Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Tướng quân đội được bổ nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương


Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019. Photo PLO.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019. Photo PLO.

Bộ Chính trị của Việt Nam vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Nghĩa, một thượng tướng có 42 năm phục vụ trong quân đội, giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Các nhà quan sát nhận định với VOA rằng việc bổ nhiệm này cho thấy Đảng chỉ ra sức bảo vệ chế độ bằng việc “quân sự hóa” các chức danh chủ chốt, chứ không phải để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Hôm 19/2, ông Võ Văn Thưởng, người tiền nhiệm chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khen gợi ông Nghĩa là “người được đào tạo căn bản, được thử thách, rèn luyện trong quân đội, có nhiều kinh nghiệm tích lũy trong công tác chính trị ở môi trường quân đội,” theo báo Tuổi Trẻ.

Sau Đại hội Đảng XIII vào tháng trước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, 59 tuổi, được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng. Ông từng là ủy viên Quân ủy Trung ương, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiện là ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan có vai trò quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giữ nhiệm vụ tham mưu của Trung ương trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, quan điểm, và chủ trương của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo, lý luận chính trị, cũng như lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại...

Ông Nghĩa phát biểu tại buổi lễ nhậm chức hôm 19/2: “42 năm trong quân ngũ, tôi luôn ghi nhớ, thực hiện lời thề danh dự của quân nhân là tuyệt đối trung thành với Đảng, nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.”

Ông Võ Văn Thưởng (phải) trao quyết định của Bộ Chính trị và tặng hoa Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Photo QDND
Ông Võ Văn Thưởng (phải) trao quyết định của Bộ Chính trị và tặng hoa Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Photo QDND

Các nhà báo độc lập và giới tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, nêu nhận định rằng việc thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được tiến cử lãnh đạo cơ quan tuyên giáo Việt Nam cho thấy việc giữ vững thế chính trị độc đảng được ưu tiên hàng đầu.

Từ Khánh Hóa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nêu nhận định:

“Việc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ điều động ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho thấy dấu hiệu rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn đặt vấn đề cai trị, giữ ổn định cho thể chế của mình lên trên hết chứ không phải nhằm mục đích cho đất nước này tiến bộ lên trên hết.

“Tuy rằng họ vẫn mong muốn Việt Nam ngày càng mạnh về kinh tế, nhưng ưu tiên số một vẫn là giữ sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng lực lượng vũ trang, bằng công an hay quân đội.”

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định về xu hướng tiến cử những quan chức trong quân đội và công an vào vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng từ Đại hội XII (2016):

“Sau Đại hội 12, tôi thấy các nhân vật có nguồn gốc từ công an, quân đội vào nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước Việt Nam là khá nhiều. Điều này báo hiệu một tương lai không tốt đẹp gì cho phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ và tiến bộ xã hội ở Việt Nam.

“Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho thấy Việt Nam vẫn duy trì chế độ độc đảng lãnh đạo, luôn lấy lực lượng vũ trang ra để răn đe người dân.

“Đa phần giới xuất thân từ quân sự, công an, có kiến thức xã hội rất hạn chế, họ sẽ áp dụng quản lý kiểu nhà binh, và đặt nặng lý thuyết Mac-Lênin, kìm hãm đất nước.”

Ông Lê Văn Thương, một cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiện đang xin tị nạn chính trị tại Bangkok, Thái Lan, nêu nhận định:

“Việc ông Nguyễn Trọng Nghĩa phó chủ nhiệm tổng cục chính trị của quân đội được bổ nhiệm làm trưởng ban tuyên giáo Trung Ương thì cũng không có gì đáng bàn. Nhưng có điểm then chốt ở đây là trong giai đoạn này về tình hình chính trị trong nội bộ bộ máy cộng sản cũng đang có những bất ổn về tư tưởng.

"Ông Nguyễn Phú Trọng muốn đưa một người đảm nhiệm về công tác chính trị tư tưởng trong quân đội lên làm trưởng ban tuyên giáo trung ương theo suy nghĩ của tôi gồm có 3 mục đích:

“Thứ Nhất, ông Nguyễn Phú Trọng muốn đưa ông Nghĩa, một người làm công tác chính trị, tư tưởng lâu năm trong quân đội thì sẽ có nhiều kinh nghiệm tuyên truyền và kĩ năng lừa gạt dân chúng cũng như dối trá về chủ nghĩa cộng sản của ông ta sẽ cao hơn những người khác. Từ đó những quyết định ông Nghĩa đưa ra để tuyên truyền dối trá cho nhân dân sẽ ít bị sơ hở và lộ liễu hơn.

“Thứ Hai, từ trước đến giờ cộng sản luôn có một lối ru ngủ nhân dân duy nhất, làm cho người dân dù bất mãn cỡ nào cũng không phản kháng hoặc phản kháng yếu ớt đó là họ cứ rêu rao đất nước anh hùng, dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng bởi vậy việc đưa một người làm chính trị tư tưởng lâu năm trong quân đội để thúc đẩy việc ru ngủ theo đường lối đó cũng là điều dễ hiểu.

“Thứ Ba, trong giai đoạn chính trị thế giới và trong nước hiện nay đang có nhiều bất ổn khó lường nên ông Trọng muốn có một người đẩy mạnh và lan rộng xu hướng quân sự hóa ra cho các địa phương và người dân cả nước để nhằm ứng phó những tình huống có thể xảy ra như chiến tranh hoặc có xung đột cục bộ.”

Truyền thông Việt Nam trước đây có loan tin rằng Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa từng xác định việc đấu tranh với thế lực thù địch, phản động là “cuộc đấu tranh một mất một còn, quyết liệt, nóng bỏng, cấp bách và không nhân nhượng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG