippines khởi xướng dưới thời Tổng thống Beniqno Aquino. Nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết này.

“Điều tốt nhất mà Hà Nội có thể làm là tìm cách thuyết phục thế giới về thực tế đó; tìm cách làm cho Mỹ, Úc, Nhật và châu Âu phải thức tỉnh và nhận ra rằng điều gì vừa xảy ra, và rằng họ chỉ ngồi đó trong khi Trung Quốc lật ngược và vi phạm luật pháp quốc tế,” theo nhà nghiên cứu của CSIS.

VOA Express

XS
SM
MD
LG