Đường dẫn truy cập

Việt Nam nhắm mục tiêu đến năm 2030 sản xuất 100.000-500.000 tấn hydro/năm


Mô hình về sản xuất hydro từ nước biển.
Mô hình về sản xuất hydro từ nước biển.

Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến năm 2030 sẽ sản xuất 100.000-500.000 tấn hydro mỗi năm, là một phần trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, theo nội dung bản chiến lược phát triển hydro của đất nước này vừa được phê duyệt trong tháng và công bố ở Hà Nội hôm thứ Năm 22/2, các trang web của Reuters và H2 View cho hay.

Reuters và H2 View dẫn lại văn bản của chính phủ Việt Nam cho biết rằng chiến lược phát triển năng lượng hydro của đất nước này hy vọng sẽ đưa Việt Nam tiến đến sản xuất được 10-20 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050, sử dụng cả năng lượng tái tạo lẫn thu hồi carbon.

Văn bản có đoạn viết rằng việc sản xuất, phân phối và sử dụng hydro sẽ giúp "đáp ứng các mục tiêu quốc gia của đất nước về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và đạt được mục tiêu về phát thải bằng 0 vào năm 2050".

Hydro được xếp loại là năng lượng 'xanh' khi nó được tách ra từ nước bằng phương pháp điện phân dùng năng lượng tái tạo và được coi là rất quan trọng để giúp khử carbon của hoạt động công nghiệp, tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn đắt đỏ và đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Vẫn theo văn bản của chính phủ Việt Nam, được Reuters và H2 View trích dẫn, nếu đạt được sản lượng hydro đầy tham vọng như nêu trên, nguồn năng lượng đó sẽ phần nào thay thế khí đốt tự nhiên và than tại các nhà máy điện vào năm 2030. Bên cạnh đó, văn bản viết rằng hydro cũng sẽ được sử dụng trong ngành vận tải, sản xuất phân bón, thép và xi măng.

Bản chiến lược của Việt Nam cũng nêu ra rằng đến năm 2050, hydro sẽ đóng vài trò trong 10% hoạt động phát điện của đất nước cùng lúc Việt Nam phấn đấu đáp ứng mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào giữa thế kỷ.

Chính phủ Việt Nam nói rằng mục tiêu tổng thể của chiến lược là phát triển hệ sinh thái hydro của đất nước trong một loạt các lĩnh vực sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam sẽ huy động cả nguồn vốn công lẫn tư để sản xuất hydro, bao gồm ngân khoản từ việc phát hành trái phiếu xanh và từ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một chương trình tài trợ được tạo thành bằng các khoản đầu tư cổ phần, viện trợ và các khoản vay ưu đãi từ các nước thành viên Nhóm G7, các ngân hàng đa phương và các bên cho vay tư nhân.

Ngoài ra, chiến lược còn đặt ra kế hoạch xây dựng và bổ sung các quy định về phát triển năng lượng tái tạo nhằm thiết lập “nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch và thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của năng lượng mới và tái tạo”.

Việt Nam cũng tỏ ý khuyến khích các bên hiện đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch “tích cực chuyển đổi” sang sản xuất và sử dụng hydro bằng cách phát triển các cơ chế thu hút đầu tư vào hydro.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG