Đường dẫn truy cập

Việt Nam tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc


Người dân Việt Nam ở hải ngoại biểu tình trước cửa Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sỹ, hồi tháng 11/2018. Việt Nam vừa tuyên bố ứng cử vị trí thành viên UNHRC bất chấp hồ sơ nhân quyền mà cộng đồng quốc tế cho là "nghèo nàn."
Người dân Việt Nam ở hải ngoại biểu tình trước cửa Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sỹ, hồi tháng 11/2018. Việt Nam vừa tuyên bố ứng cử vị trí thành viên UNHRC bất chấp hồ sơ nhân quyền mà cộng đồng quốc tế cho là "nghèo nàn."

Việt Nam hôm 22/2 tuyên bố ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ tới trong khi có những phản ứng trái chiều từ giới quan sát và nhóm nhân quyền quốc tế.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra tuyên bố trên tại khoá họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) khai mạc tại trụ sở LHQ ở Geneva qua hình thức trực tuyến, theo cổng thông tin điện tử chính phủ VGP News.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam, ông Minh phát biểu từ Hà Nội rằng “với mong muốn đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.”

Việt Nam ra tranh cử chức thành viên của UNHRC trong bối cảnh vị thế của quốc gia Đông Nam Á đang tăng lên trên trường quốc tế, đặc biệt trong năm vừa qua khi chính phủ Hà Nội được Mỹ và cộng đồng quốc tế ca ngợi về thành công trong vai trò chủ tịch luân phiên khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch virus corona.

Trong bài phát biểu được VGP News đăng toàn văn, Phó Thủ tướng Minh nói rằng Việt Nam đã “nỗ lực tối đa cho việc chống dịch COVID-19, trong đó đặt người dân vào trung tâm của các nỗ lực này” và “cũng nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.”

Trước thông tin Việt Nam ứng cử vào UNHRC, Luật sư Vũ Đức Khanh, người theo dõi tình hình Việt Nam từ Canada, hoan nghênh động thái này và đánh giá cao “nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chăm lo sức khoẻ cho người dân, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ gìn an ninh, an toà, trật tự xã hội.”

Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) hôm 11/2 đã xếp Việt Nam vào danh sách các chính phủ lợi dụng COVID-19 để vi phạm nhân quyền. Phúc trình của HRW cho rằng Việt Nam, trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới, dùng đại dịch COVID-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hoà của người dân.

Dù ủng hộ Việt Nam gia nhập UNHRC, nhưng LS Khanh cho biết trong thông cáo của văn phòng ông ra hôm 22/2 gửi cho VOA rằng “những thành tựu về nhân quyền củ Việt Nam trong 10 năm gần đây rất đáng quan ngại. Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hoá các hoạt động biểu đạt chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến.”

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ và các nhà báo tự do trong nước trong những năm qua, đặc biệt trước thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 vừa kết thúc hôm 1/2.

Phản ứng trước tuyên bố của Phó Thủ tướng Minh đăng trên trang Twitter về việc ứng cử của Việt Nam vào UNHRC, Phó Giám đốc đặc trách châu Á của HRW Phil Robertson nói rằng ông “không thể nghĩ đến một chính phủ nào mà có thể ít hữu ích hơn Việt Nam trong sự nghiệp nhân quyền tại UNHRC” vì ông cho rằng chính phủ Việt Nam “đã huỷ hoại nhân quyền ở mọi bước trên con đường đó.” Theo ông Robertson, Việt Nam “sẽ là một thảm hoạ” cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ.

Theo Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), chính phủ Việt Nam đã bắt giam ít nhất 32 người vì hành xử ôn hoà quyền tự do ngôn luận và biểu đạt trong năm 2020 khi đại dịch hoành hành, và cùng thời gian này 23 người khác bị đưa ra trước vành móng ngựa với các mức án lên đến 12 năm tù.

Trong khi đó Phó Thủ tướng Minh nói ông “tự tin rằng Việt Nam có thể và sẽ đóng góp rất lớn vào công việc của Hội đồng (Nhân quyền LHQ).”

Theo ông Minh, Việt Nam “được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN” và “hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc.”

“Chúng tôi cầu chúc Việt Nam đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025,” LS Khanh nói từ Ottawa, và ông “mong rằng thông qua cương vị này, Việt Nam sẽ sớm có những chuyển biến tích cực để không chỉ cải thiện điều kiện nhân quyền ở Việt Nam mà còn góp phần vào việc bảo vệ và thực thi quyền con người trên toàn thế giới.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG